Một người lính kiên trung, bất khuất

05/02/2015 19:23

(Baonghean) - Bố mẹ mất sớm, phải sống cảnh ở đợ, làm thuê, rồi được cơn gió cách mạng đem đến sự đổi đời, thoát khỏi cuộc sống lầm than, cơ cực. Giặc ngoại bang xâm lấn, lại cầm súng lên đường, tình cảm thiêng liêng với nước non không bao giờ phai nhạt. Không may bị sa vào tay giặc, vẫn giữ trọn khí tiết của người đảng viên, người chiến sỹ… Người chúng tôi đang nói tới là ông Nguyễn Xuân Tam, quê ở xã Diễn Hoa (Diễn Châu).

Ông Nguyễn Xuân Tam (phải) xem lại những kỷ niệm với đồng chí, đồng đội.
Ông Nguyễn Xuân Tam (phải) xem lại những kỷ niệm với đồng chí, đồng đội.

Hơn nửa tháng nữa Tết Nguyên đán năm Ất Mùi mới gõ cửa, ông Nguyễn Xuân Tam đang lặng lẽ và tỷ mẩn cắt tỉa, tưới tắm cho mấy cây cảnh trước nhà. Ít ai nghĩ rằng, con người hiền lành, có vóc dáng nhỏ bé ấy từng bị địch xếp vào hàng “đầu sỏ” và dùng nhục hình tra tấn hòng đè bẹp chí khí đấu tranh của người cộng sản. Có khách đến thăm, ông tạm dừng công việc của mình, vào nhà pha ấm trà nóng hổi và trò chuyện hết sức cởi mở, thân tình.

Ông Tam chia sẻ: “Mùa Xuân này tôi bước sang tuổi 84, cái đầu vẫn còn minh mẫn để nhớ những điều quan trọng diễn ra trong cuộc đời. Chỉ có điều, những vết thương cũ tái phát nhiều hơn, toàn thân tê nhức, phải gồng mình lên để chống chọi. Nhưng đó cũng là lẽ tất yếu của tuổi già, được chứng kiến cuộc sống đổi thay của quê hương ngày nào vui ngày ấy...”.

Ông Nguyễn Xuân Tam sinh năm 1931, khi cao trào cách mạng Xô viết đang diễn ra sôi nổi trên dải đất Nghệ - Tĩnh và cả nước. Những năm ấy, xóm làng xơ xác, đói rét triền miên, là hậu quả của chính sách vơ vét của chính quyền thực dân - phong kiến. Trong thời đoạn yếu kém ấy, bố mẹ của ông Tam cùng lâm bệnh rồi mất sớm, để lại 4 đứa con thơ dại, ông là thứ 3 lúc ấy mới chừng 7 tuổi. Bố mẹ sớm qua đời, 3 anh em phải đi ở đợ cho nhà giàu trong làng, người em út còn nhỏ ở cùng bà nội. Ông Tam được một gia đình phú nông nhận nuôi, công việc hàng ngày là chăn trâu, cắt cỏ. Không thể kể hết những cực khổ, gian nan của những ngày ở đợ nhà người, vừa thiếu ăn, vừa thiếu mặc, ốm đau không có thuốc thang. Gần 80 năm đã trôi qua, ông vẫn còn nhớ câu: “Lâu lâu rách một ống quần/ Còn một ống nữa dần dần rách đi”. Riêng người anh kề ông Tam đi chăn trâu bị ong vò vẽ cắn, về nhà được 3 ngày thì chết vì không có thuốc thang. Một thời gian sau, Nguyễn Xuân Tam được người chú ruột đưa về cưu mang, giúp đỡ chú làm những công đoạn chăn tằm, dệt vải.

Cách mạng Tháng Tám nổ ra, mới 14 tuổi Nguyễn Xuân Tam đã phần nào nhận thấy rằng đây là một sự kiện vô cùng trọng đại. Bởi nét mặt ai cũng hồ hởi, cờ hoa ngập đường, khắp nơi vang tiếng reo vui, ai cũng hăng hái gia nhập các tổ chức, đoàn thể cứu quốc. Ông cũng đăng ký tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc, tích cực hoạt động tuyên truyền để bà con xung quanh hiểu hơn về ý nghĩa của cuộc cách mạng, từ đó quyết tâm giữ gìn thành quả đã đạt được.

Giặc Pháp trở lại đánh chiếm nước ta, hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Xuân Tam tình nguyện gia nhập Dân quân tự vệ, năm 17 tuổi đã đi dân công hỏa tuyến lên tận núi rừng Sơn La. Năm sau, qua 3 lần tuyển tân binh nhập ngũ, chàng thanh niên vùng quê Phủ Diễn đăng ký khám tuyển, cả 3 lần đều không trúng, nguyên nhân chính là do thiếu cân. Đến lần thứ 4, được một người có kinh nghiệm “mách nước”, Nguyễn Xuân Tam bỏ 3 hòn đá vào túi quần và ra đồng đào 3 củ khoai to ăn trước khi vào khám tuyển. Quả nhiên, lần này ông đủ tiêu chuẩn và chính thức được gọi lên đường nhập ngũ. Người lính trẻ hành quân theo đơn vị lên Tây Bắc, rồi vòng sang chiến trường Lào để đánh đuổi giặc Pháp, góp sức mình vào sự thắng lợi chung của quân và dân cả nước.

Quãng thời gian hòa bình ngắn ngủi giữa hai cuộc chiến, Nguyễn Xuân Tam được tham gia các khóa huấn luyện về chính trị, rồi trở về làm Chính trị viên đơn vị Pháo 12 ly 7, thuộc Sư đoàn 341. Đây cũng là thời điểm ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đế quốc Mỹ tìm cách thế chân Pháp ở miền Nam, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, buộc nhân dân Việt Nam phải “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Trong đoàn quân tiến vào Nam ấy, có một người lính vóc dáng nhỏ bé nhưng gan dạ, kiên cường, là người con của đất Diễn Hoa. Chiến dịch Mậu Thân (1968) diễn ra tại Huế, Nguyễn Xuân Tam là Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công thực hiện nhiệm vụ đột kích vào sân bay địch. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng gay go và ác liệt, địch được chi viện với quân số đông, vũ khí tối tân, đặc biệt là sự yểm trợ của trực thăng và xe tăng đã gây cho ta không ít tổn thất. Địch pháo kích dồn dập vào đội hình, Nguyễn Xuân Tam ôm khẩu B40 nhả đạn vào một chiếc trực thăng đang chao lượn trên đầu, một mảnh đạn M79 của địch găm vào ngực rồi vào sâu trong phổi. Đồng đội đưa ông ra tuyến sau cứu chữa, một đồng chí trong Sở chỉ huy đã nói rằng: “Đồng chí xứng đáng là một người con của Đảng!”.

Phẫu thuật xong, ông được đưa về nghỉ dưỡng tại xã Phong Điền (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế). Bất ngờ, địch tràn đến bao vây, ông được đưa xuống một căn hầm bí mật. Địch đổ bộ từ trực thăng, dùng gậy sắt xọc hết mọi ngóc ngách để tìm kiếm hầm bí mật. Không may, căn hầm Nguyễn Xuân Tam đang trú ẩn bị địch phát hiện, ông sa vào tay giặc. Nhưng trước lúc ra hầm, người chính trị viên đã nhờ một người dân chôn chiếc ba lô đựng đầy tài liệu nên địch không hề biết gì về thân thế của người tù binh này.

Nguyễn Xuân Tam bị đưa về trại giam Non Nước (Đà Nẵng) và bị kẻ địch dùng đủ các loại nhục hình để tra tấn, hòng khai thác những thông tin quan trọng của ta. Một mực ông chỉ khai là Nguyễn Văn Tam, chức vụ chiến sỹ, ngoài ra không nắm được thông tin gì. Địch không tin, chúng bảo rằng: “Mày bét nhất cũng phải là trung úy” (thực tế lúc đó ông là đại úy) và tiếp tục tra tấn bằng nhục hình. Cuối cùng, chúng xếp ông vào hàng “đầu sỏ” và quyết định đày ra đảo Phú Quốc, nơi được xem là “địa ngục trần gian”. Tại đây, người lính tiếp tục “nếm” những đòn nhục hình tàn bạo từ thời trung cổ đến hiện đại như “đi máy bay” (treo người lên xà đẩy đi đẩy lại), “đi tàu ngầm” (nhận đầu xuống nước), dùng thước lim đánh vào đầu 10 ngón tay, đóng đinh vào tay chân, dí điện vào mồm...

Biết không thể khai thác được gì, cuối cùng kẻ địch phải đưa Nguyễn Xuân Tam ra chốn biệt giam. Ngục tù chỉ giam hãm được thân xác người cộng sản chứ không thể giam được ý chí, tinh thần kiên cường, bất khuất trong đấu tranh. Ở chốn biệt giam, ông Tam dần dần bắt được liên lạc của tổ chức Đảng trong nhà tù và tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh bí mật. Từ đó, phát động các cuộc đấu tranh tuyệt thực, đòi tăng khẩu phần ăn, thuốc chưa bệnh, quyền được ra ngoài hưởng không khí trong lành, được học tập nâng cao trình độ hiểu biết... Nhiệt tình và tích cực hoạt động, uy tín của Nguyễn Xuân Tam ngày một nâng cao, được tổ chức giao làm phó bí thư, rồi bí thư Đảng ủy Phân khu 4, Nhà tù Phú Quốc. Ông thường xuyên phụ trách giảng dạy các lớp nâng cao trình độ cho anh em tù binh, trên bảng kẻ vẽ hình học, viết số học để che mắt địch, thực chất là truyền giảng truyền thống dân tộc, đường lối cách mạng của Đảng và sức mạnh của quân và dân ta.

Thành tích nổi bật của Nguyễn Xuân Tam là chỉ đạo anh em đào một tuyến hầm bí mật thông ra bờ biển để khi có cơ hội sẽ tổ chức vượt ngục. Phương tiện đào hầm là những chiếc thìa, chiếc nĩa giấu được; phương tiện vận chuyển đất là bao tải rách khâu lại; nơi giấu đất là những cái giếng bỏ hoang lâu ngày. Để che mắt địch, trước hết phải đào hầm “nghi binh”, tức là đào một tuyến hầm theo hướng khác và cố tình để lộ. Còn tuyến hầm chính dài hơn 60m đào hơn 2 tháng trời ròng rã, đi dưới lớp lớp hàng rào thép gai, rồi thông ra bãi cát trắng, đến bãi mìn, rừng gai, bãi lầy, rừng dừa rồi mới tìm thuyền trở về đất liền. Gần 20 người được chọn để vượt ngục, hầu hết là anh em lính đặc công, trinh sát và thủy quân lục chiến. Nguyễn Xuân Tam vẫn ở lại sát cánh cùng anh em tù binh tiếp tục cuộc đấu tranh, đặc biệt khi phát hiện hơn 20 tù binh vượt ngục thành công, chúng ra sức bố ráp vô cùng gắt gao, khắc nghiệt. Thậm chí, địch còn cài cắm người cào tổ chức, bí mật theo dõi hoạt động của ta. Mưu đồ này không thể qua mặt được những người cộng sản dạn dày kinh nghiệm đấu tranh. Tuân thủ các nguyên tắc hoạt động, nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng cảm tử khi cần nên bí mật của tổ chức vẫn được giữ vững, có lúc còn cảm hóa được những tên được cài vào để theo dõi.

Nguyên Bí thư Đảng ủy Phân khu 4, Nhà tù Phú Quốc chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh: “Nguyên tắc hoạt động của tổ chức Đảng trong tù có những nét đặc thù riêng. Trước tiên, phải tuyệt đối giữ bí mật, mọi thông tin đều được quy định thành ám hiệu. Những người gia nhập tổ chức phải thực sự liêm khiết, nếu không sớm muộn gì cũng bị vỡ sẽ rất ít cơ hội phục hội. Trong chỉ đạo đấu tranh, tinh thần đoàn kết, hòa hợp phải đặt lên hàng đầu, thống nhất cả về tư tưởng và hành động mới giành được thắng lợi...”.

Với Nguyễn Xuân Tam, ngày 16/3/1973 là ngày trọng đại của cuộc đời, bởi hôm ấy ông cùng anh em tù binh đảo Phú Quốc chính thức được trao trả tự do theo Hiệp định Pa-ri (27/1/1973). Rời khỏi chốn “địa ngục trần gian”, ông được trở ra miền Bắc an dưỡng, được trở về với quê hương và gia đình. Xét hoàn cảnh mấy chục năm chiến đấu xa nhà, Nguyễn Xuân Tam được cấp trên đồng ý chuyển công tác về Thành đội Vinh (Nghệ An) và nghỉ hưu vào năm 1977.

Về địa phương, ông vẫn hăng hái, nhiệt tình với công tác xã hội, làm đội trưởng đội sản xuất, rồi bí thư chi bộ nhiều khóa liền. Tấm lòng, công sức và trí tuệ của ông luôn được chính quyền, địa phương ghi nhận bằng sự kính trọng và mến phục. Ông luôn lấy lời dạy của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh làm điều tâm niệm: “Sống trong tù kiên trung bất khuất/ Sống ngoài đời tình nghĩa thủy chung”. Những Huân chương chiến công, Huân chương chiến sỹ vẻ vang, Huân chương kháng chiến... và một mái ấm hạnh phúc, con cháu đuề huề đã nói lên tất cả!

Công Kiên

Mới nhất
x
Một người lính kiên trung, bất khuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO