Một thoáng Sầm Nưa

24/05/2015 16:42

(Baonghean) - Sáng ra ngã tư Me Súc đầu thị xã, nơi có nhà hàng tên Huế Thương của hai vợ chồng người Việt quê huyện Phú Lộc (Huế) với tô bún bò ngon mà cứ ngỡ như vẫn ở quê Việt. Và khi nghe tiếng nhạc lăm vông réo rắt thì “Hồn về Sầm Nưa chẳng về xuôi”...

Nổi hứng, chúng tôi theo dấu xưa oai hùng của “đoàn binh không mọc tóc” ngược lên thượng nguồn sông Mã phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Khi vượt qua những “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” lên Mường Lát trập trùng mây núi và thấy những “heo hút cồn mây” từ thung lũng đùn lên mới thấu hiểu từng câu thơ của nhà thơ Quang Dũng về một vùng biên ải đầy gian lao.

“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm” thì vẫn thế, chỉ khác bây giờ con đường “Tây tiến” không phải người đi trước phát cây mở lối cho người đi sau. Qua gần một thế kỷ, hệ thống giao thông đã đổi thay nhiều, dù nhiều đoạn vẫn gập ghềnh nhưng ô tô đã xuyên qua biên giới. Và khi lên tận “cổng trời” để xuôi xuống Trung Lý, người dẫn đường bảo ngày trước ai lên đây đều ù tai và sương phủ dày như mưa. Nhưng bây giờ, qua cửa kính xe tịnh không thấy mù sương, bầu trời quang đãng. Từ xa, chúng tôi đã thấy bên sườn núi những con đường “ngang trời” ngoằn ngoèo như sợi chỉ đỏ dẫn về các bản người Mông. Và ngay cả khi đã đặt chân đến trung tâm Mường Lát rồi ngược lên Cửa khẩu Tén Tằn đưa tay chào, vuốt ve cột mốc, rồi ngắm ngó nhìn con sông Mã hút dài như dải lụa đỏ vắt qua đại ngàn hùng vĩ qua đất bạn Lào mà nghĩ rằng nếu không đặt cây sào ngăn ra thì đó chỉ là một, núi liền núi, sông liền sông.

Một con đường ở Thị xã Sầm Nưa
Một con đường ở Thị xã Sầm Nưa

Đi ngang sang Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, chúng tôi tò mò theo tiếng gọi da diết “Ơi này cô gái, ơ này cô gái Lào…” trong ca khúc “Cô gái Sầm Nưa” của nhạc sỹ Trần Tiến để sang Hủa Phăn. Theo giải nghĩa của người Thái hay người Lào, đọc nguyên bản là “Sằm Nứa” (Sầm Nưa) nghĩa là xứ trên, vùng trên hay miệt trên. Thì tỉnh Hủa Phăn mà thủ phủ là Sầm Nưa nằm ở Bắc Lào thì đúng là phía trên còn gì! Con đường từ Cửa khẩu quốc tế Na Mèo lên Sầm Nưa dài 88 km đi qua những cánh rừng và những bản làng thưa thớt bình yên.

Bắt đầu đông đúc hơn cả là từ huyện lỵ Viêng Xay lên tới Sầm Nưa. Viêng Xay nằm giữa những dãy núi non hùng vĩ, thị trấn thật yên bình, tĩnh lặng với những mái nhà sàn nhỏ xen giữa những hàng cây và hồ nước trong xanh. Nơi đây là Khu du lịch, nơi được mệnh danh là thủ đô kháng chiến của cách mạng Lào trong thời kỳ 1964 - 1975, từng nuôi nấng, che chở cán bộ, bộ đội Pa thét Lào và quân tình nguyện Việt Nam đánh đuổi giặc thù. Sầm Nưa, nơi bao nhiêu người lính của đoàn binh Tây Tiến đã nằm lại, hôm nay những công trình mới mọc lên với những kiến trúc rất độc đáo riêng biệt của đất nước Chăm Pa, vừa đủ sầm uất mà không ồn ào.

Cổ nhân nói “muốn biết mức sống nơi đó ra sao hãy vào chợ”! Chợ Sầm Nưa không lớn, đông đúc và phong phú chủng loại hàng hóa như ở vùng Trung hay Nam Lào, nên không mấy ồn ào. Hãy sang đây hòa vào nhịp sống bình lặng không bon chen ở Sầm Nưa, đặc biệt không nghe tiếng inh ỏi còi, không chen lấn giành đường, vượt ẩu của các loại phương tiện, chắc sẽ quên hết mọi ưu phiền.

Mô phỏng dân tộc Phao Tai đeng, một bộ tộc Lào đặt ở công viên Thị xã Sầm Nưa.
Mô phỏng dân tộc Phao Tai đeng, một bộ tộc Lào đặt ở công viên Thị xã Sầm Nưa.

May mắn được một doanh nghiệp người Việt chắp nối được gặp và trò chuyện cùng ông Khamhung Huongvongsi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn. Bằng tiếng Việt khá sõi, ông cho biết: Hủa Phăn là một trong những tỉnh nghèo của nước Lào. Từ năm 1997 đến nay, hàng chục doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm sang đầu tư tại Hủa Phăn nhiều dự án trị giá hàng chục triệu USD, làm cho bộ mặt của tỉnh nghèo thay đổi đáng kể. Các địa phương của Việt Nam như Bắc Ninh, Sơn La, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hoá, Nghệ An… cũng đã giúp đỡ Hủa Phăn rất nhiều. Đi dọc sông Nặm Sằm mới được cải tạo có chiếc cầu do tỉnh Thanh Hoá giúp xây dựng đã nối khu chợ cũ với khu chợ mới khang trang làm cho Hủa Phăn thêm mới với nhiều hàng hoá phong phú. Cùng với chợ, còn có trường THPT, khu trụ sở của tỉnh cao bảy tầng, công viên, nhà văn hoá… đều do các địa phương Việt Nam giúp đỡ xây dựng.

Theo ông Khamhung Huongvongsi, sự phát triển của Sầm Nưa hôm nay là sự cố gắng của địa phương, nhà nước Lào nhưng không thể tách rời sự giúp đỡ của Việt Nam. Trong chuyến thăm tỉnh Hủa Phăn vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chúc mừng sự thay đổi của Hủa Phăn và nhấn mạnh trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội tại tỉnh Hủa Phăn, chính phủ hai nước đã ký thỏa thuận về Chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào tại tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng đến năm 2020, trong đó định ra danh mục các dự án ưu tiên hợp tác, đầu tư.

Nghe ông Khamhung Huongvongsi nói chuyện về những dự định tương lai cùng với những gì mắt thấy tai nghe, cho dù thời gian rất ngắn nhưng tôi vẫn cảm nhận một Sầm Nưa không còn hoang dã, hút sâu như câu thơ kiêu bạc thuở nào của nhà thơ Quang Dũng. Hình như những người Việt theo bước chân “Tây tiến” sang đây hôm nay xem Sầm Nưa là quê hương thứ hai của họ. Đêm đầu tiên thưởng thức món lẩu nướng thập cẩm Sầm Nưa nhâm nhi với rượu Cóng xai đẻng đắng nồng và sáng ra Ngã tư Me Súc đầu thị xã, nơi có nhà hàng tên Huế Thương của hai vợ chồng người Việt quê ở huyện Phú Lộc (Huế) ngồi với tô bún bò to bự nghi ngút khói bên cạnh là đĩa rau bản xứ nõn nà mà cứ ngỡ như vẫn ở quê. Và khi nghe tiếng nhạc lăm vông réo rắt, thì “ Hồn về Sầm Nưa chẳng về xuôi”…

Sầm Nưa - Vinh tháng 5/2015

Minh Thư

Mới nhất
x
Một thoáng Sầm Nưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO