“Một ngày không thể quên”
(Baonghean) - Nhân kỷ niệm 44 năm chiến thắng Truông Bồn, PV Báo Nghệ An đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với nữ cựu TNXP Lê Thị Hường (sinh năm 1947, xóm 4, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành), một trong những người chứng kiến cảnh đồng đội hy sinh ở Truông Bồn ngày ấy…
Bà Lê Thị Hường với những kỷ vật thời đi TNXP.
- Những kỷ niệm sâu sắc với bà trong những năm tháng tham gia TNXP?
- Hồi con gái, tôi là người thấp bé nhẹ cân (35 kg), bí thư Đoàn xã lúc đó không cho tôi đi TNXP. Nhưng trong khí thế “tất cả hướng về miền Nam”, tôi tìm mọi cách đi bằng được. Ngày lên đường (ngày 15/5/1965), hành trang chỉ có 2 bộ quần áo và 1 bát gạo gói vào chiếc khăn tay. Sức khỏe yếu, nhưng tôi cần cù, chịu khó nên khi chuyển về đơn vị 317 ở Truông Bồn (năm 1966), tôi được cử làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2.
Trong 5 năm tham gia TNXP (1965 đến 1970), tôi gia nhập vào 2 đơn vị 318 và 317 của Tỉnh đoàn, từng làm cầu, mở đường ở phà Sen (Tân Kỳ), cầu Hoàng Mai (Quỳnh Lưu), phà Rạng (Thanh Chương)... Kỷ niệm tôi không bao giờ quên là ngày “trốn” vào TNXP và ngày máy bay Mỹ ném bom xuống Truông Bồn làm 13 đồng đội hy sinh.
- Những ký ức của bà thời gian bám cầu, đường ở Truông Bồn?
- Máy bay Mỹ coi Truông Bồn là trọng điểm đánh phá nhằm cắt đứt tuyến đường chi viện vào miền Nam. Ngày 31/10/1968 là ngày không thể quên. 6 giờ sáng hôm đó, cả đơn vị đang tập trung mở đường thì máy bay Mỹ ập đến! Sau trận oanh tạc, tôi chui từ trong hầm ra, nghe tiếng kêu dưới đống đất, liền gọi đồng đội đến cứu. Dùng tay bới đất thì thấy nòng súng. Tiếp tục bới, phát hiện chị Thông (Trần Thị Thông) đang còn thở rất yếu. Chị Thông tỉnh lại, cho biết phía dưới hầm còn có Vinh và Hòa. Mặc dù đồng đội khẩn trương tìm kiếm, nhưng 2 đồng chí ấy đã hy sinh. Cả buổi sáng hôm đó, đơn vị đào bới đồng đội mất tích nhưng vô vọng. Khối lượng đất đá do bom cày xới quá nhiều. Đến 12 giờ trưa, máy bay Mỹ lại tiếp tục đến ném bom. Bằng sức người không thể tìm được, đơn vị điện báo Tỉnh đoàn đưa máy móc đến. Dưới căn hầm gần đường, phát hiện 4 đồng chí đã hy sinh, gồm: Hà Thị Đang, Đàm Thị Bốn, Trần Thị Doãn và Nguyễn Thị Dung. Như vậy còn 7 đồng chí vẫn đang mất tích. Tìm kiếm mãi thì phát hiện một số bộ phận thi thể nằm rải rác xung quanh hố bom lớn. Xác định 7 đồng chí không còn tìm được nữa, đơn vị đành mai táng những gì tìm thấy xuống một ngôi mộ chung. Như vậy, chỉ có chị Thông sống sót trong số 14 người bị đất đá vùi lấp buổi sáng hôm đó?
- Cuộc sống của bà sau đó ra sao?
- Năm 1971, tôi theo học Trung cấp Thủy lợi. Học xong, tôi về công tác tại Trạm Thí nghiệm cây đặc sản Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu). Năm 1989, do sức khỏe yếu vì bệnh tim, tôi xin nghỉ hưu. Trở về quê, không có chỗ ở, cha mẹ không còn, anh chị đều đã xây dựng gia đình riêng, tôi quay lại cơ quan xin ở nhờ trong khu tập thể. Năm 1994, vì bệnh tim ngày càng nặng, tôi phải về quê thuê nhà ở, sống độc thân. Năm 1999, một số nhà báo viết về tôi, một nữ TNXP không nơi nương tựa, nên các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hỗ trợ làm cho tôi ngôi nhà tình nghĩa này.
- Hiện tại, bà có đề xuất gì không?
- Lúc còn trẻ, tôi chỉ lo phấn đấu trong công việc, chứ không bao giờ nghĩ đến việc tư. Chính vì thế, khi còn ở đơn vị TNXP, tôi có 2 năm (1967 – 1968) là Chiến sỹ thi đua. Công tác ở Trạm Thí nghiệm cây đặc sản Quỳnh Châu, tôi cũng nhiều năm là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Ngày 12/2/1976, tôi được kết nạp Đảng. Bây giờ, mỗi tháng hưởng 2,8 triệu đồng tiền hưu trí và chế độ thương binh 4/4 tạm đủ trang trải cuộc sống. Điều bản thân lo nhất là bệnh tim ngày càng nặng và khi già yếu, không có ai chăm sóc...
- Xin cảm ơn bà và kính chúc bà sức khỏe!
Xuân Hoàng (Thực hiện)