Một ngày bằng 20 năm
(Baonghean) - Ngày 6/1/1975, nghe tin “Quân giải phóng miền Nam đã hoàn toàn làm chủ toàn tỉnh Phước Long”, cả Nghệ An như vỡ òa trong niềm vui mới. Một không khí sôi động, hào hứng lan tỏa đúng vào dịp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trên quê hương Bác sôi nổi thực hiện Nghị quyết ngày 31/10/1974 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc “Dồn sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam”.
Ông Phùng Văn Mậu, trú ở xóm Nam Hồng, xã Phú Thành (Yên Thành) con trai cụ Phùng Văn Mão kể lại trong xúc động: Sau khi được phổ biến chủ trương của tỉnh kêu gọi đồng bào góp của nuôi quân, cha tôi bàn với cả nhà và quyết định mang chiếc xe đạp duy nhất cùng 1 tạ thóc và 25 con vịt đẻ đến địa điểm nhận ủng hộ. Noi gương Bí thư Mão, nhân dân người nhiều, kẻ ít ai có gì ủng hộ nấy. Nhớ nhất là ông Nguyễn Bá ở xóm bên nhảy vào chuồng bắt con lợn 75 kg chở lên kho hợp tác để “ủng hộ miền Nam”.
Không chỉ ở Phú Thành, nhiều xã trên địa bà con nông dân trong toàn tỉnh cũng dấy lên tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Chỉ trong một thời gian ngắn đầu năm 1975, bà con nông dân ở Tương Dương, Anh Sơn, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương, Hưng Nguyên đóng góp 9,12 tấn thóc, 51,77 tấn gạo, 837 kg thịt lợn hơi, 1 con bò, 500 kg gà và nhiều sản vật khác cho tỉnh nuôi quân, chữa bệnh ngắn ngày để anh em bộ đội đủ tiêu chuẩn sức khỏe vào chiến trường. Riêng bà con ở Nam Đàn góp được 42 tấn gạo, 12 tấn thịt và 5.000 đồng (tương đương với 4 tấn gạo giá thị trường) để giúp tỉnh nuôi tân binh 15 ngày trước khi giao quân. Cùng với sự quyên góp trong dân, toàn tỉnh đã huy động được 6.000 tấn lương thực, 300 tấn thực phẩm từ các HTX nông nghiệp. Tất cả số lương thực, thực phẩm trên được Nghệ An chuyển gấp vào phục vụ chiến trường miền Nam.
![]() |
Vận chuyển hàng hóa vào chiến trường qua cầu phao (cầu Cấm, Nghi Lộc) trong thời kỳ chống Mỹ. (Ảnh tư liệu tại phòng Bảo tàng Công an Nghệ An) |
Tranh thủ thời cơ sau thắng lợi của Hiệp định Paris (27/1/1973), quân và dân toàn tỉnh đã nỗ lực để khắc phục hậu quả bom đạn, phát triển kinh tế. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 1973, toàn bộ các tuyến giao thông bộ, thủy đã được hàng vạn dân công, TNXP tu bổ, khơi thông, 248 chiếc cầu với tổng số chiều dài trên 4.000 mét được sửa chữa. Đặc biệt, phà Bến Thủy được thay bằng cầu phao, nâng năng lực vận chuyển qua địa bàn Nghệ An vượt trội lên gấp 2, gấp 3 lần. Các xí nghiệp sửa chữa ô tô, máy móc được nhanh chóng phục hồi; 20 công trình thủy lợi, hàng nghìn mét kênh mương tưới tiêu ở các huyện Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Yên Thành được 20 vạn dân công tu bổ đào đắp và sửa chữa; hàng vạn ha ta đất xung quanh các trọng điểm đánh phá của địch nhanh chóng được cải tạo để canh tác. Nhờ đó, trong 2 năm (1973, 1974) toàn tỉnh có 241 HTX toàn xã đạt 5 tấn thóc/ha, 69 HTX cấp thôn đạt từ 6 – 9 tấn; các đàn trâu, bò, lợn tăng từ 6,9% đến 17%.
Những kết quả to lớn trên là một bước tạo đà quan trọng để Đảng bộ và nhân dân Nghệ An dồn sức của, sức người chi viện cho chiến trường miền Nam vào đầu năm 1975 với tinh thần “Một ngày bằng 20 năm”.
Bây giờ nhiều người cao tuổi ở xã Diễn Tháp (Diễn Châu) vẫn nhớ chuyện anh Cao Xuân Phúc còn thiếu 2 tháng mới đủ tuổi tòng quân nhưng vẫn năm lần bảy lượt gặp xã đội trưởng để xin nhập ngũ. Còn ở xã Minh Thành (Yên Thành), cụ Tràng sau khi đi lễ nhà thờ đã vui vẻ ra trụ sở ủy ban xã để tiễn người con trai út vào bộ đội. Trước đó, cụ đã 5 lần tiễn 5 đứa con trai tòng quân cứu nước.
Các cuộc họp bàn được tổ chức ở các đội sản xuất ở các xã Diễn Thành, Diễn Tháp, Diễn Lâm, Diễn Hồng (Diễn Châu)… bừng bừng như “Hội nghị Diên Hồng” để động viên thanh niên tòng quân giải phóng miền Nam. Khắp các đường làng, ngõ xóm ở Diễn Châu tràn ngập câu khẩu hiệu “Mừng Đảng, đón Xuân, giao quân vượt trội”. Kết thúc đợt giao quân, Diễn Châu vượt 12% số quân được giao trong cả 2 năm (1975, 1976).
Ông Mai Ất, ở phường Hồng Sơn, lúc bấy giờ là Phó Bí thư Thành ủy Vinh nhớ lại: Ngày giao nhận quân cả Thành Vinh như một ngày hội lớn. Chỉ trong 1 ngày, nhân dân Thành Vinh tiễn 1.023 thanh niên nhập ngũ, vượt 20% chỉ tiêu. Các xã như Hưng Bình, Hưng Dũng, các khu phố 1, 4, 5 vượt từ 22 – 25%. Ông không nhớ tên cụ thể, nhưng có những thanh niên vì những lý do như thiếu cân, con độc nhất, chưa đủ tuổi cũng viết đơn tình nguyện, tha thiết cấp trên cho mình được tòng quân.
So với các huyện, thành vùng xuôi, huyện vùng cao Tương Dương lại tổ chức một cách ấn tượng với cả người đi lẫn người ở. Nhắc lại đợt tòng quân tháng 3/1975, nét mặt ông Lô Văn Truyền hiện trú ở bản Na Tẩu xã Tam Thái như tươi hẳn lên. Giọng ông phấn chấn cứ như chuyện vừa mới hôm qua hôm kia. Lúc bấy giờ ông là đoàn viên đang tham gia “dân công 202” thì nhận được lệnh mang theo dụng cụ lao động tập trung về Thị trấn Hòa Bình dự lễ “Ra quân Quyết thắng”. Ông có mặt khá sớm cùng hàng trăm thanh niên, dân quân với đủ trang phục Thái, H’mông, Khơ mú… lũ lượt kéo về sân vận động huyện. Sau khi tiễn 800 thanh niên tòng quân, hơn 2.000 người còn lại tổ chức thành 1 trung đoàn do Bí thư Huyện ủy làm chính ủy, Phó Chủ tịch huyện làm Trung đoàn trưởng, chia làm 2 mũi “tấn công”. Một mũi mở đường từ Cửa Rào lên bản Om (xã Kim Đa) dài 11 cây số, mũi còn lại tập trung xây dựng Nghĩa trang liệt sỹ của huyện. Cả hai công trường đều hoàn thành kế hoạch trong không khí náo nức tin chiến thắng ở miền Nam.
Với khí thế “Một ngày bằng 20 năm”, đến ngày 15/3/1975, Nghệ An đạt 104% chỉ tiêu giao quân của cả 2 năm (1975, 1976). Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã trôi qua gần 4 thập kỷ nhưng luôn đánh thức hồi tưởng của mỗi chúng ta biết bao hình ảnh đẹp đẽ của cuộc chiến tranh nhân dân đầy khí phách anh hùng. Trong cuộc đấu tranh một mất, một còn với kẻ địch có sức mạnh vượt trội gấp trăm lần, quân dân ta đã xả thân vì nghĩa lớn, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, vì mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Việt Long