Một giá trị tinh thần quý báu

27/06/2014 17:37

(Baonghean) - Có một điều rất thú vị là trong tục ngữ, ca dao, dân ca... khi nói về tình yêu quê hương, đất nước hay gắn liền với những bữa cơm trong gia đình. Đó là “Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”. Nói đến hạnh phúc gia đình, đôi lứa cũng vậy “Râu tôm nấu với ruột bầu/Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Và ngay cả khi nói đến sự trục trặc dẫn đến “tan đàn, sẻ nghé” của một gia đình cũng thấp thoáng bóng dáng, hình ảnh của bữa cơm, như “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”… Chừng đó thôi, cũng đủ để mọi người mường tượng ra được ý nghĩa đa chiều và “vị thế” quan trọng của bữa cơm đối với mỗi nhà. Nhất là những bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương. Và đó cũng chính là chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam năm nay.

Việc gì cũng đều có căn nguyên sâu xa của nó, năm nay, ngành Văn hóa nước nhà chọn chủ đề này dĩ nhiên là cũng có nguyên cớ cụ thể. Đó là sự bận rộn cùng nhịp sống hối hả, gấp gáp thời hiện đại cũng như sự dư dả về kinh tế lẫn ảnh hưởng từ hội nhập sâu với thế giới bên ngoài với những cụm từ từng được coi là thời thượng như fastfood - thức ăn nhanh gắn với các thương hiệu nổi tiếng thế giới đến từ các nước Âu - Mỹ đã khiến cho không ít gia đình, nhất là các gia đình ở thành thị không còn giữ được những “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” theo đúng nghĩa của nó như ngày xưa nữa. Hiện tượng đó khiến cho nền tảng để có một gia đình hạnh phúc trọn vẹn bị mất đi một chỗ dựa, tựa như một con thuyền thiếu đi cái neo vững chãi để không bị lắc lư, chao đảo trước sóng to, gió lớn. Sở dĩ nói như vậy là vì, bữa cơm trong gia đình vừa có giá trị vật chất vừa có giá trị tinh thần khó có gì sánh nổi. Cả hai thứ đó quện chặt vào nhau không thể tách rời ra được. Bữa ăn vừa để các thành viên trong gia đình nạp năng lượng cho cơ thể để tái tạo sức lao động, đồng thời cũng là lúc để chăm chút cho nhau, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến nhau qua các món ăn chiều theo khẩu vị từng người.

Đó cũng là lúc giúp nhau làm giàu thêm, phong phú thêm những giá trị tinh thần qua các câu chuyện vui, chuyện phiếm ở ngoài xã hội để rồi gắn kết, đùm bọc yêu thương nhau hơn. Hẳn là ai cũng biết câu thành ngữ nói đến cách xử thế trong bữa cơm “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Vì sao lại phải “ăn trông nồi”? Cách đây chưa xa, gạo không dư dả như bây giờ mà luôn thiếu hụt. Người xới cơm luôn phải canh chừng tay xới. Xới sao cho thật khéo để bát nào cũng đều như bát nào. Và người ăn nếu có ý, có tứ là luôn nhìn vào nồi cơm để xem còn nhiều hay ít để mà tự điều chỉnh “tốc độ” cho phù hợp. Tránh ăn mất phần người khác và cũng là để nhường phần hơn cho ông, bà, cha, mẹ già và em nhỏ. Đó là một bài học hiếu nghĩa, bài học về đạo lý làm người trong bữa cơm.

Nghĩa đen là vậy nghĩa bóng là làm gì cũng cần để tâm, để ý mà có cách hành xử cho hợp đạo làm người. Cách dạy đó, dù có trong sách vở nhưng là xuất phát từ bữa cơm cụ thể trong gia đình. Những giá trị tinh thần quý báu đó được hình thành và bồi đắp dày dần lên theo từng bữa cơm trong gia đình. Những ai đi xa nhà, xa quê hẳn chẳng thể nào quên được những bữa cơm chiều. Nhất là những chiều Đông bên bếp lửa, dẫu chẳng cao sang gì, thậm chí là rất đơn sơ với rổ khoai, rổ sắn mà vẫn cứ thấy “khoai bùi trong dạ, sắn thơm trong lòng” bổi hổi, bồi hồi khuấy động cả tâm can. Bởi đó không còn là củ khoai, củ sắn cụ thể nào đó mà là biểu tượng, là sự kết tinh của tình cảm gia đình. Không còn thứ đó nữa cũng đồng nghĩa là gia đình không còn tồn tại. Nếu có thì cũng chỉ trên danh nghĩa mà thôi.

Cho nên, để giữ lửa hạnh phúc gia đình, chính là “Đừng để cho bếp nguội lạnh”. Vì bữa cơm là dịp để gia đình đoàn tụ sau một ngày lao động, học tập căng thẳng. Bữa cơm là dịp để mỗi người thể hiện tình cảm. Mỗi món ăn chính là tình cảm của người vợ, người mẹ, người con và người em dành cho người cha, người chồng, người anh yêu thương của mình. Họ sẽ cảm nhận được tình cảm, sự trân trọng ấy trong món ăn mà họ ưa thích. Đó chính là sợi dây vô hình kết nối các thành viên trong gia đình ngày càng gắn bó bền chặt. Cho nên nói “trái tim đi qua dạ dày” là vậy. Bữa cơm là dịp để giáo dục con cái, như vừa nói ở trên. Bữa cơm là dịp để mọi người hiểu nhau hơn qua những câu chuyện ngắn, dài, buồn, vui cùng những bình luận nhiều chiều từ các thành viên trong gia đình.

Vì thế, hễ cứ lâu ngày gặp lại là cả gia đình lại tổ chức ăn với nhau một bữa cơm. Bữa cơm là dịp để thư giãn, vì đó là lúc mỗi người gạt bỏ sang bên những ưu tư, phiền muộn và cả những ấm ức, cáu giận của riêng mình để không ảnh hưởng đến ai. Để cả nhà cùng vui thưởng thức những món ăn ưa thích. “Trời đánh còn phải tránh bữa ăn” cơ mà! Còn rất nhiều, rất nhiều những giá trị tốt đẹp mà bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương mang lại cho mỗi người, mỗi nhà, không thể nào cân, đong, đo, đếm một cách cụ thể, rạch ròi ra được. Từ đó có thể đi tới một kết luận, bữa cơm gia đình là một giá trị tinh thần quý báu không nên và không được để nhạt phai đi theo năm tháng mà cần được duy trì thường xuyên và mãi mãi.

Duy Hương

Mới nhất
x
Một giá trị tinh thần quý báu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO