Một cái "nhấp chuột" là thấy quê hương ở gần
Ông Đào Minh Châu có tên Lào là Chau- Sỉ- vi- lay (Chau Syvilay), là một thương gia thành đạt. Hiện trong tay ông có đến 15 ha đất giữa trung tâm Thủ đô Viêng Chăn, một nhà máy dệt may hơn 1000 công nhân, một khách sạn 50 phòng hạng 3 sao, mấy ngôi nhà cho thuê và một ngôi biệt thự rộng rãi, khang trang... Ông luôn nhớ về quê hương xứ Nghệ, và báo Nghệ An điện tử đã giúp ông thỏa nỗi nhớ quê hương xứ sở qua những thông tin cập nhật.
(Baonghean) - Ông Đào Minh Châu có tên Lào là Chau- Sỉ- vi- lay (Chau Syvilay), là một thương gia thành đạt. Hiện trong tay ông có đến 15 ha đất giữa trung tâm Thủ đô Viêng Chăn, một nhà máy dệt may hơn 1000 công nhân, một khách sạn 50 phòng hạng 3 sao, mấy ngôi nhà cho thuê và một ngôi biệt thự rộng rãi, khang trang... Ông luôn nhớ về quê hương xứ Nghệ, và báo Nghệ An điện tử đã giúp ông thỏa nỗi nhớ quê hương xứ sở qua những thông tin cập nhật.
Dáng vẻ mộc mạc, chân chất, ít nói về mình, lại hay thương người nên nhiều người gọi ông là "Châu đất" - hiền như đất! Thế mà, bên trong ông lại dữ dội những đợt sóng tư duy kinh tế. Lúc nào ông cũng tự nhận mình là dân Nghệ.
Ông kể, có lần ông về thăm quê ở Hưng Xá, Hưng Nguyên, Nghệ An, thấy người quê hàng ngày ăn thứ gạo ẩm mốc, nhạt teo. Không cầm lòng được, ông đã mua cho họ hàng mấy tấn gạo. Đến khi về Lào, ông nằm trằn trọc mãi về cái hình ảnh người quê mình ăn gạo nhạt. Sau này ông mới biết, quê ông thường nước ngập trắng đồng, năm nào, người dân cũng phải gặt chạy lụt. Những phần gạo ngon, đạt chuẩn thì dành để bán, còn gạo ăn là thứ gạo từ lúa bị ngập lâu ngày vớt lên. Từ đó, lúc nào ông cũng đau đáu với quê nhà. Có người mách cho ông, chỉ cần "nhấp chuột" một cái là đã thấy quê hương ở gần, đó là tên miền Baonghean.vn. Và mỗi ngày ông lại mở Internet để đọc Báo Nghệ An điện tử.
Hai vợ chồng ông ở nhà máy dệt may với hàng ngàn công nhân.
Ông Đào Minh Châu thường đọc Báo Nghệ An điện tử mỗi ngày.
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Xiêng Khoảng, mang Quốc tịch Lào nhưng lúc nào ông cũng tự hào nói rằng trong con người ông có dòng máu Việt. Tiếp xúc với ông, nếu không nghe ông tự giới thiệu thì khó biết rằng ông là người gốc Việt, vì hàng ngày ông luôn nói bằng tiếng Lào, chỉ khi nào gặp những người Việt ông mới nói tiếng Việt. Ở Viêng Chăn, hiện có một Câu lạc bộ đồng hương Xiêng Khoảng, nơi ông Đào Minh Châu thường xuyên sinh hoạt vào mỗi tối thứ sáu hàng tuần. Cộng đồng kiều bào quê Xiêng Khoảng đều có một thời chạy giặc những năm 1969 đến 1972, được bộ đội Việt Nam đưa về sơ tán tại huyện Con Cuông, nên ai cũng được học tiếng Việt và nói tiếng Việt rất sõi. Những bài hát họ hát bây giờ cũng toàn là những bài ca đi cùng năm tháng của Việt Nam. Qua những buổi sinh hoạt đó, ông Châu còn hướng dẫn mọi người sử dụng Internet để đọc báo quê hương xứ Nghệ.
Cộng đồng người Lào gốc Việt hiện có khoảng hơn 30 ngàn người, trong đó có rất nhiều người quê Nghệ Tĩnh. Nhiều người không còn nhớ được gốc gác, nhưng cũng còn nhiều người tìm được tông tổ như ông Châu. Hiện ông Châu mỗi năm vẫn về Hưng Nguyên họp họ một lần, những năm quá bận rộn với công việc kinh doanh thì gửi tiền về đóng góp và làm từ thiện. Đợt lũ lớn làm các tỉnh của Lào thiệt hại nặng nề, những người Lào gốc Việt đồng hương Xiêng Khoảng ở Viêng Chăn cũng đã quyên góp được hàng chục ngàn USD gửi về giúp tỉnh. Riêng ông Đào Minh Châu còn tặng 300 cái áo do nhà máy ông sản xuất. Nhiều lần ông gửi hàng ô tô quần áo cho vùng lũ và vận động nhiều người cùng quyên góp giúp đỡ. Điều đặc biệt, gia đình ông đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trẻ vùng sâu vùng xa của Lào có thu nhập ổn định 150 đến 200 USD/tháng. Những kiều bào như ông đã thay mặt quê hương đất nước sát cánh với người dân nước bạn Lào trong công cuộc xây dựng đất nước Lào ngày càng phát triển.
Không chỉ những người thành đạt như ông Đào Minh Châu, mà ở khu chợ Sáng (Talathsau), chợ Khua-đỉn (Khuadin), nhiều bà con kiều bào thường vào internet để đọc Báo Nghệ An. Bà con cho rằng, báo mạng tiện lợi vô cùng vì tin tức cập nhật, chỉ cần nhấp "chuột" là bao sự kiện nóng hổi đã hiện lên. Bà con chợ Sáng kháo nhau như vậy, nên từng nhất cử nhất động, từng sự kiện ở bên nước, ở quê nhà họ đều nhận được và chia sẻ mọi thông tin với người thân ở quê hương, nhất là những thông tin về những hậu quả do mưa lũ hoành hành qua những phóng sự trên Báo Nghệ An điện tử...
Từ những hiệu ứng lan truyền qua Báo Nghệ An, chị Trịnh Thị Lành, chị Trịnh Thị Đào (đều quê gốc Hưng Nguyên), thấy ông Châu đọc Báo Nghệ An điện tử cũng nối mạng internet để xem Báo Nghệ An điện tử. Có lần tôi bắt gặp bà con rất thích thú với những tin ngắn về "Cộng đồng kiều bào hướng về Đại lễ Ngàn năm", "Câu lạc bộ đồng hương Xiêng Khoảng náo nức hướng về ngày Quốc Khánh 2/9", những thông tin về quê hương xứ Nghệ trên Nghệ An online. Và nghĩ mình phải viết những gì đó về bà con ngày càng nhiều hơn.
Lang Quốc Khánh