Một ngày với bộ đội Trinh sát đặc nhiệm C20
(Baonghean.vn) - Đại đội trinh sát 20 (Bộ CHQS tỉnh) là đơn vị đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng trong LLVT Nghệ An. Trong thời chiến cũng như thời bình, CBCS luôn nêu cao và giữ vững truyền thống "An toàn, bí mật, hoàn thành nhiệm vụ".
Trung úy chuyên nghiệp Bùi Minh Đức - đánh kẻng báo thức đơn vị |
Được thành lập ngày 2 tháng 9 năm 1969 tại xã Minh Thành (Yên Thành) trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lên đỉnh cao, cũng là lúc Bác Hồ kính yêu ra đi về cõi vĩnh hằng. Khắc ghi lời dạy của Người, xứng đáng là người lính trên quê hương Xô Viết, dù trên chiến trường ta hay đất bạn, đơn vị trinh sát đặc nhiệm 20 luôn xứng đáng là lực lượng "không thể đánh chìm" tại mọi hoàn cảnh, trên các địa bàn, trong bất kỳ mọi tình huống.
Những địa danh còn lưu dấu mãi một thời trên đất bạn, gắn với biết bao gian khổ và hy sinh của đơn vị. Từ Sầm Chè, bản Mo, cứ điểm Nậm Xoóng (huyện Mường Ngàn - tỉnh Xiêng Khoảng - nước bạn Lào). Đơn vị đã cùng C18 đặc công và một đại đội của tiểu đoàn 43 nổ súng tiêu diệt gọn cứ điểm Nậm Xoóng, bắt tù binh, thu toàn bộ vũ khí phương tiện liên lạc, kho xưởng của địch, giải phóng dân Bản Mo khỏi sự kìm kẹp của địch, giải phóng một vùng rộng lớn từ Bản Mo, Nậm Xoóng đến giáp huyện Mường Ngàn thuộc tỉnh Xiêng Khoảng.
Còn đó, trong những dòng sử của đơn vị, là Nậm Chắt, Nậm Kiểu, Phù Sam Sum, là Mường Nham, Phù Luông Nọi, Mường Mộc...tại Nậm Chắt, trên đường trinh sát mặt trận, đơn vị đã có 1 đồng chí hy sinh, 2 đồng chí bị thương. Nhưng lực lượng trinh sát của đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phục vụ đắc lực cho các lực lượng chiến đấu, chiến thắng giòn giã, nối tiếp vùng giải phóng từ Na Khòn, Nạm Xoong đến tận Cò Hãy gần huyện Bô Li Khan thuộc tỉnh Khăm Muộn.
Chỉ huy đơn vị quán triệt nhiệm vụ trước buổi huấn luyện. |
Đến tháng 5/1988 được lệnh của trên, toàn đơn vị được rút về nước, kết thúc sau hơn 18 năm chiến đấu giúp bạn Lào(11/1969-5/1988). Ở trong nước, đơn vị bố trí đài sở chỉ huy tại cao điểm 249 núi Tù Và, 1 đài phía trước để quan sát thành phố Vinh, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam đàn tại cao điểm 281 Hưng Tây và ở cao điểm 441 núi Thần Vũ để quan sát nắm vùng ven biển Diễn Châu, Nghi Lộc và vùng phía sau Yên Thành. Ngoài ra còn bố trí các đài quan sát trực tiếp để bổ trợ ở cao điểm 273 Yên – Tiến – Thiết, đài Đền Cuông, lèn Hai Vai, núi Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu), rú Trét (Nam Đông - Nam Đàn) và cao điểm 300 ngã 3 Truông Bồn. Không những bám sát các đài quan sát phục vụ trực tiếp cho Bộ chỉ huy, mà lực lượng đơn vị còn được lệnh làm nhiệm vụ trinh sát truy lùng bọn biệt kích thám báo nhảy dù xâm nhập vào các địa bàn ở Tây Thanh Chương, xã Tam Thái, xã Lưu Kiền (huyện Tương Dương) và truy lùng bọn biệt kích người nhái dọc tuyến biển Nghi Yên, Nghi Thiết (Nghi Lộc) và phối hợp các lực lượng bắt phi công địch nhảy dù ở Nghĩa Đàn, Yên Thành.
Bài tập đối kháng tay không của CBCS đơn vị. |
Trở về với thời bình, về với đất mẹ thân yêu, CBCS của lực lượng trinh sát đặc nhiệm C20 vẫn trọn vẹn, trung trinh cùng nhiệm vụ đã được giao phó. Đơn vị đã cơ động hoạt động khắp các địa bàn của tỉnh, chủ yếu hoạt động nắm tình hình nội địa, tình hình địa bàn kết hợp huấn luyện dã ngoại ở các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, TP Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Yên Thành, Tân Kỳ, Quỳ Hợp…
Vượt vật cản K100. Binh nhất Phan Văn Thảo, nhập ngũ ngày 13/12/2013, quê Đức Thọ - Hà Tĩnh bộc bạch: "Lúc đầu, nhảy qua vật cản K100 khó lắm anh ạ. Em đôi lúc phải cắn răng để hoàn thành bài tập. Rất mừng, em đã được chỉ huy đơn vị ghi nhận! Bây giờ, em thấy rất tự hào được là người lính trong hàng ngũ bộ đội trinh sát đặc nhiệm C20". |
Hàng năm đơn vị được Bộ chỉ huy quân sự tỉnh giao làm nhiệm vụ xung kích trong công tác phòng chống bão lụt của Tỉnh, trực tiếp trên tuyến đê 42 từ Hưng Lợi đến Hưng Khánh và trên tuyến đê La Giang (Đức Thọ). Điển hình là mùa lũ 1978 trong lúc bão to, gió lớn, nước lũ lên cao, 12 đồng chí đã ngâm mình dưới nước chặn dòng chảy suốt ngày đêm bảo vệ vững chắc cống Trung Lương (đê La Giang) không bị vỡ và tham gia cứu vớt được 23 người bị trôi trên sông Lam. Sau 2 ngày đêm vật lộn với bão lũ, đơn vị đã bảo vệ được cống và tuyến đê an toàn, cứu sống được 31 người dân, đã được UBND tỉnh Nghệ Tĩnh cấp bằng khen và được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương chiến công hạng 3.
Vượt chướng ngại vật, hoàn thành nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh. |
Một bài tập vượt vật cản hàng ngày của CBCS đơn vị cùng vũ khí bộ binh |
Ghi nhận những thành quả của đơn vị qua các thời kỳ, đại đội trinh sát 20 đã được Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào tặng thưởng 2 Huân chương chiến công hạng Nhất, 3 Huân chương chiến công hạng Ba, 1 Huân chương Ít Xa La hạng Nhất, 1 Huân chương hạng Nhì về nghĩa vụ quốc tế cao cả. Bên cạnh đó là hàng trăm bằng khen, giấy khen của Bộ quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu, UBND tỉnh và của Bộ CHQS tỉnh khen thưởng. Liên tục trong từ năm 1980 đến nay, đơn vị nhiều năm đạt chi bộ TSVM, đơn vị quyết thắng. Hàng năm luôn là lá cờ đầu trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn Thành phố Vinh cũng như địa bàn tỉnh Nghệ An.
Thượng úy, chính trị viên Nguyễn Việt Cường đưa chúng tôi dạo qua đơn vị, để được thấy 1 ngày luyện tập của CBSC. Đồng chí chia sẻ "Là một trong những đơn vị nòng cốt của Bộ CHQS tỉnh, đơn vị luôn xác định rõ nhiệm vụ chính trị, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội. Không những rèn luyện đạo đức, phẩm chất tư cách mà đơn vị còn nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, tham gia xây dựng cơ sở, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao".
CBCS đơn vị sau giờ thao luyện, cùng xem bản tin về những hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam |
Lực lượng CBCS C20 lại chuẩn bị huấn luyện cho những nhiệm vụ mới |
Được tận mắt chứng kiến CBCS đơn vị đổ mồ hôi thao trường trong một ngày huấn luyện cùng câu "Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu" , tôi nhận rõ thêm 1 điều rằng, với truyền thống và ý thức đi đầu của mỗi người lính nơi đây, Tổ quốc mãi bình yên.
Trần Hải