Một dòng chảy tự hào

14/11/2013 16:15

(Baonghean) - Dù ở đâu, làm gì, sức khỏe ra sao thì mỗi khi đến dịp kỷ niệm ngày thành lập cơ quan Báo Nghệ An, ai cũng háo hức muốn được quay về mái nhà chung, để được cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, chứng kiến sự đổi mới của tờ báo. Và lớp trẻ có dịp gặp gỡ các bậc cha chú để hàn huyên, tâm sự...

Từ những ngày đầu tiên, Báo Nghệ An với “người nhạc trưởng” tài ba Nguyễn Hường đã xây dựng tờ báo cuả Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà thật gần gũi, hữu ích, trở thành kho tư liệu cho nhiều độc giả...

Nhắc đến những tháng ngày gian khó, lớp lớp thế hệ đi trước ai cũng ngùi ngùi xúc động. Thời đó, những nhà báo phải tác nghiệp trong điều kiện cơm không đủ ăn, dầu không đủ thắp, giấy không đủ viết, thế nhưng ai cũng nuôi trong mình những đam mê cháy bỏng, sẵn sàng xả thân để có được những dòng tin hay, những bài báo giàu cảm xúc. Đồng chí Nguyễn Hường lúc đó được Tỉnh ủy giao phụ trách tờ báo, là một cán bộ tuyên huấn, ông đã nhanh chóng bắt nhịp công việc mới. Nhắc đến TBT Nguyễn Hường, nhà báo Văn Hiền - nguyên Phó Tổng biên tập, cho biết: “Trong tôi, anh Hường là người làm báo giỏi, có tầm, trong thời chiến nhưng anh là người sớm manh nha xây dựng đội ngũ làm báo chuyên nghiệp, sớm xây dựng phong cách làm báo chuyên nghiệp như tổ chức các phòng chuyên môn phù hợp với sở trường và khả năng của từng phóng viên”.

Thời ấy, đa số là những phóng viên “tay ngang”, như bác Trần Văn Hiền là cán bộ tuyên huấn thuộc Sở Giao thông Vận tải, bác Nguyễn Văn Thông là giáo viên, bác Tô Quốc Bảo cũng là cán bộ tuyên truyền của một lâm trường, nhờ phát hiện rồi dẫn dắt, cầm tay chỉ việc và tinh thần kỷ luật của bác Hường, những nhà báo trẻ lúc ấy đã phát huy được năng khiếu làm báo bẩm sinh trong mình. Bác Nguyễn Hường nổi tiếng là nhà cầm quân kỹ tính, bản lĩnh, đã quyết việc gì thì “cấm cãi”, nhưng bác cũng là người lãnh đạo luôn vì quyền lợi của anh em, không màng đến lợi ích của mình. Nhà báo Văn Hiền nhớ lại: “Có lần, cuối năm cơ quan được phân chiếc lốp xe đạp, ông cũng không nhận mà nhường lại cho anh em, ai bốc thăm trúng thì được, chúng tôi rất nể phục sự hy sinh ấy, vì thời chúng tôi chiếc lốp xe đạp là cả một tài sản trong mơ”. Còn bác Nguyễn Văn Thông - nguyên P.V Tổ Công nghiệp lại nhớ: “Anh Hường luôn dặn chúng tôi làm báo là phải cẩn trọng trong từng câu chữ, thế nhưng trong cuộc sống thì đừng quá cầu toàn. Cứ yêu thương nhau như anh em một nhà, khó khăn nào cũng qua cả...”.

Nguyên TBT Phan Thúy Liên cùng các PV Báo Nghệ An tại Hội báo Xuân năm 1999.
Nguyên TBT Phan Thúy Liên cùng các PV Báo Nghệ An tại Hội báo Xuân năm 1999.

Những thế hệ làm báo thành danh ngoài bác Nguyễn Hường còn có các nhà báo Tô Quốc Bảo, Lê Quý Kỳ, Thanh Phong; dù họ không được đào tạo bài bản nhưng là những nhà báo, những “chuyên gia” hàng đầu trong lĩnh vực mình phụ trách. Bác Tô Quốc Bảo phụ trách mảng nông nghiệp thì cây con giống nào ngành cũng thường tham khảo ý kiến của bác để triển khai cho dân.

Trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nhiệm vụ của Báo Nghệ An là phải tập trung phản ánh dài kỳ điển hình cá nhân và tập thể, địa phương có đóng góp công lao xuất sắc trên mặt trận “đảm bảo giao thông vận tải”. Ban biện tập cử các phóng viên đã trải qua những thử thách, rèn luyện, có kinh nghiệm làm báo chiến sự bám trận địa phòng không, bám trọng điểm cầu đường. Nhà báo Thanh Phong phụ trách trọng điểm giao thông Thị xã Vinh, lực lượng phòng không và phà Bến Thủy. Nhà báo Lê Quý Kỳ theo dõi sản xuất nông nghiệp Hưng Nguyên, Nam Đàn và tuyến đường 49, 15A (đoạn qua Rú Trét – Nam Đông – Nam Đàn). Nhà báo Trần Văn Hiền xuống các đại đội TNXP C332, C324, C318 chốt giữ tuyến Cầu Cấm, cầu Phương Tích và ngành Giao thông Vận tải...

Trong dòng chảy nóng hổi của sự kiện, của mất mát đau thương thời chiến, những nhà báo của chúng ta đã quên mình vì sứ mệnh của tờ báo đảng. Trong những ngày cuối năm 1968, bác Thanh Phong được phụ trách tuyến lửa Truông Bồn, trực tiếp liên lạc với Đài quan sát 200 (đặt ở độ cao 500 mét tại vùng núi cầu Cấm). Khi loạt bom Mỹ rải xuống rạng sáng 31/10, bác đã tức tốc đạp xe xuống hiện trường cùng dân quân và TNXP tìm xác các anh chị TNXP bị vùi trong đất. Bác Thanh Phong kể: “Dù nhiều lần phải tác nghiệp trong bom đạn, dù sự sống và cái chết nhiều khi chỉ trong gang tấc, nhưng khi chứng kiến cảnh những phần thi thể của các anh chị TNXP trong một bãi đất dài bị bom cày xới, tôi mới bật khóc, mới thấy sự khắc nghiệt vô cùng của chiến tranh. Những dòng tin, bài viết tôi viết trong đêm 31/10 bên ngọn đèn dầu là tôi đã viết bằng cả trái tim đang rỉ máu của một người làm báo thời chiến”. Trong sự bám trụ quyết liệt, để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bác Nguyễn Loan, bác Trần Văn Thông đã anh dũng hy sinh!

Giai đoạn sau chiến tranh, việc phải chiến đấu trên mặt trận thông tin cũng không kém phần ác liệt. Nhà báo Phan Thúy Liên - nguyên Tổng biên tập nhớ lại: “Chỉ một chiếc xe đạp không hơi, nhưng anh em chúng tôi cho quấn lại bằng dây chun, rồi chở nhau trên những miền đất cát. Mùa đông mà mồ hôi chảy ròng ròng. Đi làm phòng chống lụt bão thì lội vào đến nơi, khi đi ra trời đã nhá nhem tối, cứ bám chiếc máy cày của hợp tác xã, vì nước đã lên cao quá ngực, ra đến nơi mừng rơi nước mắt. Thời ấy, đến đâu, dân cũng xem chúng tôi là con cháu trong nhà, lâu ngày không gặp thấy nhớ, có chuyện gì thì “rỉ tai”, có cơ sở còn biên chế cho tôi vào ban chấp hành, rồi may cho tôi hẳn một bộ áo dài”.

Tờ báo đảng hôm nay đã lớn mạnh cả về chất và lượng, xứng đáng là một tờ báo trên quê hương Bác Hồ, được đánh giá là một trong những tờ báo địa phương mạnh nhất nước. Đội ngũ làm báo hôm nay cũng chuyên nghiệp từ đầu vào, được đào tạo bài bản. Ở cương vị nào, vai trò nào họ cũng hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của người làm báo.

Để có những “Khoảnh khắc vàng” được tôn vinh trong cuộc thi ảnh vừa qua do Báo Nghệ An tổ chức, phóng viên Đức Chuyên đã đi theo đoàn chỉ đạo công tác phòng chống bão lụt do đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu lúc 12 giờ đêm. Để chớp được thần thái, cử chỉ và cả những hoạt động của đoàn công tác suốt cả đêm ấy, anh đã đeo lỉnh kỉnh nào máy quay, máy ảnh, và thức trắng suốt đêm. Để có được những bài phóng sự về vụ gây rối ở Trại Gáo (Nghi Phương - Nghi Lộc), rất nhiều phóng viên trẻ, trong đó có cả những phóng viên nữ, đã không quản hiểm nguy, thân gái dặm trường, đi tận nơi, gặp và phỏng vấn từng đối tượng để có được những bình luận sắc sảo, thuyết phục.

Khi được hỏi cảm nhận về tờ báo của những ngày hôm nay, thời của cuộc sống số, bùng nổ thông tin, những nhà báo năm xưa đã không khỏi mừng vui và tự hào, bác Tuấn Cương - nguyên phóng viên Tổ Nông nghiệp, tâm sự: “Trong dòng chảy của thông tin rất cần cái nhìn đa chiều, đa sắc, khách quan nhưng cũng giàu lòng nhân ái. Rất mừng là Báo Nghệ An đã đi đúng con đường Đảng và nhân dân mong muốn. Chúng tôi đọc báo hàng ngày, có những bài điều tra tốt như loạt bài “Tà đạo Hoàng Thiên Long”, bài về vụ gây rối ở Trại Gáo, báo ta đã làm đúng, trúng và hay quá, tự hào lắm!”.

Các thế hệ những người làm báo Nghệ An gặp gỡ trong  lễ kỷ niệm 52 năm ngày thành lập Báo. Ảnh: H.N
Các thế hệ những người làm báo Nghệ An gặp gỡ trong lễ kỷ niệm 52 năm ngày thành lập Báo. Ảnh: H.N

Trong buổi lễ kỷ niệm 52 năm Ngày thành lập Báo Nghệ An, các bác Nguyễn Thanh Tiên, Trần Văn Hiền, Phan Thúy Liên - những người quản lý trước đây đã vui mừng khi thấy con cháu mình dám nghĩ dám làm, dấn thân. Bác Liên xúc động kể với bác Tiên: “Để có loạt phóng sự điều tra hay như thế, từ phóng viên, biên tập viên, morat, vi tính, đến cả Tổng biên tập có khi kết thúc một ngày thì trời đã sáng…”. Rất tự hào, bác Tiên đáp lời: “Đam mê là phải dấn thân mà!”. Bác Liên nói: “Thời anh và tôi, cũng thức khuya, dậy sớm, anh em cũng lăn xả, nên các cháu giờ cũng kế thừa được truyền thống đó. Nhưng “con hơn cha” rồi anh nà. Đại gia đình Báo Nghệ An vậy là đại phúc, đại phúc!”. Những mái đầu bạc trong ngày hôm ấy cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa, những kỷ niệm làm nghề, cũng không quên chỉ cho nhau những bài báo hay mà mình vừa đọc được!

Để kịp vinh danh một nhà báo tiền bối của báo đảng Nghệ An, nhà báo Nguyễn Hường, vào đúng dịp kỷ niệm 52 năm ngày thành lập báo, Ban Biên tập đã gấp rút hoàn tất các thủ tục truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba, trình lên các cấp. Trong ngày kỷ niệm, đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh đã thay mặt Đảng và Nhà nước truy tặng huân chương cao quý cho nhà báo Nguyễn Hường. Thay mặt gia đình, anh Nguyễn Hào (con trai người quá cố) xúc động: “Có được vinh dự này, gia đình chúng tôi biết ơn vô cùng lãnh đạo và anh em cơ quan nơi cha tôi đã làm việc và cống hiến. Tôi như thấy cha mình được hồi sinh, như thấy hình ảnh ông vẫn còn đâu đây bên cây đèn dầu, bên trang giấy trắng. Có lẽ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” là dòng chảy mà thế hệ những người làm báo hôm nay đang kế thừa!”.

Thanh Nga

Mới nhất
x
Một dòng chảy tự hào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO