"Một cuộc xâm lăng pháp lý cực kỳ nguy hiểm"

06/06/2014 15:16

Phóng viên: Thiếu tướng đánh giá như thế nào về thế và lực của chúng ta hiện nay. Liệu trong khó khăn có ẩn chứa những cơ hội, vận hội nào cho Việt Nam?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong cuộc đương đầu về hành động gây hấn và xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, chúng ta có nhiều lợi thế. Trước hết, cái mạnh của Việt Nam là ở chỗ chúng ta có pháp lý, Công ước Luật Biển năm 1982 đã khẳng định các quốc gia ven biển như Việt Nam có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Đó là “sổ đỏ” của Liên Hợp quốc trao cho chúng ta, đó là chủ quyền thiêng liêng chúng ta phải bảo vệ. Hiến chương Liên Hợp quốc đứng về chúng ta, bảo vệ chúng ta.

Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 đứng về chúng ta. Chỗ mạnh của chúng ta là chúng ta có pháp lý. Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, về mặt pháp lý hoàn toàn của Việt Nam. Điều 4 Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 khẳng định Việt Nam dân chủ cộng hòa – Hà Nội quản lý vùng biển đảo phía Bắc vĩ tuyến 17. Việt Nam cộng hòa - Sài Gòn bảo vệ vùng biển phía Nam vĩ tuyến 17. Hiệp định Giơ-ne-vơ chính do Trung Quốc giúp Việt Nam dự thảo, trong đó có điều 4. Hiệp định này Việt Nam dân chủ cộng hòa ký với Cộng hòa Pháp nhưng được cộng đồng quốc tế chấp nhận và cộng đồng quốc tế bảo đảm độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, trong đó có Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp, Ấn Độ, Balan, Canada… Về pháp lý là hoàn toàn của chúng ta, cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, chỉ một văn bản pháp lý cao nhất, duy nhất của thế kỷ XX là hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 và hai kỳ họp quốc tế liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa. Đấy là cuộc họp Liên Hợp quốc tổ chức ở Thành phố Sanfrancisco – thành phố viễn tây của nước Mỹ ngày 5-9/8/1951, tại cuộc họp này cộng đồng quốc tế đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Ba năm sau, ngày 5/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ đã khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Thứ hai là chúng ta có đạo lý. Người Việt Nam luôn bao dung, hòa hiếu. 2.500 năm qua Việt Nam chưa bao giờ gây chiến với bất cứ quốc gia nào. Lịch sử Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tầng tầng lớp lớp các cuộc đấu tranh để chống xâm lược, giữ gìn độc lập, toàn vẹn lãnh thổ.

Điều thứ ba là Việt Nam có cộng đồng quốc tế ủng hộ. Còn Trung Quốc thì không vì họ không có đạo lý. Họ nhiều súng đạn hơn, nhiều tiền của hơn, nhưng họ không có pháp lý, hoàn toàn vô đạo đức, không chỉ kéo giàn khoan, vi phạm Công ước Liên Hợp quốc 1982, họ còn dùng tàu công suất lớn đâm thẳng vào tàu kiểm ngư, tàu biển, tàu cá Việt Nam. Trong tranh chấp quan hệ quốc tế, mọi quốc gia không dùng vũ lực và đe dọa vũ lực, đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ luật pháp hiện đại. Thế mà Trung Quốc dùng tàu lớn đâm vào tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển và tàu cá Việt Nam, đó là hành động vô nhân đạo, hung hăng hiếu chiến, hành động “lấy thịt đè người”, dùng nước lớn để áp chế nước nhỏ. Hành động vô nhân đạo này không chấp nhận được. Chính đây là sức mạnh, chỗ dựa của chúng ta để đấu tranh với Trung Quốc.

Tất nhiên, trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc ta cũng có những khó khăn. Tiềm lực kinh tế của chúng ta khó khăn, thấp hơn Trung Quốc. Trong mối quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc, chúng ta xuất sang Trung Quốc 1, nhập vào 10-15, đó là mặt yếu. Qua sự kiện này chúng ta cần phải bình tĩnh để nhận rõ hơn mặt yếu này để làm sao xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, không bị Trung Quốc chi phối và lũng đoạn kinh tế Việt Nam. Nếu Trung Quốc chi phối kinh tế Việt Nam thì cực kỳ nguy hiểm đến độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

Đó là cái khó của chúng ta. Nhưng tôi cho rằng qua lần này Trung ương Đảng và Chính phủ đã nhận rõ được, và chắc chắn phải có những điều chỉnh trong thiết kế chính sách kinh tế đối ngoại để đảm bảo cho nền kinh tế nước ta độc lập, tự chủ, phát triển bền vững.

Phóng viên: Thưa thiếu tướng, là một chiến lược gia dày dạn kinh nghiệm, thiếu tướng có những dự báo gì cho các kịch bản trong việc đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương 981?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đây là một vấn đề rất khó, tôi nghĩ rằng trên thế giới chưa ai có thể trả lời một cách chắc chắn câu hỏi này được. Về dự báo thì có một chùm vấn đề. Có rút không, rút đi đâu? Tôi tin Trung Quốc sẽ rút, có thể trước hoặc sau 15/8 này. Họ tuyên bố với thế giới là ngày 15/8 tới đây giàn khoan này sẽ thực hiện xong nhiệm vụ. Và vấn đề xong rồi thì rút là bình thường. Nhưng rút đi đâu? Đây là câu hỏi khó hơn. Có thể có 3 hướng mà họ rút: Một là họ rút ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, đặt ở vùng biển quốc tế, hướng chuyển này không có gì đáng ngại cả. Hai là giàn khoan này chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế Trung Quốc, chuyện này cũng không có gì đáng nói.

Nhưng khả năng thứ ba, họ chuyển rời khỏi vùng biển hiện nay, nhưng không ra vùng biển quốc tế, cũng không về vùng biển của họ, mà hướng về phía Đông Nam, vẫn nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền kinh tế Việt Nam, điều này cực kỳ nguy hiểm. Càng xuống gần với Trường Sa, càng gần Cam Ranh, càng gần miền Nam Trung bộ, khả năng này không loại trừ. Lưu ý rằng từ đầu năm đến nay, song song với các hành động gây hấn thì Trung Quốc đang tập trung nguyên vật liệu để xây dựng đường băng ở đảo Gạc Ma – hòn đảo mà Trung Quốc chiếm của ta trong cuộc chiến 29 phút ngày 14/3/1988. Chính chuyện kéo giàn khoan Hải Dương 981 là một lý do để kéo sự quan tâm của quốc tế và Việt Nam vào hướng khác, để họ yên tâm làm đường băng này.

Vấn đề thứ ba, từ nay đến 15/8 còn hai tháng nữa họ sẽ làm cái gì? Cứ giả sử 15/8 họ rút, thì từ đây đến đó họ sẽ giở trò gì nữa, tung ra những chiêu gì nữa, sử dụng lực lượng gì nữa? Cái này chúng ta phải dự báo. Phía trước còn có những vấn đề mà chúng ta cần phải tính toán để dự báo, theo sát tình hình kịp thời để có những đối sách chủ động. Có thể nói hiện nay còn rất nhiều vấn đề vẫn chưa rõ ràng.

Phóng viên: Thưa thiếu tướng, truyền thống Việt Nam là “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu thắng mạnh”, vậy thì trong câu chuyện này thiếu tướng có nhắn nhủ gì với bạn đọc của Báo Nghệ An?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam một cách phi pháp, cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam, 90 triệu người Việt Nam trong nước và 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài hết sức bất bình và tỏ thái độ phản đối Trung Quốc. Đó là lòng yêu nước trầm tích 2500 năm nay rồi, người Việt Nam bất kể chính kiến chính trị gì, bất kể có tôn giáo hay không có tôn giáo, nam nữ, già trẻ, đều có một lòng yêu nước, là mạch chảy liên tục 2500 năm nay. Mỗi khi có giặc ngoại xâm thì mọi người Việt đều bật dậy phản ứng, sẵn sàng xả thân hy sinh. Lòng yêu nước là truyền thống bất khuất, chảy trong dòng máu người Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay tôi cho rằng nếu như có điều gì muốn gửi đến bạn đọc của Báo Nghệ An và hơn 3 triệu người Nghệ An quê hương chúng ta, tôi nghĩ thứ nhất, tại vị trí công tác của mình, đang làm việc, đang hoc tập, trên đồng ruộng hay trên nhà máy, trên công trường, trước hết phải làm tốt nhất phần việc của mình hiện nay. Lòng yêu nước chỉ phát huy hiệu quả khi cộng đồng ấy đủ sức mạnh để đương đầu với ngoại xâm. Muốn đủ sức mạnh thì phải làm việc có hiệu quả tốt nhất. Sức mạnh phải từ hiệu quả công việc. Mọi người tùy theo vị trí của mình, các cháu học sinh, sinh viên phải học tốt nhất, công chức, viên chức, công nhân, nông dân… phải làm việc tốt nhất. Chính vì mỗi người học tập và làm việc tốt nhất thì chúng ta sẽ tạo ra sức mạnh nền tảng để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

Vấn đề thứ hai là để tỏ lòng yêu nước thì có thể mít tinh trong hội trường, gửi kiến nghị, xuống đường biểu tình trong trật tự và đúng pháp luật, phản ánh bản chất văn hóa và văn hiến của người Việt Nam hòa hiếu và bao dung. Nếu có biểu tình chúng ta nên mang các khẩu hiệu có hai nội dung: Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và các loại tàu biển phi pháp ra khỏi vùng biển Việt Nam. Cả trong mít tinh, biểu tình ở trong nhà hay đường phố, tuyệt đối không dùng một chữ, một câu nào miệt thị dân tộc Trung Quốc, không kích động, phỉ báng họ. Vì tôi cho rằng 1,3 tỷ người dân Trung Quốc thì đa số họ cũng tốt như dân Việt Nam, họ cũng hòa hiếu bao dung như người Việt Nam mình. Họ không có lợi ích gì trong mỗi cuộc gây hấn với Việt Nam. Thậm chí tuyệt đại đa số tướng lĩnh, sỹ quan, quân đội Trung Quốc cũng không muốn gây hấn với ta, vì họ có lợi gì đâu. Và trong 370 ủy viên Đảng Cộng sản Trung Quốc tôi tin rằng đại đa số họ cũng không muốn gây hấn với Việt Nam.

Vì thế dù mít tinh trong hội trường hay xuống đường chúng ta phải trong trật tự luật pháp, phải thể hiện chúng ta là người của một quốc gia, dân tộc có truyền thống văn hiến và bao dung. Chúng ta là người có văn hóa, không xử sự như những chuyện đã xảy ra ở Bình Dương, Vũng Áng, đó là những hành động cực kỳ xấu. Đi biểu tình đường phố không được đụng chạm một tí gì các cơ sở, các văn phòng đại diện của Trung Quốc trên địa bàn Việt Nam. Chính những hành động xấu sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của chúng ta.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng, PGS-TS Lê Văn Cương.

P.V

Mới nhất

x
"Một cuộc xâm lăng pháp lý cực kỳ nguy hiểm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO