Một cuộc thi nhiều ý nghĩa
Nhằm đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành Pháp luật cho đồng bào các dân tộc, Ủy ban Dân tộc Chính phủ và Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Pháp luật dành cho đồng bào các dân tộc”, theo hình thức “sân khấu hóa”. Có 10 đội thuộc các huyện miền núi trong tỉnh tham gia...
(Baonghean) Nhằm đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành Pháp luật cho đồng bào các dân tộc, Ủy ban Dân tộc Chính phủ và Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Pháp luật dành cho đồng bào các dân tộc”, theo hình thức “sân khấu hóa”. Có 10 đội thuộc các huyện miền núi trong tỉnh tham gia...
Là người giới thiệu các thành viên của đội dự thi trong màn chào hỏi, chị Nguyễn Thị Hai ở làng U, xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Đàn, vừa tranh thủ đọc kịch bản, vừa giúp chị em cách hát làn điệu dân ca Thổ. Chị Hai tâm sự: “Phụ nữ dân tộc thiểu số không có điều kiện đi nhiều nơi, chúng tôi tham gia hội thi với mong muốn được giao lưu, học hỏi, kết nối tình bè bạn...”.
Một tiểu phẩm của đơn vị Yên Na (Tương Dương) trong cuộc thi tìm hiểu pháp luật dành cho đồng bào các dân tộc. Ảnh: Lê Bá Liễu
Cuộc thi “Tìm hiểu Pháp luật dành cho đồng bào dân tộc thiểu số” được tổ chức theo hình thức sân khấu hoá với 3 phần: Thi chào hỏi, thi kiến thức pháp luật và thi tiểu phẩm. Qua những vở kịch ngắn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc để chuyển tải luật pháp vào cuộc sống, bởi vậy, cùng với việc tìm hiểu và ghi nhớ nội dung văn bản pháp luật, các “diễn viên nghiệp dư” của đội Nghĩa Đàn tập luyện miệt mài, để có thể đưa những thông điệp đến cuộc thi qua làn điệu dân ca Thổ.
Anh Hồ Văn Hồng, cán bộ Trung tâm Văn hóa Nghĩa Đàn - đạo diễn chương trình tham gia hội thi, cho biết: “Nghĩa Đàn là huyện miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, còn nặng mê tín dị đoan. Từ thực tế đó, chúng tôi xây dựng tiểu phẩm có nội dung về phòng chống mê tín dị đoan để tuyên truyền cho người dân hiểu quy định của pháp luật về vấn đề này...?!
Là huyện miền núi, có 3 dân tộc cùng chung sống (Kinh, Thái, Thổ), nhận thức về Pháp luật còn hạn chế, nhiều tập tục lạc hậu còn tồn tại. Từ thực tế đó, những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở Nghĩa Đàn được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện và đạt được hiệu quả thiết thực. Nhận thức về Pháp luật của cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số dần được đã nâng lên, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Đồng bào được trang bị khả năng tự giải quyết những mâu thuẫn, vướng mắc nhỏ trong cộng đồng dân cư, có liên quan đến Pháp luật…
Hà My