Xã hội

Thấp thỏm mùa mưa lũ ở Cao Vều

Thành Chung 06/08/2024 14:58

Mùa mưa lũ về, vùng biên giới Cao Vều (huyện Anh Sơn) lại nơm nớp nỗi lo... Mới đây, tại địa phương này, đã có 2 người bị tai nạn đuối nước thương tâm.

Nguy cơ mùa mưa lũ

Cao Vều (hay còn gọi là bản Vều) là tên chung của 4 bản Vều 1, Vều 2, Vều 3 và Vều 4 thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới của xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn. Cao Vều hiện có 370 hộ, với 1.337 nhân khẩu, đại đa số là đồng bào dân tộc Thái. Cuộc sống người dân ở Cao Vều hiện còn rất khó khăn, hoạt động lao động sản xuất gắn liền với núi rừng và khe, suối.

Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự đóng góp nhân dân, Cao Vều đã xây dựng được hệ thống điện, đường, đáp ứng tương đối nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống giao thông, nhất là đường từ các bản sang khu sản xuất phải qua sông suối chưa đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhất là mùa mưa lũ.

Ảnh Thành Chung (1)
Đoạn suối xảy ra tai nạn làm 2 người tử vong. Ảnh: Thành Chung

Vừa qua, ở xã Cao Vều đã xảy ra 1 vụ đuối nước hết sức thương tâm. Cụ thể: Vào 17 giờ 30 phút chiều ngày 19/7, một nhóm người dân Cao Vều từ khu sản xuất trở về bản thì mắc kẹt ở suối Vều do mưa lớn làm nước suối dâng cao, chảy xiết. Nhóm người này đã chia thành nhiều nhóm để đi qua suối. Tuy nhiên, 2 người đi sau cùng đã bị nước cuốn trôi, đó là chị H.T.L. (46 tuổi, ở bản Vều 2) và Đ.T.H. (34 tuổi, ở bản Vều 3).

Sau khi tai nạn xảy ra, người dân và lực lượng chức năng đã tổ chức tìm kiếm. Đến sáng 20/7, thi thể chị L. được tìm thấy cách nơi gặp nạn hơn 1 km. Đến sáng ngày 21/7, thi thể chị H. được tìm thấy cách hiện trường gặp nạn khoảng 5 km.

Ảnh Thành Chung (2)
Ông Đặng Đình Lâm – Trưởng bản Vều 2 chia sẻ về nỗi lo về mùa mưa lũ và kiến nghị cần xây cầu treo dân sinh từ bản sang khu sản xuất, nghĩa trang các dòng họ. Ảnh: Thành Chung

Ông Đặng Đình Lâm – Trưởng bản Vều 2 đã dẫn chúng tôi quay trở lại địa điểm xảy ra vụ tai nạn. - Đó là một khoảng suối rộng chừng 15m, nước chảy chậm, không quá sâu, chỉ chừng qua đầu gối người lớn. Ông Lâm cho hay: Bình thường dòng suối Vều rất hiền hoà. Thế nhưng, chỉ cần mưa lớn trong một buổi thì nước dâng lên rất nhanh và chảy rất mạnh. Người dân lội qua trong thời điểm này rất nguy hiểm, đặc biệt đối với người đi làm về vướng víu ủng, áo quần bảo hộ, dụng cụ lao động.

Ảnh Thành Chung (4)
Mặc dù xã đã quy hoạch xây dựng nghĩa trang chung cho 4 bản với diện tích 1,8 ha. Tuy nhiên người dân vẫn thường an táng người đã khuất tại nghĩa trang dòng họ nằm bên kia suối Vều. Ảnh: Thành Chung

Mặc dù bản đã có nghĩa trang (nghĩa trang của 4 bản được quy hoạch tại bản Vều 3 có diện tích 1,8 ha). Đường vào nghĩa trang được đổ nhựa, bê tông, đi lại thuận tiện. Tuy nhiên, theo phong tục tập quán địa phương thì người dân ở đây vẫn thường an táng người đã khuất tại nghĩa trang dòng họ với mong muốn ở gần với tổ tiên, ông bà.

Ông Bạch Đình Dung – Trưởng bản Vều 3, Anh Sơn

Hiện nay, khu nghĩa trang của các dòng họ và khu sản xuất của 3 bản Vều 1, Vều 2, Vều 3 đều nằm bên kia suối Vều. Hằng ngày, bà con vẫn sang khu sản xuất để trồng ngô, chè, keo (tính riêng diện tích sản xuất của người dân bản Vều 2 là 100ha). Vào mùa mưa lũ việc lội suối để đến khu vực sản xuất của bà con rất nguy hiểm. Bà con rất lo và mong các cấp, ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ xây dựng một cây cầu treo dân sinh.

Nhiều vấn đề cần giải quyết

Ảnh Thành Chung (3)
Vị trí được Ủy ban nhân dân xã Phúc Sơn khảo sát, đề nghị xây dựng cầu treo dân sinh nằm ở bản Vều 2. Ảnh: Thành Chung

Vụ tai nạn đuối nước thương tâm khiến 2 người dân tử vong đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ ở xã Cao Vều. Ngay sau vụ việc, Ủy ban nhân dân huyện Anh Sơn đã chỉ đạo xã Phúc Sơn khẩn cấp thực hiện công tác đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Theo đó, Ủy ban nhân dân huyện Anh Sơn yêu cầu xã Phúc Sơn tuyên truyền, vận động người dân không đi qua sông, suối trong thời gian mưa lũ; thường xuyên cập nhật diễn biến của thời tiết, nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích trong mùa mưa bão trên hệ thống phát thanh cơ sở để người dân biết và phòng tránh.

Ảnh Thành Chung (5)
Đường vào bản Bọp, Châu Tam được rải xong đá cấp phối, hiện chưa có kinh phí để làm bề mặt. Ảnh: Thành Chung

Xã Phúc Sơn khẩn trương rà soát, cắm biển báo nguy hiểm, nghiêm cấm qua sông, suối tại các vị trí người dân thường xuyên đi lại, có nguy cơ mất an toàn trong thời gian mưa bão; lên phương án ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân khi đi lao động sản xuất trong khoảng thời gian lũ, mực nước dâng cao; rà soát báo cáo thực trạng mạng lưới, kết cấu hạ tầng giao thông dân sinh phục vụ lao động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân tại các bản Vều; trên cơ sở nhu cầu cấp thiết, đề xuất giải pháp về kết cấu hạ tầng để khắc phục tình trạng trên.

Thực hiện sự chỉ đạo của huyện Anh Sơn, xã Phúc Sơn đã và đang triển khai công tác đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Xã đã tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu và phòng tránh sạt lở, đuối nước trước khi vào mùa mưa lũ; tổ chức kiểm tra, rà soát và cắm 11 biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực nước sâu nguy hiểm để người dân biết.

Ông Nguyễn Sỹ Thắng – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Phúc Sơn

Ảnh Thành Chung (6)
Cầu Khe Gon tại km 11 Tỉnh lộ 534C (thuộc bản Cao Vều 4) thường xuyên bị ngập khi mưa lớn. Ảnh: Thành Chung

Uỷ ban nhân dân xã Phúc Sơn thông qua việc lấy ý kiến người dân đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân huyện Anh Sơn về việc bố trí tái định cư cho 9 hộ có nguy cơ sạt lở, ngập lụt tại bản Vều 1; đề xuất cấp trên đầu tư 1 cầu treo dân sinh tại bản Vều 2, và đường gom để nhân dân đi lại an toàn nhất là trong mùa mưa bão, lũ; đề xuất đầu tư cứng hóa tuyến đường đi bản Bọp và bản Châu Tam (đang là đường cấp phối)...

Đặc biệt, tại vùng 4 bản Cao Vều hiện có cầu Khe Gon tại km 11 trục đường 534C (thuộc bản Cao Vều 4) thường xuyên ngập. Tại đây, chỉ cần mưa lớn 1 buổi đã ngập, có thời điểm ngập sâu trên 4m, quãng ngập rộng 50m. Khi nước ngập, cả 4 bản đều bị cô lập hoàn toàn. Xã Phúc Sơn rất mong muốn cấp trên sớm có giải pháp đầu tư xây dựng cầu để giúp nhân dân đi lại thuận tiện, tránh bị cô lập dài ngày vào thời điểm mưa lũ – ông Nguyễn Sỹ Thắng cho biết thêm.

Ảnh Thành Chung (7)
Cầu Khe Dầu trên Tỉnh lộ 534C - tuyến đường dẫn vào Cao Vều đang được thi công. Ảnh: Thành Chung

Liên quan đến những đề xuất của chính quyền, nhân dân xã Phúc Sơn, hiện nay, huyện Anh Sơn đang xem xét và giải quyết. Ông Đặng Bá Kỷ - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Anh Sơn cho hay: Với đề xuất xây cầu dân sinh, huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng khảo sát, dự trù và huy động, vận dụng các nguồn lực để thực hiện.

Với cầu Khe Chon nằm trên Tỉnh lộ 534C do Sở Giao thông vận tải quản lý, đã được tỉnh đưa vào quy hoạch để làm song vẫn chưa thực hiện. Với tuyến đường bản Bọp và bản Châu Tam, huyện hiện chưa có kinh phí thực hiện làm mặt đường, rất mong các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí để xây dựng. Hiện nay, huyện Anh Sơn cũng đã chỉ đạo xã Phúc Sơn quy hoạch lại nghĩa trang tập trung của 4 bản, mở rộng từ 1,8 ha lên 5 ha để đảm bảo thuận tiện trong việc mai táng sau này./.

Mới nhất

x
Thấp thỏm mùa mưa lũ ở Cao Vều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO