Một dòng chảy của lịch sử đô thị Vinh

Từ thời phong kiến, Nghệ An đã có một vị trí quan trọng, và có sự tập trung dân cư nhất định. Hoạt động kinh tế cũng khá phát triển, nhất là thương mại với sự hình thành các cảng biển nhỏ hay hoạt động thủ công nghiệp. Những người hành nghề buôn bán cũng xuất hiện, cùng với những người là quan quân của triều đình cử về đây làm nhiệm vụ. Họ có thể là những người thị dân đầu tiên của thành Vinh nhưng hình thành tầng lớp thị dân chưa vì những người buôn bán ở đây vẫn theo mùa vụ và quan hệ chặt chẽ với nông nghiệp, nông thôn.

Nhưng từ đầu thế kỷ XX, khi người Pháp xây dựng các thị xã ở Vinh thì mọi chuyện đã thay đổi. Cùng với các hoạt động khai thác thuộc địa, xây dựng bộ máy chính quyền cai trị, mở rộng các hoạt động kinh tế, đặc biệt là thương nghiệp và công nghiệp đã khiến không chỉ không gian đô thị Vinh thay đổi mà cư dân, nếp sống cũng thay đổi. Thị dân ở Vinh được hình thành từ hai nguồn gốc chủ yếu. Thứ nhất là những người nông dân chuyển từ hoạt động nông nghiệp sang phi nông nghiệp và sau đó bỏ hẳn nông nghiệp, sinh sống trong đô thị và hoạt động phi nông nghiệp. Thứ hai là các thị dân từ khu vực khác di chuyển vào đây hoạt động kinh tế và sinh sống. Thương nghiệp và công nghiệp là hai ngành kinh tế quan trọng ảnh hưởng đến quá trình đô thị hóa và hình thành thị dân.

Toàn cảnh cảng Bến Thủy chụp trong quãng thời gian 1920-1929. Ảnh: Tư liệu
Toàn cảnh cảng Bến Thủy chụp trong quãng thời gian 1920-1929. Ảnh: Tư liệu

Trước hết, thương nghiệp phát triển hình thành một lớp thương nhân mới, cả làm việc cho Pháp lẫn các công ty tư nhân lúc đó. Họ sống chuyên bằng các nghề này và sinh sống ngay tại thành phố Vinh. Sự phát triển của thương mại góp phần quan trọng trong việc hình thành tầng lớp thị dân. Những người hoạt động trong lĩnh vực thương mại là những người tiên phong trong việc giao lưu, tiếp xúc và tiếp nhận các yếu tố văn hóa Pháp vào khu vực này. Họ phải quan hệ, giao tiếp với người Pháp trong bộ máy cai trị cũng như các khách hàng đến đây buôn bán. Thương mại phát triển cũng thu hút sự tham gia hoạt động kinh tế của người Hoa. Các phố người Hoa ở Vinh hình thành và khá đông đúc. Con số 3 triệu dân mà Tạp chí Thức tỉnh Kinh tế Đông Dương đưa ra năm 1931 khi viết về cảng Bến Thủy có lẽ là nói về số dân cả khu vực này, những nơi có quan hệ giao thương và luân chuyển hàng hóa về Bến Thủy chứ không phải là số lượng dân cư thành phố Vinh-Bến Thủy lúc đó. Nhưng thông tin đó cũng cho thấy rằng số lượng người tham gia các hoạt động thương mại ở thành phố Vinh vào những năm 1920, 1930 là vô cùng nhộn nhịp và đông đảo. Lối sống của tầng lớp thị dân tham gia thương mại cũng khác nhiều. Họ tiếp xúc với văn hóa Pháp, cho con đi học trường Pháp và tìm cách quan hệ, thậm chí xin việc cho con em vào hệ thống chính quyền cai trị của Pháp. Họ cũng tiếp nhận các giá trị văn hóa phương Tây và coi trọng cuộc sống cá nhân hơn, coi trọng lợi ích kinh tế hơn. Chính vì vậy mà sau này, người ta xếp họ vào tầng lớp tư sản và tiểu tư sản và bị coi là ít có tinh thần dân tộc, tinh thần cách mạng.

Phân xưởng mộc đóng toa xe của Nhà máy xe lửa Trường Thi. Ảnh: Tư liệu
Phân xưởng mộc đóng toa xe của Nhà máy xe lửa Trường Thi. Ảnh: Tư liệu

Sự xuất hiện ngành công nghiệp với các nhà máy sử dụng hàng ngàn công nhân đã khơi nguồn cho sự hình thành giai cấp công nhân ở đây. Họ làm việc tập trung và cũng sinh hoạt tập thể, hoàn toàn khác với làm việc trong các xưởng thủ công nghiệp trước đây. Chỉ tính riêng nhà máy xe lửa Trường Thi lúc đến đỉnh điểm có hơn 4000 công nhân làm việc tại đây. Ngoài ra, để xây dựng cơ sở hạ tầng, mở mang đường sá, giao thông, chính quyền cai trị cũng đã bắt một lượng lớn thanh niên đi làm công nhân để mở đường, xây cầu hàng năm. Ước tính cuối những năm 1920, dân số ở Vinh – Bến Thủy khoảng 20 ngàn người thì công nhân khoảng 7000 người, chiếm 1/3 dân số. Ngoài những người nông dân trong vùng trở thành công nhân thì còn có một lượng lớn công nhân từ Bắc chuyển vào, hình thành các làng công nhân Bắc Kỳ ở Vinh. So với những người sống và làm việc trong lĩnh vực thương nghiệp thì tầng lớp công nhân phải chịu nhiều cực khổ hơn. Họ bị bóc lột sức lao động nhiều hơn, chế độ làm việc khắc nghiệt hơn và được trả thù lao thấp hơn. Họ cũng lệ thuộc nhiều vào sự cai trị của những người chủ nên đời sống gian khổ hơn. Phần lớn công nhân ở Vinh trước cách mạng đều là dân trong vùng vốn có quan hệ mật thiết với gia đình họ đang sinh sống ở nông thôn. Nên họ luôn có tinh thần dân tộc và là những người đi tiên phong trong các cuộc cách mạng.

Để phục vụ chính quyền cai trị, mở rộng sự ảnh hưởng của văn hóa Pháp, ngoài các cơ quan công quyền, người Pháp còn cho xây dựng trường học, bệnh viện, nhà ga, mở rộng hệ thống chợ mà lớn nhất là chợ Vinh. Bên cạnh đó là hệ thống nhà hàng, khách sạn và các sân chơi phục vụ tầng lớp cai trị. Một số lượng lớn cả người Pháp lẫn người Việt Nam đã làm việc trong hệ thống cơ quan do người Pháp quản lý này. Họ hoặc làm việc theo chế độ hợp đồng có lương bổng hoặc phải làm lao dịch hạng thấp. Nhưng những ảnh hưởng của các hoạt động này đến đời sống đô thị là rất lớn. Trường học Pháp xuất hiện và được dạy theo chế độ giáo dục Pháp làm thay đổi nhiều người. Những gia đình có điều kiện, là công nhân viên chức làm việc cho Pháp hay con em của những người hoạt động trong lĩnh vực thương nghiệp thường cho con cái vào các trường này để học. Nhiều người Việt có năng lực cũng được vào làm việc tại các trường học và các cơ quan khác do người Pháp xây dựng. Nó làm cho quá trình hình thành một bộ phận là cán bộ, viên chức làm việc cho chính quyền cai trị lúc bấy giờ. Và sau này, nhiều người trong số đó đã trở thành những người lãnh đạo phong trào cách mạng ở đây.

Văn miếu Nghệ An. Ảnh tư liệu: Trần Đình Quán
Văn miếu Nghệ An. Ảnh tư liệu: Trần Đình Quán

Cùng với quá trình đô thị hóa ở Vinh, tầng lớp thị dân bắt đầu xuất hiện dưới sự ảnh hưởng của việc xác lập chính quyền cai trị của Pháp và hoạt động kinh tế thương nghiệp, công nghiệp. Tầng lớp thị dân ở Vinh dù chưa đông đảo bằng các đô thị lớn khác nhưng cũng mang những đặc trưng của cư dân đô thị. Đó là tham gia các hoạt động kinh tế, dịch vụ chuyên nghiệp, tiếp thu các yếu tố văn hóa mới, sự hình thành ý thức cá nhân, tiếp cận các yếu tố văn hóa Pháp. Đồng thời, họ cũng là những người bắt đầu nhận thức rõ hơn về sự cai trị và bóc lột của thực dân Pháp. Đó là nguồn gốc và động lực giúp họ hình thành tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng để đứng lên đấu tranh khi thời cơ đến. Và phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 thì những người công nhân có vai trò rất lớn.

Quá trình đô thị hóa gắn liền với quá trình hình thành các tầng lớp thị dân. Đô thị hóa ở Vinh thời Pháp thuộc là giai đoạn bản lề cho quá trình hiện đại hóa thành phố Vinh. Sự hình thành tầng lớp thị dân ở Vinh thời Pháp thuộc cũng là một quá trình lịch sử mang tính bước ngoặc trong sự phát triển của lịch sử địa phương. Đây cũng là quá trình tiếp xúc và tiếp nhận các giá trị văn hóa phương Tây, mà chủ yếu là văn hóa Pháp. Những quá trình trên làm thay đổi căn bản thành phố Vinh, từ một trung tâm tụ cư nhỏ dưới các triều đại phong kiến lên thành một thành phố hiện đại với hệ thống nhà máy, công xưởng, với những hoạt động công, thương nghiệp sầm uất, nhộn nhịp. Không gian đô thị ở Vinh thay đổi nhanh chóng với sự xuất hiện của những chiếc tàu vận tải to lớn, với xe lửa, đường sắt, nhà ga, bệnh viện, trường học Pháp, với hệ thống dịch vụ, giải trí… Không những vậy, đời sống con người cũng thay đổi. Mức độ tập trung dân cư cao hơn, nghề nghiệp đa dạng hơn, sự hình thành tầng lớp tiểu tư sản, công nhân… là nền tảng cho sự biến đổi xã hội và tiền đề cho các cuộc cách mạng sau đó. Nhưng xét cho cùng, quá trình đô thị hóa ở Vinh vẫn nhỏ lẻ, lối sống đô thị ở Vinh hình thành nhưng không phân lập với lối sống nông thôn và ngược lại luôn có mối quan hệ và ảnh hưởng lẫn nhau. Điều đó lý giải tại sao trong các phong trào cách mạng, việc kết hợp giai cấp công nhân và nông dân là điều cơ bản và cũng dễ thực hiện vì họ có chung nguồn gốc, có chung lợi ích, có chung kẻ thù và có quan hệ thân thiết do công nhân là những người nông dân vừa mới phải chuyển vào làm việc ở các nhà máy của Pháp.

Một số hình ảnh Vinh xưa: Bệnh viện ở Bến Thủy, Ga Vinh; Một đường phố ở Vinh; Tòa công sứ nằm trên đường bờ sông, cổng hướng ra phía cầu Cửa Tiền cũ. Ảnh: Tư liệu
Một số hình ảnh Vinh xưa: Bệnh viện ở Bến Thủy, Ga Vinh; Một đường phố ở Vinh; Tòa công sứ nằm trên đường bờ sông, cổng hướng ra phía cầu Cửa Tiền cũ. Ảnh: Tư liệu

Từ đầu những năm 70 của thế kỷ XX, thành phố Vinh được xây dựng lại và phát triển dưới sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa. Trải qua gần nửa thế kỷ, Vinh đã trở thành một thành phố lớn, hiện đại, một trung tâm kinh tế – xã hội và văn hóa của khu vực miền Trung. Đó là những thành quả không thể bác bỏ. Nhưng bên cạnh đó, Vinh cũng đánh mất đi nhiều nét của một vùng đất có quá trình lịch sử đầy biến động.

Mỗi đô thị trong quá trình phát triển đều có nhiều tầng lớp văn hóa mang dấu ấn của các thời đoạn, giai đoạn lịch sử khác nhau chồng chéo lên nhau. Hoạch định phát triển đô thị là làm sao để đô thị đó hiện đại hơn, bề thế hơn nhưng cũng không đánh mất những giá trị văn hóa, những yếu tố lịch sử của nó. Vậy nên, trong hoạch định chiến lược phát triển, cần phải có cái nhìn hệ thống – lịch sử văn hóa.

Thành cổ Vinh. Ảnh: Nhật Lân
Thành cổ Vinh. Ảnh: Nhật Lân