Một năm ngày Crimea sáp nhập Nga: Nước Nga "được" và "mất" ?

18/03/2015 08:08

(Baonghean) - Đã tròn 1 năm bán đảo Crimea sáp nhập vào nước Nga. 1 năm trôi qua, sự kiện Crimea dường như không được nhắc đến nhiều nhưng ai cũng hiểu rằng đó là một sự kiện quan trọng trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay và là căn nguyên gây nên cuộc đối đầu căng thẳng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Nhìn từ góc độ nước Nga, việc sáp nhập Crimea đã mang lại nhiều “cái được”, nhưng “cái mất” cũng không hề ít. 

(Baonghean) - Đã tròn 1 năm bán đảo Crimea sáp nhập vào nước Nga. 1 năm trôi qua, sự kiện Crimea dường như không được nhắc đến nhiều nhưng ai cũng hiểu rằng đó là một sự kiện quan trọng trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay và là căn nguyên gây nên cuộc đối đầu căng thẳng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Nhìn từ góc độ nước Nga, việc sáp nhập Crimea đã mang lại nhiều “cái được”, nhưng “cái mất” cũng không hề ít.

Người dân Crimea trong ngày kỷ niệm 1 năm sáp nhập vào Nga -  Ảnh: Reuters
Người dân Crimea trong ngày kỷ niệm 1 năm sáp nhập vào Nga - Ảnh: Reuters

Sáp nhập Crimea, nước Nga tuyên bố “lấy lại” được lãnh thổ tưởng như đã mất. Điều này được thể hiện rõ qua bài diễn văn của Tổng thống Nga V. Putin đọc vào ngày 18/3/2014 - cách đây đúng tròn 1 năm. Ông chủ Điện Kremlin đã từng ca ngợi rằng, chiến thắng này sẽ được ghi trong biên niên sử của nước Nga. Cần phải nhắc lại rằng, khó có thể tính đếm được hết giá trị của bán đảo Crimea, như những nguồn lợi về dầu khí ngoài khơi khi mà vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế của Nga được mở rộng, hay vị trí địa chính trị của nó có tính khống chế đối với an ninh lãnh hải của một loạt các nước xung quanh Biển Đen. Việc tiếp quản các căn cứ và đội tàu tại Crimea đã giúp cho Hạm đội Biển Đen nói riêng và quân đội Nga nâng tầm ảnh hưởng và phát triển tại một khu vực quan trọng, được coi là “chìa khóa ra biển”.

Giờ đây, Nga hoàn toàn có thể sử dụng tiềm năng địa - chiến lược của bán đảo này với hàng loạt các công cụ hỗ trợ mà không có địch thủ nào trong khu vực sánh kịp. Ví dụ, Nga có thể triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật đất đối đất Iskander tầm bắn 400km, bao phủ toàn bộ phần phía Nam của Ukraine; trong đó có các thành phố công nghiệp quan trọng như Odessa, Kryvyi Rih và Dnipropetrovsk; phần lớn diện tích của Moldova; toàn bộ bờ biển Rumani và một phần bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ tại Biển Đen. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu mới đây cho biết 1 năm sau khi sáp nhập vào Liên bang Nga, Crimea đã trở thành một trong những điểm then chốt trong chính sách quân sự của nước này. Hiện Crimea là tiền đồn giữa Đông và Tây mà lực lượng hải quân, không quân và lục quân Nga sẵn sàng bảo vệ trong trường hợp cần thiết.

Đối với bản thân ông Putin, kể từ khi sáp nhập Crimea, uy tín của nhà lãnh đạo này không ngừng tăng cao và luôn ổn định. Nếu như hồi tháng 3/2014, một cuộc khảo sát của tổ chức nghiên cứu phi chính phủ Nga, Trung tâm Levada, cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Putin lên tới mức kỷ lục 80% thì nay tỷ lệ này đã ở mức 88% theo những số liệu mới nhất được công bố tuần trước. Đây là một con số mà bất kỳ nhà lãnh đạo phương Tây nào cũng phải mơ ước. Lý do mà người dân xứ Bạch dương ủng hộ nhà lãnh đạo của họ đơn giản là ông Putin đã giúp họ lấy lại vị thế và các giá trị của nước Nga.

Tất nhiên, thắng lợi nào cũng có cái giá của nó. Việc sáp nhập Crimea đã gây nên cuộc đối đầu căng thẳng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cho đến nay Mỹ và các nước châu Âu vẫn không ngừng gia tăng chỉ trích Nga và không công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Cách đây 1 năm, xe tăng của Mỹ không tập trận gần biên giới Nga. Và đồng rúp vẫn đang có giá ổn định 33 rúp/USD. Nhưng chỉ vài ngày sau khi Nga sáp nhập Crimea, số lượng chiến đấu cơ của NATO tuần tra trên bầu trời các nước Baltic đã tăng gấp ba lần. Xe tăng của Mỹ liên tục tập trận ở Latvia, sát biên giới Nga. Hồi tháng 11/2014, xe tăng Mỹ còn tuần hành trên đường phố Riga để kỷ niệm ngày độc lập của Latvia. Cũng dễ dàng nhận thấy, chưa bao giờ Biển Đen lại “dậy sóng” dữ dội như những ngày gần đây với hàng loạt cuộc tập trận quy mô lớn của NATO và của Nga. Phương Tây không hề che dấu tham vọng mạnh mẽ hướng Đông. Để thực hiện được chiến lược này, họ không thể không toan tính nhằm thu hẹp ảnh hưởng Nga trong không gian truyền thống. Trong đó, Biển Đen là một khu vực đặc biệt nhạy cảm.

Một “cái mất” nữa với nước Nga kể từ khi sáp nhập Crimea đó là đánh mất lòng tin từ những người bạn phương Tây. Đức, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Nga ở châu Âu, cũng đang quay lưng lại với Nga. Vài tuần sau khi Nga sáp nhập Crimea, gần một nửa số người Đức được hỏi nói rằng chính phủ không nên đứng về phía nào trong cuộc xung đột, trong khi 35% số người được hỏi thúc giục các nhà lãnh đạo Đức đối thoại để hiểu cách tiếp cận của Moscow. Tuy nhiên, sau hàng loạt sự kiện tại Ukraine, sự ủng hộ của người Đức với Nga dường như đã tan biến.

Trong một cuộc thăm dò dư luận hồi cuối năm ngoái, có đến 76% người được hỏi ủng hộ việc Thủ tướng Đức A. Merkel thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với Nga. Về lĩnh vực kinh tế, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga ngày càng khắc nghiệt. Hàng rào bao vây cấm vận của phương Tây cộng với giá dầu thô giảm đã đẩy nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái; dự báo vào khoảng 3 - 5% trong năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 7%, dòng vốn chảy ra nước ngoài lên tới 150 tỷ USD trong năm 2014. Giá đồng rúp sụt giảm rất mạnh, đẩy tỷ lệ lạm phát Nga lên tới hơn 16%, giá cả mọi loại hàng hóa tăng vọt. Cuộc sống của người dân Nga trở nên khó khăn hơn.

Như vậy, có được Crimea, nước Nga được mở rộng hơn về mặt địa lý, làm chủ một vị trí địa chính trị quan trọng, nhưng cái giá phải trả cho “chiến thắng” này rõ ràng không hề nhỏ. Ngày 18/3/2014, đánh dấu sự kiện mở đầu trang sử mới cho người dân Crimea và cho cả nước Nga, thế nhưng hệ lụy của nó để lại là một cuộc đối đầu với phương Tây thì chưa biết bao giờ mới có hồi kết.

Thanh Huyền

Mới nhất
x
Một năm ngày Crimea sáp nhập Nga: Nước Nga "được" và "mất" ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO