Một ngày về quê lúa
(Baonghean) - Một ngày ngắn ngủi, chẳng thể đi hết những di tích ở huyện Yên Thành mà người bạn đường nhiệt tình giới thiệu, nhưng chúng tôi vẫn tìm được sự thanh thản sau một chuyến du lịch tâm linh trên đất quê lúa với những chí linh tự, đền đức hoàng, am núi gám...
Miền quê lúa Yên Thành mang một vẻ đẹp riêng, thật nên thơ và hồn hậu. Lúa đang thì con gái, tươi mởn, dòng sông Dinh, sông Đào hiền hậu chảy như bao đời vẫn thế.
Nhưng nếu chỉ nhắc đến Yên Thành như là một vùng quê lúa, thì thiếu sót rất nhiều. Bởi mảnh đất này còn có cả một quần thể rất nhiều đền, chùa có lịch sử lâu đời, có ý nghĩa lớn trong đời sống tâm linh của nhân dân. Theo ông Nguyễn Viết Hưng (Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành), hiện nay trên địa bàn toàn huyện có tới 20 di tích lịch sử cấp Quốc gia, 19 di tích lịch sử cấp tỉnh - sắp tới chuẩn bị có thêm 5 di tích lịch sử cấp tỉnh nữa được công nhận. Đó chính là những minh chứng ý nghĩa cho truyền thống lịch sử, văn hóa và cả con người của Yên Thành.
Theo con đường nhỏ gập ghềnh đi vào xã Phúc Thành, chúng tôi đến đền Đức Hoàng cổ kính nằm giữa một rừng cây ven hồ Diệu Ốc. Đền được xây dựng từ thời nhà Trần, thờ vị tướng thủy quân Hoàng Tá Thốn, có công đánh đuổi giặc Nguyên Mông xâm lược và chiêu dân, mở đất, lập làng... sau này. Đã từng đi thăm rất nhiều đền, chùa trong cả nước, tôi thấy ít có nơi nào có không gian xanh trầm mặc, thanh bình đến thế, có rừng cây, mái đền cổ xưa, hồ nước, ao sen đượm vẻ chốn linh thiêng, nhưng cũng đậm hồn dân dã của vùng quê thuần nông nghiệp. Bước chân vào nơi đây, mọi chuyển động, lời nói bỗng trở nên nhẹ nhàng hơn. Ngày bình thường, chẳng phải rằm hay mùng một, thế mà vẫn rất đông người về đây dâng hương, ngồi trật tự ở những hàng ghế đá đặt dưới tán cây, chờ đến lượt mình vào lễ…
Một góc xã Bảo Thành (Yên Thành). Ảnh: Nguyễn Hải
Yên Thành còn có một quần thể kiến trúc đền, chùa Gám, được xem là có lịch sử cổ xưa nhất vùng, từ thời nhà Lý đến bây giờ. Đền và chùa nằm cạnh nhau, đều đang được sư trụ trì chùa Gám (còn gọi là chùa Chí Linh) trông coi. Đền và chùa Gám còn lưu giữ được khá nhiều nét xưa với những hoành, rui, mè được chạm trổ. Trải thời gian, đền, chùa Gám càng chứng minh giá trị văn hóa lâu đời. Hôm chúng tôi đến viếng thăm Chí Linh tự, cô và trò Trường THCS xã Xuân Thành tập trung một ngày về chùa làm công quả, quét tước, dọn dẹp sạch sẽ cảnh quan. Thắp nén hương bái Phật, uống ngụm trà liên diệp làm từ lá sen, chúng tôi theo chân sư thầy Tuệ Căn dẫn đi thăm viếng cảnh chùa, thầy cho biết: “Sắp tới, nơi đây sẽ còn được xây dựng thành một thiền viện lớn, dành cho việc học và tu tập của tăng ni, Phật tử”.
Huyện ủy, UBND huyện Yên Thành cũng đang tiến hành mở rộng xây dựng chùa Gám thành khu di tích tâm linh - sinh thái, kéo dài ra phía rú Gám. Lại nói về cái tên rú Gám - ngọn rú đã thành niềm tự hào của người dân Yên Thành - vốn bắt nguồn từ tên một loại cây. Xưa kia, trong núi Phương Sơn có cây thân leo gọi là cây gắm, quả kết thành chùm giống quả nhót nhưng bên trong chứa tinh bột có thể làm thức ăn thay lương thực. Vậy là những năm mất mùa, giáp hạt, dân trong làng và các nơi khác lại vào núi hái quả gắm đem về ăn và phơi khô dự trữ như ngô, khoai, sắn. Để nhớ ơn cây cho quả cứu người lúc đói kém bần hàn đó, người dân đã lấy tên cây đặt cho tên núi, tên làng là làng Gắm, rú Gắm. Sau lâu dần đọc chệch thành rú Gám.
Nay chẳng còn mấy ai còn ăn quả gắm nữa, vùng quê Yên Thành còn trở nên nổi tiếng là “bờ xôi, ruộng mật” của cả tỉnh. Nhưng người dân vẫn nhớ, vẫn kể lại cho con cháu, cho du khách xa gần về thăm rú Gám về cái thứ quả đã từng nuôi sống tổ tiên mình.
Đến tận bây giờ, rú Gám vẫn mang một màu xanh nguyên sơ. Bước chân lên những bậc đá của lối nhỏ lên núi thoảng trong không gian mùi của hoa lá cỏ cây sinh sôi nảy nở suốt hàng nghìn năm qua… trong lành và tinh khiết, chợt nhắc nhớ đến câu ca xưa của người dân Yên Thành “Bao giờ rú Gám hết cây? Sông Dinh hết nước…” trầm trồ và ngưỡng mộ vẻ đẹp của thiên nhiên tạo hóa ban tặng cho mảnh đất này, nhưng cũng trân trọng biết bao cái công gìn giữ, chăm sóc rừng cây của nhân dân.
Chuông đồng nặng 1,5 tấn tại Chùa rú Gám, xã Xuân Thành (Yên Thành).
Ảnh: N.H
Yên Thành còn là một địa danh cách mạng, sản sinh ra những chiến sĩ cộng sản kiên trung, chiến đấu vì dân vì nước. Chúng tôi về đây, những người dân Yên Thành nhắn nhủ, chứ không thể không về thăm Nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu và Nhà tưởng niệm Bác Hồ về thăm xã Vĩnh Thành (1961).
Đi qua chợ Dinh “một tháng 3 phiên”, dọc theo bờ kênh xanh, là vào đến ngôi nhà xưa của gia đình nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Ngôi nhà 2 tầng nằm trong vườn cây đầy hoa lá, có hàng rào dâm bụt vương tơ hồng, có ao bèo, cây bưởi đang ra hoa thơm ngát. Những kỷ vật: chiếc tủ, chiếc sập gỗ, cuốn sách, tấm ảnh cũ… nằm im chứa đựng bao nhiêu câu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian truân của ông. Đọc lại 2 bức thư cuối cùng ông gửi cho con trước khi bị thực dân Pháp đem đi tử hình: “Con trai thân yêu! Qua báo chí chắc con đã biết ba bị kết án tử hình… Con hãy cố gắng lau nước mắt cho mẹ con! Con hãy an ủi tất cả mọi người trong gia đình, nhất là đừng chạy chọt mà uổng công toi… Dẫu sao chăng nữa, ba vẫn thanh thản đón nhận số phận đã dành cho mình và chịu đựng một cách ngoan cường…”, chúng tôi thấy rưng rưng, cảm phục, tự hào.
Chúng tôi cũng đã thắp nén hương trước anh linh của Bác Hồ trong khu tưởng niệm nơi Người từng về thăm bà con đồng bào Vĩnh Thành cách đây hơn 50 năm. Hôm nay, nơi Bác đặt chân về được xây dựng khang trang, đẹp đẽ. Bãi đất trống ở rú Tháp đón chiếc trực thăng chở Bác năm xưa vẫn còn đó, cạnh đồi thông xanh rì rào.
Chuyến hành hương đầu năm về Yên Thành chỉ một ngày, nhưng dường như đã vượt khỏi nhịp đếm thời gian bình thường, để chúng tôi đi qua được cả chiều dài lịch sử, văn hóa thiêng liêng của một vùng quê xứ Nghệ…
Hồ Lài