Một "người viết" ở làng Phong

17/09/2015 19:29

(Baonghean) - Rơi vào hoàn cảnh ấy, chắc hẳn không ít người sẽ đau buồn và thất vọng, nhưng ông vẫn sống vui vẻ và khá lạc quan. Đáng nói hơn, tâm hồn ông luôn rộng mở để đón nhận những vang động cuộc đời và chưng cất thành những vần thơ, câu chuyện và bài báo đậm tình nhân ái. Chúng tôi đang nói tới ông Phạm Đình Tiến, một công dân của làng phong Quỳnh Lập.

Nỗi đau “Han - sen"

Nằm gần tuyến đường từ trung tâm Thị xã Hoàng Mai đi Khu công nghiệp Đông Hồi nên làng phong Quỳnh Lập không còn hiu hắt, vắng lặng như trước. Chúng tôi đến bãi biển nơi này khi bình minh vừa lên. Trên bờ cát dài, một người đàn ông có vóc dáng gầy gò, bước đi chậm rãi theo mép sóng, thi thoảng dừng bước và giở cuốn sổ nhỏ cùng cây bút mang theo hý hoáy ghi chép. Giật mình quay lại khi thấy chúng tôi phía sau, ông thoáng bối rối, giải thích: “Thỉnh thoảng có những ngày đẹp trời như thế này, cũng nên ra biển ngắm thiên nhiên cho thư thái”. Liếc nhìn vào cuốn sổ ghi chép, một bài thơ đang hình thành, được viết bằng nét chữ rất đẹp. “Chẳng hay, ông là thầy giáo dạy Văn?”. Người đàn ông mỉm cười: “Không, tôi là một bệnh nhân phong ở làng phong Quỳnh Lập này”. Câu chuyện với ông Phạm Đình Tiến (SN 1950)- “nhà văn” của làng phong nhỏ này với chúng tôi đã bắt đầu như vậy

Đúng 20 tuổi, cái tuổi tràn trề nhựa sống cùng bao ước mơ, hoài bão cuộc đời, chàng thanh niên làng biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch - Quảng Bình) chợt thấy tay chân bị tê, mất dần cảm giác. Triệu chứng ấy ngày càng nặng, nặng đến mức tàn lửa rơi vào tay vẫn không thấy bỏng, không thấy đau, rồi các ngón tay co quắp... Đến khám tại bệnh viện, bác sỹ kết luận mắc bệnh phong, Phạm Đình Tiến như chết lặng, ngỡ như thân mình đang tan chảy, xung quanh mọi thứ quay cuồng. Bởi lẽ, thời điểm ấy, người mắc bệnh phong thường bị xa lánh, ruồng bỏ, phải sống cuộc đời buồn tủi và tìm cách che giấu thân phận. Thế là hết ước mơ vào quân ngũ, cầm súng đánh đuổi giặc Mỹ xâm lăng, để quê hương, đất nước được sống trong cảnh yên bình. Thế là hết ước mơ vào giảng đường đại học, thành chàng sinh viên Văn khoa, rồi viết nên những câu thơ chan chứa ân tình. Bây giờ, trước mắt Tiến là từng lớp sương mù vây bủa...

Rời quê hương Quảng Bình, Phạm Đình Tiến ra Nghệ An điều trị tại Bệnh viện phong Quỳnh Lập. Làng phong, nơi tập trung những người mang trong mình vi khuẩn Han-sen nằm tách biệt với cộng đồng, trước mặt là biển, phía sau và hai bên là núi đồi. Cũng như bao bệnh nhân khác, đến vùng đất này, ông Tiến mang theo nỗi buồn tủi về thân phận và cả niềm hy vọng, niềm tin về một ngày mai sẽ khỏi bệnh, cơ thể sẽ lành lặn như xưa. Có được niềm tin ấy, ông cố gắng hòa đồng với tất cả mọi người, đặc biệt là những người cùng cảnh ngộ. Ông tận tình an ủi, động viên và giúp đỡ những người bệnh nặng, truyền cho họ ngọn lửa niềm tin, sưởi ấm những khát vọng tưởng chừng đã vùi sâu trong băng giá.

Trong số những bệnh nhân được giúp đỡ, có một người dành cho Phạm Đình Tiến một tình cảm đặc biệt, đó là Nguyễn Thị Tuyến (SN 1956) - cô gái đến từ Nam Sách (Hải Dương). “Đồng bệnh tương lân”- cùng một hoàn cảnh nên dễ dàng cảm thông, chia sẻ, tình cảm của hai người ngày càng thêm gắn bó. Cho đến bây giờ, đã gần 40 năm trôi qua, vợ chồng ông Tiến vẫn chưa thể quên niềm vui, hạnh phúc cũng như nỗi buồn tủi ngày ấy. Vui và hạnh phúc là điều ai cũng hiểu. Vậy, nỗi buồn tủi bắt nguồn từ đâu? Tất cả nguồn cơn cũng chỉ do bệnh tật và nghèo khó. Vợ chồng thành hôn không có lấy một cơi trầu, gói kẹo, chỉ có điều kiện về Quảng Bình đăng ký kết hôn và ra mắt nhà trai.

Điều ấy, ông bà muốn chôn chặt trong lòng, không bao giờ muốn gợi nhớ. Sinh liền 2 người con trai, ông Tiến dắt bầu đoàn, thê tử về quê hương Quảng Bình. Ông làm nhiều nghề để mưu sinh, từ việc sắm tàu đi biển, khai hoang kinh tế mới, đi xe ôm, trông giữ xe ở chợ đến mở quán cắt tóc, miễn là thu về được những đồng tiền chính đáng để nuôi con. Rồi 2 con gái tiếp tục chào đời, cuộc sống thêm khó khăn nhưng mái ấm nơi làng biển Cảnh Dương luôn ngập tràn hạnh phúc. Tuổi già ập đến lúc nào không hay, sức khỏe sút giảm, những triệu chứng của căn bệnh cũ lại trở về hành hạ. Vậy là sau hơn 20 năm trở về quê làm lụng, mưu sinh và gây dựng cơ ngơi cho các con, vợ chồng ông Tiến trở lại với làng phong Quỳnh Lập.

Hiện tại, các con của ông Tiến đã có cuộc sống ổn định, con gái út đã tốt nghiệp đại học và đang làm việc tại Ngân hàng Quân đội. Vợ chồng ông sống trong khu tập thể dành cho bệnh nhân của Bệnh viên phong, sinh sống bằng số tiền trợ cấp 370 nghìn đồng/tháng. Ông bà còn chăn nuôi thêm gà, lợn, làm thêm nghề cắt tóc để mưu sinh. Không thể nói là đủ đầy, nhưng chừng ấy có thể gọi là tạm ổn.

Ông Phạm Đình Tiến trò chuyện với một nhân vật ở làng phong Quỳnh Lập.
Ông Phạm Đình Tiến trò chuyện với một nhân vật ở làng phong Quỳnh Lập.

Gửi niềm tin vào trang giấy

Hơn 40 năm trước, căn bệnh phong quái ác đã cướp đi ước mơ trở thành người lính và người cầm bút viết văn của chàng thanh niên Phạm Đình Tiến. Và thi thoảng, trong những cơn mơ, ước vọng thời trai trẻ lại trở về nâng đỡ bước chân người đàn ông ấy trên hành trình cuộc đời. Và chính ước vọng dang dở, những năm tháng vật lộn mưu sinh, chống chọi với bệnh tật đã giúp Phạm Đình Tiến tích lũy được vốn sống, trải nghiệm được những cung bậc cảm xúc và suy ngẫm về lẽ đời. Mà những điều ấy, rất cần cho một người viết văn và làm thơ. Một tâm hồn dễ rung cảm, lại có nhiều vốn sống và vốn ngôn ngữ, người đàn ông làng phong ấy quyết định cầm bút.

Thực ra, ông bắt đầu viết từ hồi đưa vợ con trở về Quảng Bình mưu sinh, bắt đầu từ những truyện ngắn. Ông mạnh dạn gửi những sáng tác của mình cho các báo và tạp chí văn nghệ, rồi kiên trì chờ đợi, kiên trì viết. Và niềm vui bất ngờ đã đến khi Tạp chí Nhật Lệ (Quảng Bình) đã đăng truyện ngắn “Cánh hoa mua tím”, sau đó được Đài Tiếng nói Việt Nam chọn đọc trong chương trình “Đọc chuyện đêm khuya”. Điều ấy đã tiếp thêm nguồn sức mạnh cho Phạm Đình Tiến, giúp ông tiến bước trên con đường cầm bút và nối lại ước mơ thời trai trẻ tưởng chừng như đã bị vuột mất. Không được học hành ở trường lớp chính quy nhưng trường đời đã dạy cho ông bao điều hơn thiệt, ông biết mình đang đứng ở đâu giữa cõi đời mênh mông này.

Hơn ai hết, Phạm Đình Tiến biết rằng có nhiều người mắc bệnh phong đã vượt lên số phận, quyết tâm cầm bút và viết nên những kỳ tích về cuộc đời. Đó là Nguyễn Đức Thìn- AHLĐ, NGND quê ở Bắc Ninh, từng điều trị tại Bệnh viện phong Quỳnh Lập, một bậc đàn anh ông Tiến luôn kính trọng. Nguyễn Đức Thìn đã cho ra mắt cuốn tự truyện “Chuyện cuộc đời”, kể về hành trình cuộc đời, trong đó có những năm tháng chữa trị và hoạt động tại làng phong Quỳnh Lập. Và với những “nghệ sỹ” mang trong mình vi khuẩn Han-sen, họ luôn lấy cuộc đời và sự nghiệp thi sỹ Hàn Mặc Tử làm chiếc gương soi, để có thêm động lực vượt lên nghịch cảnh. Phạm Đình Tiến cũng vậy, ông hết lời ca ngợi người đồng hương là thi sỹ tài hoa bị mắc căn bệnh phong quái ác. Điều ấy đã đi vào thơ ông: “Hàn Mặc Tử- Anh đi rồi để lại muôn nỗi nhớ/ Hàn Mặc Tử- Anh đi rồi lắng lại vạn ý thơ/ Anh đi rồi là thật hay trong mơ/ Mà để lại nét ngẩn ngơ hằn sâu trong tim bao cô gái trẻ?/ Anh đau rít răng, nỗi đau triền miên muôn thuở/ Nước mắt anh trào thánh thót những giọt thơ...” (Ảo ảnh yêu).

Phạm Đình Tiến tâm sự: “Mắc bệnh khi tuổi đời còn quá trẻ, chưa kịp thực hiện ước mơ vào quân ngũ, cầm súng vượt sang bên kia vỹ tuyến 17 để đánh đuổi quân thù. Hầu hết những đứa bạn thời chăn trâu, cắt cỏ đều ra trận, người trở về, người vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Cho nên, tôi thường viết về đề tài người lính, viết để bày tỏ niềm tri ân”. Đọc những sáng tác của ông, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người lính, có cả người lính thời chiến và người lính thời bình. Và có khi, đề tài người lính thể hiện ngay ở tên tác phẩm như “Duyên của lính”, “Khúc giao hòa của lính”, “Lính đảo - tim thép” và “Có những người lính”... Ước mơ của ông là đến một lúc nào đó, có đủ điều kiện sẽ tập hợp, tuyển chọn để xuất bản tập sách viết về đề tài người lính, để góp thêm một tiếng nói, một góc nhìn về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Cùng với đề tài người lính, Phạm Đình Tiến còn làm thơ ca ngợi vẻ đẹp và sự đổi mới của quê hương, đất nước. Hình ảnh tươi đẹp về làng Cảnh Dương- nơi chôn nhau cắt rốn; về vùng đất Nam Sách- quê vợ và Quỳnh Lập- mảnh đất vợ chồng ông đang sinh sống luôn đi về trong những câu thơ. Theo ông, đó là những quan sát về cuộc sống, sự nguy ngẫm về cuộc đời và bộc bạch nỗi lòng lên trang giấy để tìm kiếm sự đồng cảm, sẻ chia. Viết là để giải tỏa những xúc cảm và niềm day dứt, để có thêm một sự trải nghiệm, và điều quan trọng là nói lên được tiếng nói của lòng mình.

Bên cạnh làm thơ và viết truyện, Phạm Đình Tiến còn dành thời gian viết báo. Đề tài của ông xoay quanh cuộc sống làng phong, là nỗi niềm và sự vươn lên của những con người tưởng chừng như chìm lấp trong buồn đau, thất vọng. Là người trong cuộc, ông hiểu hết những ngõ ngách cuộc sống và thẳm sâu tâm hồn của những cư dân làng phong. Cho nên, ngòi bút luôn chan chứa yêu thương, đậm tình nhân ái. Ông đưa chúng tôi xem bài “Qua cơn mưa trời lại sáng” vừa mới hoàn thành, viết về vợ chồng người hàng xóm mắc bệnh phong, hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng vẫn vươn lên trong cuộc sống. Hai con của họ giờ đã bước vào đại học, phía trước còn không ít khó khăn nhưng luôn giữ vững niềm tin cuộc đời. Ông Tiến băn khoăn, nhiều tòa soạn hiện giờ đều nhận bài qua hộp thư điện tử, những người gửi bài viết tay như ông thực sự thiệt thòi trong thời buổi “bùng nổ” của công nghệ thông tin. Cũng muốn sắm bộ máy vi tính để làm quen với công nghệ, để công việc được thuận lợi hơn nhưng kinh tế gia đình vẫn chưa cho phép. Vì thế, hàng ngày, bàn tay tật nguyền của ông vẫn nắn nót từng dòng chữ trên trang giấy để gửi gắm niềm ước mong và những suy tư về cuộc đời.

Bình minh lại rạng ngời trên biển Quỳnh Lập, một ngày mới nữa bắt đầu. Đôi chân ông Phạm Đình Tiến lại bước trên bãi biển, đôi mắt lại quan sát cảnh vật, ông lại suy tư và gửi niềm tin vào trang giấy...

Công Kiên

Mới nhất
x
Một "người viết" ở làng Phong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO