Một bưu tá tận tâm
(Baonghean) - Để hiểu hơn về công việc của chị Nhàn bưu tá thuộc Bưu điện Trung tâm TP. Vinh, tôi cùng chị đến phường...
(Baonghean) - Để hiểu hơn về công việc của chị Nhàn bưu tá thuộc Bưu điện Trung tâm TP. Vinh, tôi cùng chị đến phường Hà Huy Tập (Thành phố Vinh) - là đường phát của chị. Nơi đến đầu tiên là Công ty Xăng dầu, có 6 số báo Nghệ An, 6 số báo Nhân dân, 20 số tạp chí Cộng sản và tạp chí Xây dựng Đảng, cùng một số công văn và các loại giấy tờ khác… Kết thúc chặng buổi sáng lúc 12 giờ kém 5 phút sau khi đưa số báo Nghệ An cho bác bí thư chi bộ khối Tân Hòa. Buổi chiều xuất phát từ 1 giờ 30 phút, kết thúc chặng đường gần 5 giờ rưỡi. Tuy buổi chiều, không có những địa chỉ lẻ để phát 100 số báo Nghệ An, 44 số báo Nhân dân, nhưng lại có nhiều báo tuần, báo chuyên ngành và công văn, thư tín ngoài tỉnh phải đưa. Đó là lộ trình đều đặn hàng ngày của chị.
Bây giờ, công việc đã thành thục, vì mỗi thiếu sót chị đều điều chỉnh và khắc phục ngay nên đã thuận lợi rất nhiều. Địa bàn phường Hà Huy Tập rộng, nhiều địa chỉ thư lẻ. Cán bộ lãnh đạo cao cấp nghỉ hưu có 41 cụ được cấp báo Nhân dân và báo Nghệ An, 24 bí thư chi bộ và một số cơ quan, đơn vị khác. Khó nhất là việc chuyển báo đến tay các cụ kịp thời, bởi các cụ đã nghỉ hưu, việc theo dõi thông tin thời sự từ báo đảng như cơm ăn, nước uống hàng ngày, nếu chậm hoặc thất lạc hay rách nát thì thật “khó ăn, khó nói”. Chính vì vậy, hầu như các bưu tá đều ngại nhận đường thư này. Chị Nhàn thì khác, chị nghĩ “các cụ như cha, chú của mình, phục vụ tận tâm để các cụ vui mới là điều quan trọng”, nghĩ vậy và chị luôn tận tâm với công việc.
Chị Nhàn phân chia báo chuẩn bị đưa tới bạn đọc.
Vui nhất là khi đến khối 5 đưa báo cho cụ Tô Vinh- Nguyên Bí thư Thành ủy Vinh nghỉ hưu, cụ Vinh được cấp 2 số báo Nghệ An và Nhân dân, cụ đang đi tham quan cùng đoàn cán bộ của tỉnh ở Thái Lan, cụ bà ra nhận báo nói đùa: “Ông Vinh luôn đọc báo báo Nghệ An và báo Nhân dân vào buổi sáng hàng ngày, cô Nhàn đưa báo chậm nhất là phải trước 9 giờ sáng, nếu chậm thì “chết” với ông…”. Để biết có trên 60 địa chỉ của các cụ phát phải đúng giờ như vậy.
Được biết, tốt nghiệp PTTH, vừa tròn 17 tuổi chị Nhàn được tuyển vào đội bóng chuyền của ngành Bưu điện. Chị cùng đội bóng của mình đưa về cho ngành nhiều bằng khen, giấy khen và giải thưởng; được tỉnh phong lên hạng A1 và đưa đi thi đấu quốc gia liên tiếp giật giải. Gần 15 năm chỉ đi luyện tập và thi đấu, đến khi xóa bỏ chế độ bao cấp, ngành Bưu điện không còn cáng đáng được một đội bóng chuyên nghiệp nữa, đội bóng “giải nghệ” nên chị được cử đi học lớp nghiệp vụ về làm việc tại tổ khai thác. Được 10 năm, bộ phận thu cước thiếu người, chị lại được điều chuyển sang và 7 năm nay đảm nhiệm tốt nhiệm vụ chuyển phát công văn, thư báo cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn phường Hà Huy Tập.
Chị cho biết, chồng chị đang lao động ở nước ngoài, con trai duy nhất làm việc ở ngành viễn thông huyện Yên Thành, một mình nên buổi sáng lo cơm nước cho cả ngày, các việc khác tranh thủ làm vào buổi tối. Thời gian gần đây, đưa thư báo cả thứ 7 và Chủ nhật, vì không bận bịu việc nhà nên cũng không tính toán, tốn thêm chút tiền xăng thì cũng là để rút ngắn lịch trình của ngày thứ Hai. Bởi nếu nhiều báo chí, công văn quá mà phát chậm thì các cụ “mất vui”!.
Đạm Phương