Một khát vọng phố Vinh

Có một con đường tiếp giáp với đường Trần Phú, băng qua Khu đô thị mới Vinh Tân, qua sông Vinh, xuyên suốt những khóm dân cư Tân Phượng, Yên Cư, nhiều đồng ruộng, ao hồ của P.Vinh Tân, để nối đến tận QL 1, đoạn tránh Vinh. Người ta gọi đây là đường Lê Mao kéo dài, là một khát vọng hướng Nam cho thành phố Vinh, nhưng đã nhiều năm trôi qua vẫn còn dang dở, chưa thành hiện thực…

Tôi quan tâm đến tuyến đường Lê Mao “nhờ” những lần gặp cảm giác hẫng hụt khi đi trên chính tuyến đường này. Hẫng hụt bởi đi trên một tuyến đường được xây mới, bề mặt rộng thênh thênh, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhưng không thông suốt, bị cắt cụt tại đoạn qua cổng vào Khu đô thị mới Vinh Tân, rồi bẻ cong 90 độ, vắt ngược lên hướng Tây.

Từ hẫng hụt, sinh thắc mắc: “Tại sao giữa khu đô thị mới bề thế, đường sá lại thế này. Tại sao không có sự đầu tư, xây dựng nối thông thẳng đến đường đê bao sông Vinh?”. Rồi vỡ lẽ khi chạm được đến tập hồ sơ dày do Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng thành phố Vinh đang quản lý. Thì ra, cái thắc mắc, cái ý thông tuyến tưởng như hay ho của bản thân, kỳ thực đã có từ hơn 15 năm; thậm chí đã được lập quy hoạch, và còn được cấp thẩm quyền phê duyệt dự án…

Đấy là từ ngày 4/8/2005, tại Quyết định số 2601/UBND.CN, dự án đầu tư xây dựng công trình đường Lê Mao (giai đoạn 2) đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Trường phê duyệt. Tuyến đường này có mục tiêu phát triển và chỉnh trang hệ thống giao thông đô thị phía Nam thành phố Vinh (thuộc địa bàn xã Vinh Tân).

Từ đường Trần Phú đến đường đê bao Sông Vinh, đường Lê Mao sẽ được kéo dài thêm 1.197 mét. “Do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng nên công trình đường Lê Mao kéo dài trong giai đoạn 2 đang còn 384m chưa được thực hiện. Ở khu vực ấy, thuộc phường Vinh Tân, có đến vài chục hộ dân đã nhiều năm trông ngóng…”, một cán bộ kỹ thuật Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng thành phố Vinh cho biết. Rồi từ việc tìm hiểu về những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng phần 384m của đường Lê Mao giai đoạn 2, tôi lại vỡ lẽ lần hai. Bởi đường Lê Mao trong tương lai gần sẽ được nối đến Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Vinh.

Tân Bí thư Đảng ủy phường Vinh Tân, anh Nguyễn Trung Dũng cho biết: “Đường Lê Mao kéo dài không chỉ dừng lại ở đoạn tiếp giáp với đường đê bao sông Vinh, mà có cầu bắc qua sông, xuyên suốt qua các khu dân cư, đồng ruộng của phường Vinh Tân để nối với Quốc lộ 1, đoạn tránh thành phố. Tại Quy hoạch phân khu chi tiết phường Vinh Tân, nội dung này đã được thể hiện rõ, đã được các ngành thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt…”.

Cùng các cán bộ phường Vinh Tân qua cầu Tân Phượng để nhận diện toàn tuyến đường Lê Mao có trong quy hoạch, chúng tôi đã đặt chân lên vùng đất phía Nam của thành phố Vinh.

Có thể hình dung, đường Lê Mao kéo dài tính từ bờ Bắc sông Vinh sẽ chạy thẳng băng với chiều dài khoảng 1.200m, qua một số cụm dân cư, cùng nhiều những cánh đồng, ao hồ nuôi trồng thủy sản, và vượt qua con sông Cụt để tiếp nối với tuyến Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh. Len lỏi qua những cụm dân cư, đồng ruộng, ao hồ…, tôi ngạc nhiên nhận ra, cả một vùng bao la của thành phố đã hơn mười năm được công nhận là đô thị loại I, chưa hề có bóng dáng đô thị.

Nói ra suy nghĩ của mình, các cán bộ phường Vinh Tân cho biết, khu vực này trước đây thuộc khối Yên Cư và một phần của khối Tân Phượng, còn nay đã được hợp nhất lại thành khối Tân An. Và việc quy hoạch, xây dựng tuyến đường Lê Mao kéo dài nối với Quốc lộ 1 tránh thành phố Vinh cũng là nhằm để thức dậy vùng đất phía Nam của thành phố, tạo nên bộ mặt đô thị khang trang, hoàn chỉnh và cân đối.

Lần hỏi về những khó khăn trong giải phóng mặt bằng, tái định cư khiến tuyến đường Lê Mao giai đoạn 2 còn dang dở. Được biết đây là địa bàn thuộc khối Tân Phượng, có 28 hộ dân đang sống trong phạm vi quy hoạch, sát kề tuyến đường đê bao, cũng là bờ Bắc Sông Vinh. Đến nơi này, cái sự “mấy chục hộ dân nhiều năm trông ngóng”, được phơi bày lồ lộ. Bởi nằm kẹp giữa đoạn đường cụt và đường đê bao Sông Vinh, toàn bộ khu đất nơi các hộ dân này đang sống như trong vùng địa chấn, thụt sâu so với nền đường phải đến 1,5 – 2m. Sống trên một nền đất thấp là vậy, lại vướng quy hoạch đường nên mọi hoạt động về xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, sân vườn… hầu như không có hộ dân nào để ý.

Thế nên, tổng quan chung, có thể gói gọn trong hai từ ảm đạm. Như nơi ở của bà Trần Thị Liên, từ đường đê bao Sông Vinh đi vào có chiều dài khoảng 50m, qua một ngõ bê tông nhỏ, dốc, đầy những rêu xanh và dập vỡ. 2 căn nhà cấp bốn lợp ngói rộng chừng dăm chục mét vuông của bà cũ mòn, mái đã oằn võng, toàn bộ các mặt tường tróc lở, lòi ra những viên gạch mưa nắng bào mòn…

Trong cái khung cảnh ảm đạm của hộ bà Trần Thị Liên, Bí thư chi bộ khối Tân Phượng, ông Nguyễn Văn Nhạc cho biết, cuộc sống của các hộ dân nơi đây đều như vậy. “Nơi này chỉ có duy nhất một ngôi nhà hai tầng của anh Trần Văn Minh – nguyên Bí thư chi bộ khối Tân Phượng. Nhưng nhà của anh Minh cũng hẵng còn lớp mái tôn …”, ông Nguyễn Văn Nhạc nói. Rồi ông Nhạc dẫn chúng tôi đi xem mốc chỉ giới của đường Lê Mao kéo dài. Tất cả vẫn vẹn nguyên, và cũng như công trình nhà, sân, vườn ở nơi này, các mốc chỉ giới in rõ dấu thời gian, rêu phong phủ kín.

“Dân trông ngóng đã nhiều năm lắm rồi. Sống khổ trong vùng quy hoạch nên dân liên tục đơn thư khiếu nại. Mong thành phố, tỉnh giải quyết dứt điểm cho nhân dân được di dời, tái định cư để yên ổn cuộc sống…”, thay mặt các hộ dân, ông Nguyễn Văn Nhạc gửi gắm.

Ở bờ Nam Sông Vinh, người dân dù không trong tình cảnh như 28 hộ dân bên bờ Bắc, nhưng cũng đang đều trông ngóng ngày tuyến đường Lê Mao kéo dài được thực hiện. Bởi như Bí thư chi bộ khối Tân An, ông Nguyễn Văn Yên khi được hỏi thăm thì đã trả lời rằng “có an cư thì mới lạc nghiệp”.

Theo ông Yên, sau khi thành lập, khối Tân An có 174 hộ dân. Toàn bộ vùng đất này trũng thấp, hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư như trong vùng nội thị nên tồn tại rất nhiều hạn chế.

Bởi vậy, từ nhiều năm trước, khi nghe tin tuyến đường Lê Mao kéo dài nối đến Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh, được tỉnh phê duyệt quy hoạch, giao cho doanh nghiệp thực hiện theo hình thức BT, thì đã rất mừng.

Nhưng vì có tình trạng quản lý lỏng lẻo, gây thất thoát, lãng phí… trên nhiều địa phương cả nước nên Chính phủ đã chỉ đạo dừng các hoạt động đầu tư hạ tầng bằng hình thức BT. Thế nên đường Lê Mao kéo dài đã không được doanh nghiệp mà phải chờ sự đầu tư của nhà nước… “Không biết đến bao giờ, khi tuyến đường Lê Mao kéo dài bên bờ Bắc chỉ còn 380m mà bao nhiêu năm rồi vẫn chưa được thực hiện…”, Bí thư chi bộ khối Tân An thở dài.

Đó là ý kiến của Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy thành phố Vinh, ông Phan Đức Đồng. Ông Đồng nói: “Thành phố Vinh đang quyết tâm thực hiện việc đầu tư xây dựng hai tuyến đường Lê Mao và Trần Hưng Đạo kéo dài, nối đến Quốc lộ 1 tuyến tránh Vinh. Để qua đó, thúc đẩy toàn bộ khu vực phía Nam thành phố có những thay đổi, phát triển có tính đột phá. Hiện nay, thành phố Vinh đã và đang tập trung tháo những nút thắt để trong một thời gian nữa tuyến đường Lê Mao kéo dài được thực hiện, qua đó tâm nguyện của các hộ dân liên quan ở phường Vinh Tân sẽ được giải quyết…”.

Để tháo “nút thắt” đường Lê Mao kéo dài giai đoạn 2, nơi còn 28 hộ dân khối Tân Phượng đang ngày đêm trông ngóng, mong được di dời, tái định cư, theo Trưởng phòng QL&ĐT Nguyễn Việt Đức: “Thành phố đã có văn bản báo cáo, và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trình UBND tỉnh”.

Nội dung Trưởng phòng QL&ĐT thành phố trao đổi được thể hiện tại Văn bản số 1437/UBND-QLĐT ngày 26/3/2020 của UBND TP. Vinh báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện dự án xây dựng đường Lê Mao (giai đoạn 2 theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT).

Theo đó, UBND TP. Vinh đề xuất UBND tỉnh cho phép chấm dứt hợp đồng BT của dự án xây dựng đường Lê Mao giai đoạn 2 theo khối lượng đã được thực hiện; UBND TP. Vinh sẽ bố trí kinh phí để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tiến hành thi công 384m còn lại khi thực hiện dự án Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu thành phố Vinh tỉnh Nghệ An.

Về quỹ đất tái định cư cho 28 hộ dân, đề xuất UBND tỉnh giao Công ty CP đầu tư phát triển đô thị Hadico – Vinh Tân điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị sinh thái Vinh Tân, đưa ra các ô đất cây xanh, thể dục thể thao và trụ sở UBND phường mới có tổng diện tích 6.800m² ra khỏi dự án để giao UBND TP. Vinh sử dụng vào quỹ đất tái định cư…

Từng dõi theo dự án “Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu thành phố Vinh tỉnh Nghệ An”, tôi biết Đoàn công tác Ngân hàng thế giới rất ủng hộ thành phố Vinh thực hiện dự án này. Qua khảo sát thực tế, họ đã vạch ra nhiều phương án để cải tạo Sông Vinh, cùng một số tuyến đường hướng sang phía Nam của thành phố, trong đó có tuyến đường Lê Mao.

Tại Văn bản ghi nhớ tiền xác định dự án, ở mục Hợp phần 1, phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, Đoàn công tác Ngân hàng thế giới đánh giá “tuyến đường Lê Mao kéo dài khoảng 1,1 km sẽ cung cấp khoảng cách kết nối ngắn nhất từ trung tâm thành phố đến Quốc lộ 1 (đoạn đường tránh thành phố Vinh)”.

Tìm hiểu về những tiến triển của dự án này, được biết ngày 16/1/2020, UBND tỉnh có Văn bản số 308/UBND-CN về việc cập nhật đề xuất dự án “Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khi hậu thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An”, vay vốn WB gửi đến Bộ KH&ĐT.

Tại đây, trong các hợp phần đề xuất có mục “Phát triển đường đô thị”. Và việc xây dựng tuyến đường Lê Mao kéo dài nối đến đường tránh thành phố Vinh, nằm ở vị trí số 1 với nội dung: Xây dựng tuyến đường Lê Mao kéo dài đến Quốc lộ 1; chiều dài khoảng 1,47km; xây dựng cầu qua Sông Vinh (cầu bản chiều dài khoảng 50m) và cầu qua sông Cầu Gãy (cầu bản chiều dài khoảng 40m); xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật dọc theo tuyến đường…

Với những nội dung này, cùng những quyết tâm của thành phố Vinh thông qua ý kiến của Bí thư Thành ủy Phan Đức Đồng và Văn bản số 1437/UBND-QLĐT của UBND TP. Vinh, có thể hiểu đã có những chuyển động đáng mừng. Để tin, dù sẽ cần thêm một khoảng thời gian nữa, nhưng chắc chắn rồi đây đường Lê Mao kéo dài sẽ được thông tuyến, những mong mỏi của người dân và khát vọng hướng Nam cho thành phố Vinh sẽ trở thành hiện thực…

Đường Lê Mao (TP. Vinh).
Đường Lê Mao (TP. Vinh).