Một số vấn đề sau sắp xếp đơn vị hành chính tại Nghệ An

Mai Hoa 25/05/2024 09:04

(Baonghean.vn) - Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang bám sát quy trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã để thực hiện đúng tiến độ kế hoạch. Tuy nhiên, trong cán bộ và nhân dân vẫn đang đặt ra một số tâm tư, băn khoăn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành.

bna_ Các lưc lượng ở xã Thanh Mai (huyện Thanh Chưong) tổ chức tuyên truyền cổ động về chủ trương sáp nhập.jpeg
Xã Thanh Mai (Thanh Chương) tổ chức tuyên truyền cổ động về chủ trương sáp nhập xã đến tận từng địa bàn dân cư. Ảnh: Mai Hoa

HĐND cấp xã thống nhất cao

Sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giảm số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy. Quan trọng hơn, sắp xếp để mở rộng quy mô, không gian phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

bna_ HN1.jpg
Đại biểu HĐND huyện Hưng Nguyên bỏ phiếu biểu quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 – 2025 đã tạo tư tưởng, nhận thức, đồng thuận trong cán bộ và nhân dân. Điều này được minh chứng thông qua việc lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp tại 92 xã, phường, thị trấn trong tỉnh (trừ 2 xã Quỳnh Hậu và Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu chưa tổ chức lấy ý kiến), đạt tỷ lệ đồng ý 61,5 - 100%.

bna_ HD5.jpg
Các đại biểu HĐND thành phố Vinh biểu quyết thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh, thành lập các phường và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố Vinh giai đoạn 2023-2025. Ảnh: Mai Hoa

Sau khi hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp đơn vị hành chính; các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tiến hành tổ chức kỳ họp HĐND để thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025. Đến thời điểm này, 92 xã, phường, thị trấn đã hoàn thành họp Hội đồng nhân dân với tỷ lệ biểu quyết đồng ý thông qua đạt từ 78,94- 100%.

Địa phương có tỷ lệ đại biểu HĐND cấp xã đồng ý về đề án sắp xếp cao nhất là huyện Nghĩa Đàn với 5/5 đơn vị thực hiện sắp xếp đạt 100% đại biểu HĐND đồng ý.

Huyện Nghi Lộc có 5/8 đơn vị đạt tỷ lệ 100% đồng ý của đại biểu HĐND và 3 đơn vị còn lại đạt 95,24 - 96%.

Huyện Anh Sơn có 3/4 đơn vị đạt tỷ lệ đồng ý 100% của đại biểu HĐND và đơn vị còn lại đạt 90,47%.

Huyện Yên Thành có 9/14 đơn vị đạt tỷ lệ đồng ý 100% của đại biểu HĐND và 5 đơn vị còn lại đạt 90,4 - 95,8%.

Huyện Con Cuông có 2/3 đơn vị đạt tỷ lệ đồng ý 100% và đơn vị còn lại đạt 88%.

Huyện Nam Đàn có 3/4 đơn vị đạt tỷ lệ đồng ý 100% và đơn vị còn lại đạt 92%.

Huyện Quỳnh Lưu có 9/15 đơn vị đạt tỷ lệ đồng ý 100% và 6 đơn vị còn lại đạt 88,5 - 95,%.

Huyện Hưng Nguyên có 2/6 đơn vị đạt 100% tỷ lệ đồng ý của đại biểu HĐND; có 4 đơn vị đạt 87,50- 96%.

Huyện Thanh Chương có 10/16 đơn vị đạt tỷ lệ đồng ý 100% của đại biểu HĐND và 6 đơn vị còn lại đạt 86,95 - 95,6%.

Huyện Diễn Châu có 5/10 đơn vị đạt tỷ lệ đồng ý 100% của đại biểu HĐND và 5 xã còn lại đạt 88,46 – 95,83%.

Huyện Tân Kỳ có 1/4 đơn vị đạt tỷ lệ đồng ý 100% và 3 đơn vị đạt 78,94% - 94,12%.

Huyện Đô Lương có 2 đơn vị thực hiện sắp xếp đạt tỷ lệ 92,14 – 95,65%.

Thị xã Cửa Lò có 4/7 đơn vị đạt tỷ lệ 100% đại biểu đồng ý và 3 đơn vị còn lại đạt 90 – 94,44%.

Thành phố Vinh có 7/9 đơn vị đạt tỷ lệ 100% đại biểu đồng ý và 2 đơn vị còn lại đạt 85 – 96,15%.

Một số vấn đề cần quan tâm

Dù tỷ lệ đồng thuận cao của cử tri và đại biểu HĐND cấp xã về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính huyện và cấp xã giai đoạn 2023 – 2025, song vẫn còn những tâm tư, băn khoăn đặt ra.

Cử tri Nguyễn Đình Hùng, ở Làng Đông, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên), nêu tâm tư liên quan đến việc giải quyết các khoản nợ trong đầu tư xây dựng cơ bản của địa phương sau sáp nhập trở thành đơn vị hành chính mới; việc thay đổi các giấy tờ liên quan cho người dân, nhất là thay đổi thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần thực hiện nhanh để tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển kinh tế.

bna_ Cử tri Nguyễn Đình Hùng, (xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên) băn khoăn liên quan đến huy động sức dân xây dựng nông thôn mới ở xã mới sau sáp nhập. Ảnh- Mai Hoa.jpg
Cử tri Nguyễn Đình Hùng, ở Làng Đông, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên), nêu tâm tư liên quan đến việc giải quyết các khoản nợ trong đầu tư xây dựng cơ bản của địa phương sau sáp nhập trở thành đơn vị hành chính mới. Ảnh: Mai Hoa

Cũng tại huyện Hưng Nguyên, cử tri xã Hưng Phúc đặt ra băn khoăn khi xã đạt nông thôn mới nâng cao sáp nhập với xã chưa đạt sẽ đặt tiếp lên “vai” người dân đóng góp xây dựng xã mới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và tỉnh, huyện có chính sách hỗ trợ riêng cho các đơn vị sáp nhập hay không?

bna_ CB1.jpg
Công chức xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên) giải quyết công việc cho dân. Ảnh: Mai hoa

Tại huyện Quỳnh Lưu, ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cho biết: Trong 15 đơn vị đã thực hiện và hoàn thành kỳ họp HĐND tán thành chủ trương sắp xếp thì ở 3 đơn vị trong thảo luận có đại biểu phát biểu ý kiến nêu một số băn khoăn.

Cụ thể, ở xã Quỳnh Lương, đại biểu băn khoăn hiệu quả hoạt động của bộ máy sau sáp nhập, đồng thời, khi chưa sáp nhập việc giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân còn chậm, khi sáp nhập 2 xã thì có đảm bảo được không?

Ở xã Quỳnh Bá nêu băn khoăn việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến diện tích đất sản xuất phần nhập về thị trấn Cầu Giát; đồng thời, đề nghị chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân làm các thủ tục hành chính sau sáp nhập.

Cùng với một số băn khoăn nêu trên, cán bộ và nhân dân ở các đơn vị thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 – 2025 cũng nêu lên những vấn đề liên quan đến công tác xử lý, sử dụng tài sản công.

bna_ Lãnh đạo huyện Thanh Chương trao đổi với người dân xã Xuân Tường về chủ trương sắp nhập xã. Ảnh Mai Hoa.jpg
Lãnh đạo huyện Thanh Chương trao đổi với người dân xã Xuân Tường về chủ trương sáp nhập xã. Ảnh Mai Hoa

Một số ý kiến đề xuất tỉnh và huyện cần xây dựng rõ phương án, lộ trình sắp xếp cán bộ, công chức, trong đó quan tâm lựa chọn bố trí người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã sau sáp nhập đảm bảo chọn đúng người có trình độ năng lực, ý thức, trách nhiệm, tâm huyết với địa phương và thật sự chăm lo cuộc sống của người dân.

Mối quan tâm lớn nhất của người dân sau sáp nhập đó là có bộ máy lãnh đạo, quản lý chất lượng; tạo ra nhiều cơ hội phát triển mới cho địa phương nói chung và cho chính cuộc sống của mỗi người dân nói riêng. Đây là yêu cầu đặt ra đòi hỏi các cấp cần trăn trở, đảm bảo các địa phương sau sáp nhập có sự phát triển mạnh và toàn diện hơn; tập trung và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu chuyển đổi giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới hành chính (được quy định tại Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

bna_ Cán bộ xã Hưng Tân (huyện Hưng Nguyên) trao đổi, nắm bắt tâm tư của cán bộ xóm về chủ trương sáp nhập xã. Ảnh bài Mai Hoa.jpg
Cán bộ xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) trao đổi, nắm bắt tâm tư của cán bộ xóm về chủ trương sáp nhập xã. Ảnh bài Mai Hoa

Theo kế hoạch, HĐND cấp huyện phải hoàn thành phiên họp bỏ phiếu thống nhất về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính trong tháng 5/2024.

HĐND tỉnh sẽ tiến hành kỳ họp thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 trước ngày 10/6/2024; trên cơ sở đó hoàn thiện Đề án trình Chính phủ trước ngày 15/6 để thẩm định trình Quốc hội phê duyệt.

Một số vấn đề sau sắp xếp đơn vị hành chính tại Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO