Kinh tế

Một số tuyến đê cửa sông, cửa biển Nghệ An nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão

Văn Trường 08/09/2024 08:09

Một số tuyến đê cửa sông ở Nghệ An chủ yếu đắp thủ công, đã xuống cấp hư hỏng, nguy cơ cao mất an toàn trong mùa mưa bão.

van truong 2345
Tuyến đê sông Bùng xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu chủ yếu đắp bằng thủ công, nền đất vừa thấp vừa rất yếu. Ảnh: Văn Trường

Đầu tháng 9, có mặt tại tuyến đê sông Bùng xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, chúng tôi nhận thấy, cả tuyến đê nhỏ hẹp, chủ yếu đắp bằng đất thấp, yếu. Ông Nguyễn Văn Tuấn, một người dân xã Diễn Hoa bày tỏ: "Cứ vào mùa mưa lũ, nước sông dễ dàng tràn lên qua mặt đê gây ngập úng lúa hè thu, ao cá và ngập nhiều nhà cửa của người dân ven sông".

Đại diện UBND xã Diễn Hoa cho biết: Tuyến đê sông Bùng đi qua xã Diễn Hoa dài trên 7km hầu hết được đắp bằng đất vừa thấp. vừa nhỏ. Hiện có 7 điểm sạt lở do mùa mưa năm 2023 gây nên, xã đang trích ngân sách trên 30-40 triệu đồng để tạm khắc phục. Về lâu dài rất cần được Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp.

Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Diễn Châu, trao đổi: Địa bàn Diễn Châu có 45km đê sông tập trung ở các xã Diễn Hoa, Diễn Quảng, Diễn Bình, Diễn Thái… Do khó khăn về nguồn vốn nên chưa được nâng cấp. Hầu hết các đoạn đê được đắp thủ công bằng đất từ những năm 80 thế kỷ trước, nay đã xuống cấp, sạt lở, không có khả năng chống chọi với mưa lũ lớn.

van truong mẻt
Đê sông Mai Giang đi qua xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu đã bị sạt lở. Ảnh: Văn Trường

Địa bàn huyện Quỳnh Lưu cũng tương tự, hệ thống đê sông, đê biển cũng xuống cấp trầm trọng, vào mùa mưa lũ nhiều người dân phải hứng chịu tình trạng nước dâng, xâm nhập mặn, đe dọa cuộc sống nhân dân.

Như tại tuyến đê sông Mai Giang đi qua xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu), hiện có nhiều đoạn, mặt đê bị biến dạng do sạt lở. Ông Lê Văn Nam, một người dân ở xã Quỳnh Thanh, chia sẻ: "Vào mùa mưa bão, nước dâng ngập sông Mai Giang tràn qua bờ đê hư hỏng dâng ngập các đầm tôm, nhà cửa gây thiệt hại không nhỏ cho người dân, bà con mong được Nhà nước sớm đầu tư nâng cấp tuyến đê để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân trong mùa mưa bão”.

van truong 345
Nạo vét lòng sông Thái với chiều dài 1,5 km từ Cầu Giát, thị trấn Quỳnh Lưu đến xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Diện nhằm tiêu thoát lũ. Ảnh: Văn Trường

Ông Hồ Xuân Xuyên - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh, cho biết: Đê sông Mai Giang đi qua địa bàn xã với chiều dài 3,2km. Hệ thống đê này có vai trò rất quan trọng, bảo vệ cho trên 70ha tôm của địa phương và hàng ngàn hộ dân của các xã lân cận như Quỳnh Thạch, Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu. Thế nhưng, hiện nay, hầu hết đều đã xuống cấp, hiện có 4 vị trí bị sạt lở nặng, hàng năm xã đều trích ngân sách để tu sửa tạm nhưng mùa mưa bão lại bị cuốn trôi.

Trên tuyến đê sông Thái đoạn chảy qua xã Quỳnh Diện một số đoạn không có bờ đê, mùa mưa lũ nước sông đe dọa ruộng đồng, ao cá và nhà dân.

Theo báo cáo của UBND huyện Quỳnh Lưu: Hệ thống đê sông trên địa bàn huyện dài trên 50km, trong đó, bao gồm hệ thống đê sông Thái, đê sông Mơ, đê kênh tiêu Bến Hải, đê sông Hàu, hiện chỉ mới nâng cấp được khoảng 20km, còn 30km các đê sông chủ yếu được đắp bằng đất chưa có gia cố, chỉ chống chịu được triều cường và bão cấp 6, cấp 7, nước sông cao đến 2,5m.

Trước mùa mưa bão, huyện Quỳnh Lưu đã cho triển khai nạo vét lòng sông Thái với chiều dài 1,5km từ Cầu Giát - thị trấn Quỳnh Lưu đến các xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Diện nhằm thông thoáng lòng kênh, giảm thiểu ngập úng. Huyện đã rà soát các tuyến đê cửa sông ách yếu và có phương án sẵn sàng di dời dân trong mùa mưa bão đến nơi an toàn.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi, Nghệ An có hệ thống đê cửa sông với chiều dài 129km, các tuyến đê này có nhiệm vụ chống lũ vùng các cửa sông Mai Giang, sông Hoàng Mai, sông Thái, sông Bùng. Hiện nay có khoảng trên 75km đê cửa sông đã được nâng cấp chủ yếu tập trung ở các huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu còn lại 54 km đê sông chưa được nâng cấp, nhiều đoạn có nền đê yếu, xảy ra sạt trượt khi có mưa lũ.

van truong m2355
Những năm qua huyện Quỳnh Lưu đã kè được 20/50 km đê kèm giao thông bờ sông. Ảnh: Văn Trường

Ngoài ra, Nghệ An còn có hơn 41 km đê biển từ xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) đến Cửa Hội (phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò) cơ bản đã được nâng cấp, tuy nhiên có một số tuyến đã bị hư hỏng như tuyến đê Quỳnh Thọ, Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) và hư hỏng cục bộ một số đoạn đê biển đi qua các xã Diễn Vạn, Diễn Trung, Diễn Kim (Diễn Châu).

Nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, Chi cục Thủy lợi tỉnh khuyến cáo các địa phương rà soát, xác định vị trí hư hỏng để có phương án phối hợp kịp thời trong các đợt dự báo có mưa lớn; có phương án di dời đảm bảo an toàn cho người dân. Chuẩn bị sẵn sàng phương án “4 tại chỗ" để xử lý sự cố. Cụ thể là chuẩn bị tập kết đá, cọc tre, bao cát để sẵn sàng ứng phó khi thân đê bị vỡ.

Cùng với đó, các địa phương tăng cường lực lượng kiểm tra, canh gác phát hiện sớm những sự cố đê điều để xử lý, ứng cứu ngay từ giờ đầu, đặc biệt là các vị trí đê xung yếu; xây dựng các kịch bản, phương án, tổ chức huy động lực lượng kịp thời ứng phó sự cố, nhanh chóng khắc phục hậu quả.

Mới nhất
x
x
Một số tuyến đê cửa sông, cửa biển Nghệ An nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO