Kinh tế

Hàng nghìn người dân Nghệ An đối diện nguy cơ mất an toàn mùa mưa lũ

Phú Hương 04/08/2024 11:16

Trước mùa mưa bão năm nay, trên địa bàn Nghệ An vẫn còn hàng trăm điểm sạt lở trong khu dân cư, khiến hàng nghìn người dân đối diện nguy cơ mất an toàn tính mạng và tài sản.

Nỗi lo khi mùa mưa bão đến

Năm 2020, sau cơn bão số 9, mưa lớn kéo dài, trên núi Thọ Bùi (xã Quang Sơn, huyện Đô Lương) xuất hiện điểm sạt lở dài 80m với độ sâu gần 3m. Kể từ đó, hầu như không năm nào gia đình ông Lê Hữu Thanh (xóm 2) cùng người dân trong xóm không phải chạy lũ.

“Chỉ cần mưa lớn là đã phải đưa người già, phụ nữ và trẻ em đi ở nhờ nhà người thân quen ở các xóm khác. Đàn ông, thanh niên trai tráng nhiều người phải ở lại để canh giữ trâu bò, tài sản nhưng cũng không dám ở trong nhà vì sợ nhà bị đổ sập”, ông Thanh chia sẻ.

uploaded-phuhuongbna-2022_08_23-_bna-ho-dan-anh-phu-huong-4071.jpeg
Hiện có 13 hộ dân sống dưới chân núi Thọ Bùi ( xã Quang Sơn, Đô Lương). Ảnh: Phú Hương

Không chỉ sạt lở đất, trên núi còn có nhiều tảng đá rất lớn. Vì thế, mấy năm nay vào mùa mưa bão, lực lượng của xã Quang Sơn phải chia ra để vừa hỗ trợ người dân vùng ngập Tân Thắng, vừa giúp đỡ 13 hộ dân với gần 60 nhân khẩu sống ven chân núi.

Ông Lê Văn Chơng - Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Chúng tôi tập trung tuyên truyền, vận động người dân sẵn sàng sơ tán khi có mưa lớn, thông báo đến từng hộ dân và giao xóm trực tiếp theo dõi, đôn đốc; xã cử lực lượng đến tận từng gia đình để giúp bà con sơ tán đến nơi an toàn; đội dân quân tự vệ trực 24/24h để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra”.
Tuy nhiên, cũng theo ông Chơng, đó chỉ là biện pháp tình thế, tạm thời và bị động. Về lâu dài, để thực sự ổn định, chúng tôi mong muốn xây dựng khu tái định cư cho bà con, năm ngoái xã cũng đã họp dân để trưng cầu ý kiến, phương án là chuyển ra khu đất cách chân núi khoảng 1km, nhưng nhiều hộ dân không đồng tình, đưa ra nhiều lý do như đã quen nơi ở cũ; đất ở tại khu tái định cư không rộng bằng; khó khăn về kinh phí khi phải xây dựng lại nhà cửa...

 Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ kiểm tra tình hình sạt lở núi tại xã Quang Sơn, huyện Đô Lương. Ảnh- Phú Hương
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ kiểm tra tình hình sạt lở núi tại xã Quang Sơn, huyện Đô Lương. Ảnh: Phú Hương

Ở huyện Thanh Chương, theo thống kê mới nhất, trên địa bàn hiện có 33 điểm có nguy cơ sạt lở, với 254 hộ, 869 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Đáng chú ý là các khu dân cư sống ngay dưới chân núi như tại khu vực đồi Rú Vệ, rú Đá (Thanh Hoà) với 6 hộ, 25 nhân khẩu; rú Chạng Nạng (Thanh Liên ) với 12 hộ 40 nhân khẩu; dọc núi rú Lâm (Thanh An) với 15 hộ, 62 nhân khẩu bị ảnh hưởng.
Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện trao đổi: Những năm qua, từ nguồn kinh phí của Trung ương và của tỉnh, một số điểm sạt lở nguy hiểm đã được xử lý, tuy nhiên chưa đáng kể so với thực trạng. Đến nay, trên địa bàn còn tồn tại nhiều điểm sạt lở đáng cảnh báo như bờ sông Rộ đoạn qua xã Võ Liệt đã khắc phục một phần nhưng đang tiềm ẩn nguy cơ cao khi mùa mưa bão đến. Đặc biệt, đoạn đê sông Giăng tại xã Thanh Liên có tới 100 hộ, 400 nhân khẩu bị ảnh hưởng...

 cua-song-ro-doan-qua-xa-vo-liet-thanh-chuong. Ảnh- Phú Hương-
Cửa sông Rộ đoạn qua xã Võ Liệt (Thanh Chương). Ảnh: Phú Hương

Để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện Thanh Chương đã chỉ đạo các ngành, các xã khi có cảnh báo về thời tiết cực đoan thì phải sẵn sàng phương án di dời dân đến nơi an toàn; đồng thời về lâu dài tập trung quy hoạch đất, từng bước xây dựng khu tái định cư.

“Bà con hầu hết mong muốn được tái định cư ngay tại địa phương, nên tùy vào tình hình cụ thể chúng tôi sẽ bố trí phù hợp, có thể xây dựng khu tập trung hoặc xen dắm”, ông Lê Đình Thanh chia sẻ thêm.

Đảm bảo an toàn cho nhân dân

Nghệ An là tỉnh thường xuyên phải chịu các tác động của thiên tai, thời tiết. Các loại hình thiên tai như bão, lũ gây ngập lụt, sụt lún, sạt lở, lốc, hạn, mưa đá năm nào cũng xảy ra. Đặc biệt, ở nhiều nơi thường xảy ra sụt lún, sạt lở đất, nhất là các vùng miền núi và bờ sông, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng, tài sản của người dân.

Nguyên nhân dẫn đến sụt lún, sạt lở, ngoài ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ... còn do biến đổi địa chất, một số đồi núi đất đá qua thời gian dài bị phong hoá làm yếu nền địa chất; một số nơi do tác động của con người như chặt cây, khai thác đất, làm mặt bằng để làm nhà, thậm chí có điểm phía chân núi bị khoét cả diện tích lớn, làm mất ổn định vùng chân núi, rất dễ bị sạt lở khi mưa lớn.

 Nhiều hộ dân ở Con Cuông sống dưới chân núi có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Ảnh- Văn Trường
Nhiều hộ dân ở huyện Con Cuông sống dưới chân núi có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Ảnh: Văn Trường

Hằng năm, Chi cục Thủy lợi tỉnh tiến hành rà soát, thống kê điểm sạt lở, các trường hợp uy hiếp an toàn tính mạng, nhà cửa của người dân, những địa bàn xung yếu, những điểm sạt lở có tính cấp bách ở các địa phương để đề xuất hỗ trợ xử lý.

Từ nguồn vốn của Trung ương, nỗ lực của tỉnh và các địa phương, một số điểm sạt lở đã được khắc phục, như khu vực Núi Voi ở xã Nghi Công Bắc (Nghi Lộc) đã được bạt đất, giảm bớt chiều cao núi, từ đó giảm tải lên chân núi, giảm nguy cơ sụt lún gây nguy hiểm cho gần 70 hộ dân sống dưới chân núi.

Một số điểm sạt lở bờ sông, sườn núi cũng đã được đầu tư với số vốn hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, theo trao đổi của ông Nguyễn Quốc Toản - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi: Để xử lý các điểm sạt lở, đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, có thể lên tới 20- 50 tỷ đồng/dự án, ngân sách chưa thể bố trí đủ.

Phương án xây dựng các khu tái định cư để chuyển hẳn người dân sang ở nơi an toàn cũng đã được quan tâm, thế nhưng vấp phải nhiều khó khăn cả về quỹ đất ở và cả về nguồn kinh phí.

 sạt lở bờ sông Lam đoạn qua huyện Anh Sơn. Ảnh- Phú Hương
Sạt lở bờ sông Lam đoạn qua huyện Anh Sơn. Ảnh: Phú Hương

Theo các chuyên gia, giải pháp khả thi nhất hiện nay đó là cho doanh nghiệp vào tổ chức khai thác đất, hạ thấp độ cao và san phẳng núi để giảm thiểu nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên thực tế, việc thực hiện phương án này cũng không đơn giản.

Đơn cử như điểm sụt lún tại núi Thọ Bùi, xã Quang Sơn của huyện Đô Lương, theo ông Hoàng Văn Hiệp - Chủ tịch UBND huyện: Từ năm 2021, huyện đã có chủ trương đầu tư Dự án cấp bách xử lý sạt lở núi Thọ Bùi, nhằm khai thác đất đá, san bớt độ cao của núi để giảm ảnh hưởng, nguy cơ sụt lún, đảm bảo an toàn cho tài sản, tính mạng các hộ dân sống dưới chân núi.

Theo đó, sẽ bạt mái taluy ở những vị trí sạt lở nghiêm trọng, di dời các hòn đá lớn trên đỉnh núi, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1,4 tỷ đồng. Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình, Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đều đã được phê duyệt từ tháng 7/2021, nhiều đơn vị đã vào khảo sát nhưng đều từ chối nhận thầu do nhiều lý do như cung đường vận chuyển khó khăn, nằm sát khu dân cư không đảm bảo an toàn khai thác.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đã đi kiểm tra về tình hình sạt lở núi sát khu dân cư trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo: Đảm bảo an toàn cho nhân dân là ưu tiên phải được đặt lên hàng đầu. Các ngành chức năng và địa phương theo dõi thường xuyên diễn biến sụt lún, sạt lở, cắm biển cảnh báo và hạn chế hoặc cấm người và phương tiện đi qua khu vực nguy hiểm.

Cảnh báo sớm và thường xuyên về nguy cơ sạt lở đến các hộ dân để bà con chủ động đề phòng; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, tuyên truyền, vận động và giúp đỡ, di dời người dân đến nơi an toàn khi có mưa kéo dài và nguy cơ sạt lở. Lực lượng chức năng tổ chức trực 24/24h để có thể xử lý kịp thời các tình huống xảy ra, hỗ trợ đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Mới nhất
x
x
Hàng nghìn người dân Nghệ An đối diện nguy cơ mất an toàn mùa mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO