Một mô hình thiết thực
(Baonghean) - Trước đây, rác thải là vấn đề đáng quan tâm chỉ ở các nước phát triển. Bây giờ nó trở thành vấn đề toàn cầu, là chuyện phải lo của mọi nhà, mọi người. Hiện tượng rác ngập góc chợ, mé sông, nơi giáp ranh các xã... đã trở thành chuyện "biết rồi - khổ lắm - nói mãi". Tại một số cuộc tiếp xúc, nhiều cử tri đã coi đó là nội dung đã nói quá nhiều, không cần phải nói lại.
Xã hội phát triển, rác thải ngày nay cũng khác xưa. Rác trước đây chỉ là những tấm lá khô, giấy loại, hàng ngày quét, gom lại đốt là sạch. Rác ngày nay nhiều, đa chủng loại, nhất là có cả thức ăn thừa, các loại vỏ hộp, bao ni lông... rất khó phân hủy. Người dân kêu nhiều, các cấp đã có nhiều văn bản về giải quyết rác thải. Nói hay, văn bản nhiều nhưng rác thải thì vẫn "liên tục phát triển". Làm thế nào để môi trường xanh, sạch, đẹp vẫn là việc bức xúc tại nhiều địa phương?
Cùng với chuyển đổi ruộng đất, xây dựng nông thôn mới, các xã Thanh Hưng, Đồng Văn (Thanh Chương) đã chủ động phát động toàn dân xử lý xác thải ngay tại cộng đồng dân cư. Hay, dở thế nào chưa bàn nhưng đó là việc làm được nhân dân đồng tình, vì rất thiết thực với đời sống. Nếu địa phương nào cũng làm như vậy thì sẽ giảm đi tình trạng rác thải bế tắc hiện nay. Muốn giảm gánh nặng rác thải xã hội, phải xây dựng ý thức của mỗi thành viên, mỗi gia đình. Mọi người cần có ý thức vì cộng đồng như vì mình, không vứt rác thải bừa bãi. Mỗi gia đình, cụm dân cư cần có các giỏ phân loại rác: Rác là giấy, lá, gỗ... có thể tự mình gom lại đốt; rác là kim loại có thể bán, tận dụng phế liệu; rác là thức ăn thừa, bao ni lông... có thể tập trung xử lý xa khu dân cư. Mỗi cụm dân cư cần có người gom, chở rác đến bãi tập trung. Mỗi gia đình cần tự nguyện đóng góp một khoản kinh phí phục vụ cho dịch vụ này.
Mô hình thu gom rác thải tại Thị trấn Dùng (Thanh Chương).
Ảnh: Mai Hoa
Huyện nên xây dựng vài xã điển hình. Mỗi xã nên xây dựng vài xóm điển hình. Mỗi xóm nên xây dựng một số gia đình điển hình để nhân ra diện rộng. Nhiều gia đình làm tốt thì xóm tốt; nhiều xóm làm tốt thì xã tốt; nhiều xã làm tốt thì huyện tốt. Gia đình văn hóa, xóm văn hóa, xã văn hóa nên là những điển hình tốt. Rác thải bừa bãi thì không nên công nhận là gia đình văn hóa, xóm văn hóa, xã văn hóa, cơ quan văn hóa?
Hãy bớt những lời kêu ca, phàn nàn, bớt đi những văn bản hình thức. Hãy tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và dựa vào dân để làm tốt nội dung này.
Anh Đặng (Thanh Chương)