Một số nội dung cơ bản của Luật trách nhiệm bồi thường
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, bảo đảm sự hoạt động ổn định của các cơ quan công quyền; tạo cơ chế pháp lý mới, đồng bộ, hiệu quảđể người bị thiệt hại thực hiện tốt hơn quyền được bồi thường của mình đối với những thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2010. Luật bao gồm 8 chương, 67 điều quy định những vấn đề cơ bản sau:
+ Phạm vi điều chỉnh, đối tượng được bồi thường: Luật điều chỉnh phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án; thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; kinh phí bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụđã gây ra thiệt hại. Đối tượng được bồi thường là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần mà thuộc các trường hợp đã được quy định trong Luật này thì được Nhà nước bồi thường.
+Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường: Luật này quy định về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường cho 2 lĩnh vực hoạt động khác nhau là: căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và thi hành án có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại Luật này; có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại; căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự là bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định. Thiệt hại thực tếđối với người bị thiệt hại do người tiến hành tố tụng hình sự gây ra trong trường hợp theo quy định.
Nhà nước không có trách nhiệm bồi thường đối với các thiệt hại xảy ra trong các trường hợp: do lỗi của người bị thiệt hại; người bị thiệt hại che dấu chứng cứ, tài liệu hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật trong quá trình giải quyết vụ việc; do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết.
+ Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Luật này chỉ quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Như vậy, các thiệt hại do hoạt động xây dựng pháp luật gây ra chưa được Nhà nước bồi thường. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường gồm: cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự và cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.
+Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường: Người bị thiệt hại phải thực hiện việc yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại giải quyết bồi thường trước khi khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết bồi thường. Sau khi nhận được văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thihành công vụ, người bị thiệt hại sẽ gửi đơn yêu cầu bồi thường đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Cơ quan đã nhận đơn yêu cầu bồi thường và hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ yêu cầu bồi thường để thụ lý, trường hợp thấy không thuộc thẩm quyền của mình thì có trách nhiệm hướng dẫn người bị thiệt hại gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường vẫn phải ra quyết định giải quyết bồi thường. Trường hợp người bị thiệt hại đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường và không khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết bồi thường thì quyết định giải quyết bồi thường sẽ có hiệu lực pháp luật và là căn cứđể cơ quan có trách nhiệm bồi thường tiến hành các thủ tục cần thiết để bồi thường cho người bị thiệt hại.
+ Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại Toà án: Người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết bồi thường nếu hết thời hạn luật định mà cơ quan có trách nhiệm bồi thường không ra quyết định giải quyết bồi thường hoặc khi họđã nhận được quyết định nhưng không đồng ý với nội dung của quyết định đó. Toà án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm là Toà án cấp huyện nơi cá nhân bị thiệt hại cư trú, làm việc, nơi tổ chức bị thiệt hại đặt trụ sở nơi thiệt hại xảy ra theo sự lựa chọn của người bị thiệt hại hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
+ Các thiệt hại được bồi thường và mức bồi thường bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút ; thiệt hại do tổn thất về tinh thần; thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết; thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khoẻ; trả lại tài sản; khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.
+ Trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ: Luật này quy định một cách toàn diện về trách nhiệm hoàn trả, bao gồm nghĩa vụ hoàn trả và xử lý trách nhiệm của người thi hành công vụ; căn cứ xác định mức hoàn trả; trình tự, thủ tục quyết định việc hoàn trả; thẩm quyền ra quyết định hoàn trả; khiếu nại, khởi kiện quyết định hoàn trả; hiệu lực của quyết định hoàn trả; thực hiện việc hoàn trả; quản lý, sử dụng tiền hoàn trả.
Dương Hữu Dung