Một cảm nhận xứ Lường

04/12/2011 15:26

(Baonghean) - “Chính thương anh nên em bàn với mẹ/Phải ngăn anh không đi chuyến ngược Lường”. Tôi không biết vì sao xưa các cụ...

(Baonghean) - “Chính thương anh nên em bàn với mẹ/Phải ngăn anh không đi chuyến ngược Lường”. Tôi không biết vì sao xưa các cụ ta xưa kia lại sáng tác ra lời dân ca như thế? Xứ Lường có chi ghê gớm mà người vợ trẻ phải “nghiêm trọng hóa” đến mức muốn ngăn chồng đi mà vẫn còn “phải bàn với mẹ”? Tôi đã không dám tham khảo lại những tư liệu của Phó giáo sư Ninh Viết Giao - nhà “Nghệ An học” viết về nguồn gốc của địa danh Đô Lương, vì sợ dễ sa đà vào viện dẫn mà không cảm được cái quyến rũ, mê hoặc của một xứ Lường xưa vắt vẻo từ câu dân ca ấy cho đến câu phương ngôn “Trai Cát Ngạn, gái Đô Lương” sau này.

Thực ra là sau những công việc nghiêm túc không liên quan đến viết lách, buổi nhập nhoạng ghé vào tư gia anh Võ Văn Vinh - hội viên Hội VHNT Nghệ An, khi chút nắng chiều đông hiếm hoi nuối tiếc ve vuốt lên vườn chuối, tôi mới nảy ý định đi thăm thú dấu tích xưa của một địa danh Lường. Nhớ lại cữ này cách nay hai năm, cùng nhà báo Trần Chiến (con trai út cụ Trần Huy Liệu) sau chuyến đi vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương) về cũng ghé qua nhà anh Võ Văn Vinh. Trong lúc chờ đợi chủ nhà ngả món thịt chó Đô Lương để nhâm nhi đàm đạo, anh Trần Chiến rủ tôi dạo tìm dấu tích cổ và ra bãi sông nơi bến đò Lường xưa. Với “huệ nhãn” tinh tường của một nhà báo - nhà văn có danh phận, anh khuyên tôi: “Chú mày nên có dịp về viết cái “âm bản” của vùng đất này. Ấy là phải chọn cái khoảnh khắc nhập nhoạng tối, không đi theo kiểu viết báo thông thường mà cứ chân trần lặn lội, sẽ có ối cảm nhận hay”. Đương nhiên là tôi không lĩnh hội được hết ý tứ của anh. Và tôi đã từng buộc phải hoán đổi vai trò dẫn đường để lẽo đẽo theo anh đi vào từng ngõ xóm, dừng chân trước mỗi ngôi nhà cũ kỹ rêu phong, lần bước theo bãi sông trước vốn là dòng trong dòng đục năm tháng bãi bồi mà nên.

Nhà anh Vinh ở Thị trấn Đô Lương, vùng quê trên bến dưới thuyền. Từ khung cảnh sầm uất thương mại của trung tâm Thị trấn Đô Lương ngược lên, rẽ vào nhà anh, trải chiếu cói lên bậc thềm gạch nâu của ngôi nhà gỗ cũ kỹ vắng lặng, nghe anh rủ rỉ chuyện đời sống nhà quê, thì dễ gai người lên mà không cưỡng được cái khao khát cảm nhận một vùng đất sớm thăng hoa trong dòng văn hóa dân dã Nghệ An. Chắc là anh sinh ra và lớn lên rồi bây giờ tóc hoa râm cũng đã thấm được cái mạch nguồn nước Lường vậy!

Theo những gì tôi bập bõm được, từ “Đô Lương” là gọi trệch đi từ chữ “Do Luong” (Đò Lường) theo văn bản chữ không dấu thời Pháp thuộc. Sông Lam lở bồi mấy trăm năm lại nay được “trang điểm” ven hữu ngạn đoạn qua Đô Lương bây giờ một bến đò Lường một thời nhộn nhịp bán mua của người bản địa với thuyền nhân từ quê Trạng Lường Lương Thế Vinh ở Nam Định vượt bể, ngược sông lên. Bến đò Lường có tên từ bấy(?). Cũng chẳng biết thuở đó có bao nhiêu con thuyền xứ Bắc thường xuyên vô đây; thuyền ấy có giống con thuyền quan Trạng nguyên Lương Thế Vinh dùng để cân voi hay không? Nhưng đã hình hài lên một khoảnh kẻ chợ “cận giang” hữu tình, trù phú lắm lắm! Tôi quê Thanh Chương, cùng “nền văn hóa sông Lam” với anh Vinh. Thanh Chương có trai Cát Ngạn cá tính muôn vẻ mà sớm khôn, nhất là trong khoản phong tình. Tôi cứ đồ rằng câu phương ngôn “Trai Cát Ngạn, gái Đô Lương” do xưa bắt đầu từ khi có bến đò Lường bên hữu ngạn này sớm có con gái kẻ chợ ăn trắng mặc trơn nên đẹp nõn, đanh đá; đối diện bên kia sông Lam là làng Cát Ngạn, con trai Cát Ngạn mê con gái đẹp chợ Lường nên bơi bè bơi mảng sang chọc ghẹo, cũng nhiễm nếp kẻ chợ sớm nên mẹo mực, lanh lợi và gan lỳ hơn (?). Và con gái chợ Lường đẹp thế, đanh đá thế nên người vợ trẻ đã “phải ngăn anh đi chuyến ngược Lường” chăng?



Bên tam quan đền thờ Thái phó Nguyễn Cảnh Chân



Một góc ngõ đêm làng Phúc Đồng, nơi từng là chợ Lường cũ.

Theo anh Võ Văn Vinh thì chợ Lường đã bốn lần chuyển địa điểm, đều bám theo bờ sông Lam mà tụ họp. Địa thế của khối xóm đương thời bây giờ dĩ nhiên là đã khác xa ngày xưa. Vùng đất mà chợ Lường đổi dời mấy lần chủ yếu nằm trên khối 1 và khối 9 Thị trấn Đô Lương. Khác biệt là đường đi lối lại không theo cái bằng phẳng thường thấy ở các khối còn lại, cũng không qua dốc núi đồi như ở mấy huyện trung du khác, mà thi thoảng lên xuống thoai thoải nhịp nhàng tiết tấu cổ. Khối 9 được coi là vành đai cho bến đò Lường xưa. Khối có diện tích lớn nhất trong cả 10 khối của Thị trấn Đô Lương này hiện có 348 hộ với 1.700 khẩu; trong đó có 40 hộ làm nghề bánh đa, bún, dò, kẹo lạc; 100 hộ kinh doanh khá giả; thu nhập bình quân của khối đạt 30 triệu đồng/hộ/năm. Cái ám ảnh của nét kẻ chợ xưa còn lại trong những lúp túp quán bán các thức đặc sản bản địa và thảng hoặc những ngôi nhà nhỏ cổ kính, rêu phong bất chấp những bê tông hóa giao thông hay quy hoạch, xây dựng mới; mà trú ngụ trong đó là những thế hệ có cuộc sống khép kín không kém phần kỳ dị (sẽ xin trở lại trong một dịp khác - tg)…

Đôi chân không được lành lặn của anh đã cuốn tôi theo những lối ngõ chập choạng đèn, những con đường dấu xưa với bùn lầy ngập ống chân, chỉ biết đâu là các vị trí chợ Lường xưa. Anh lý luận rằng, cái đất vượng khí chứa đựng nhiều căn nguyên chớ gọi đó là ngẫu nhiên. Ngược lên một chút là con đập của Ba-ra Đô Lương do Hoàng thân Xu Pha Nu Vông (Lào) thiết kế. Ông Hoàng của đất nước Triệu Voi này có ngụ ý không khi đã cho dựng con đập trải ngót thế kỷ nay còn trơ gan cùng tuế nguyệt ngay trên bến đò Lường xưa. Ấy là để không chặn cái thủy mạch thông thương xưa của thương lái trên sông Lam lên với xứ Lường (!). Gần 30 năm trước, khi tôi còn bé có dịp lên Đô Lương, con dốc Quốc lộ 7 xuôi xuống bến phà cuối huyện lỵ Đô Lương gợi cảm đến mê hồn, với hàng phượng vĩ mùa hoa đỏ rực, lác đác cánh hoa rơi điểm vào tơ nhện, rêu phong trên những bức tường nhà vôi ve vàng kiến trúc nhang nhác kiểu Pháp. Bây giờ, bến phà Đô Lương cũng không còn, mà được thay thế bằng cây cầu vững chãi; nét xưa phố thị đã phai vào ký ức.

Tôi cùng anh Vinh thập thõm lội bùn đi dọc theo những con đường ven sông từ đập Ba-ra Đô Lương xuôi xuống mạn bến đò Lường xưa. Bàng bạc sông đêm, lúp xúp bóng cây tưởng như đoàn binh của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang xưa tuần canh phòng giặc biên ải. Nhưng chính xác là lối cũ ven sông này đã từng in dấu chân quân khởi nghĩa Lam Sơn của Bình Định vương Lê Lợi thần tốc hành quân để có “Trận Bồ đằng sấm vang chớp giật/Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”. Cách không xa bến Lường xưa còn có đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (đời Hậu Lê) được coi là một trong những bậc khai tổ dòng họ Nguyễn Cảnh ở đây mà đời nào cũng dày phúc ấm khoa bảng, công trạng với quê hương đất nước. Xuôi xuống xa hơn nữa có chùa Làng Vịnh nay trải thời gian không còn trầm mặc tâm linh… Thú vị hơn, là chi tiết phu nhân cụ Phan Bội Châu đã từng lên thăm nhà song thân nhà thơ Vương Trọng ở làng Đông Bích. Đó là chuyến thăm thân giữa gia quyến của các bậc nho sinh khí khái hay là cái lãng du tài tử thuở tráng niên của cụ Phan từng đưa cụ chuyến “ngược Lường” không ai có thể ngăn cản? Trộm nghĩ thế thôi. Chứ bậc tài tử phường vải như cụ Phan thì xứ Lường xưa chắc cũng như bao địa danh tên tuổi khác của xứ Nghệ để bậc nho sinh có tâm hồn kỳ vĩ in dấu chân.

Rời bãi sông trở về khối 9 - làng Phúc Đồng, anh Vinh dẫn tôi theo con đường nhỏ nay đã bê tông hóa, nhà dân ở san sát. Đây là đoạn đường chạy qua chợ Lường cũ trải hai kỳ kháng chiến có hai dãy hàng quà của các bà các chị vận váy nâu sồng, trùm khăn mỏ quạ, hàm răng đen rưng rức bỏm bẻm trầu môi thắm ra dáng đàn bà con gái kẻ chợ đò Lường. Khách qua đường đủ hạng đủ xứ, sau này thường là bộ đội, dân công, thợ sơn tràng với các đoàn xe ô tô nườm nượp qua phà Đô Lương… Chợ Lường cũ họp ở đây phiên vào ngày mùng Chín âm lịch hàng tháng, đàn ông đàn bà về chợ tụ tập đông đúc trong những hang bánh đúc, bánh mướt ăn với xáo thịt bò và thứ giò lụa còn đượm phong vị của xứ Bắc quê Trạng Lường Lương Thế Vinh. Về đêm, bãi chợ là nơi các làng tổ chức diễn tuồng với các tích Triệu Thị Trinh, Tam quốc Diễn Nghĩa, Lưu Bình - Dương Lễ… Tích nào cũng khơi gợi khí phách yêu nước và đạo lý làm người.

Anh Vinh cũng ý nhị dẫn tôi tới một địa điểm xưa gần chợ Lường cũ được xây dựng nhà trò Thanh Lâu có hát xướng, dập dìu váy xống thanh nữ phục vụ cho thói phong tình của đám quan thực dân và các quan viên khác, cũng như đám nam nhi con nhà học đòi. Kỳ lạ là nay không còn dấu tích và ít ai còn nhớ cái nhà trò Thanh Lâu đó, nhưng chính trên nền cũ đã mọc lên cái nhà nghỉ Tiến Đạt bề thế đèn xanh đèn đỏ.

Ô! Xứ Lường xưa từng là cơn mộng mị của đủ hạng người, nay đã khiêm nhường đến vậy vẫn mê hoặc kẻ hay đi hay hỏi; thì liệu có một ngày không xa người có chức trách có quan tâm để khôi phục phần nào cả vật thể lẫn phi vật thể không gian văn hóa Lường, tạo một địa chỉ mời gọi mà không ngại người thương “ngăn một chuyến”? Anh Vinh rủ tôi ngủ lại một đêm, nằm giường nan tre chiếu cói để lắng lọc trong âm thanh khua động của những tàu lá chuối tiếng eo óc, rì roạp của xứ chợ Lường, của một bến đò Lường, rồi tâm sự thêm bao điều dâu bể của một vùng đất, của bao phận người. Dâu bể bao nhiêu, đoạn trường phận người bao nhiêu, thì xứ Lường xưa nay cũng đã có những khởi sắc đáng mừng rồi. Tôi chỉ biết chung với anh chút hoài niệm còn lại, để có thêm một cảm nhận xứ Lường gửi cho ký ức ngày sau của riêng mình.


Đình Sâm

Mới nhất
x
Một cảm nhận xứ Lường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO