Một thoáng Tương Dương

02/05/2012 15:13

(Baonghean) Tôi và họa sỹ Hoàng Trung hẹn nhau đi Tương Dương mấy lần, nhưng đều trục trặc. Lần này, Phó Chủ tịch Vi Hợi có lời mời, chúng tôi bắt xe ca từ Vinh lên Tương Dương nhân dịp huyện tổ chức ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc.

Đã 20 năm, họa sỹ Trung mới có dịp lên lại đây. Hồi còn làm việc ở Trung tâm Thông tin triển lãm, chúng tôi thường đi tác nghiệp ở cơ sở nên quen biết nhiều huyện. Sau đó, họa sỹ chuyển về Trường Văn hóa dạy họa, lên đây gặp vài học sinh công tác ở huyện, tình cảm thầy trò càng quý mến vui vẻ. Còn tôi thỉnh thoảng được đi với cánh báo chí hay văn nghệ nên cũng quen biết khá nhiều cơ sở. Thời ông Tuấn làm bí thư, ông Táo làm chủ tịch huyện, huyện vận động bà con dân tộc đóng góp vàng để xây cầu treo Cửa Rào. Ngày đó đồng bào đóng góp tới 7 kg vàng để làm cầu treo đi lại cho thuận lợi. Tại đây, nhạc sỹ An Thuyên có bài hát nổi tiếng đầu tiên "Em chọn lối này".


Gặp anh Nguyễn Hồ Cảnh - Chủ tịch huyện, khá bất ngờ. Trước đây, anh Hồ Cảnh làm việc ở cơ quan Đảng ủy Dân chính đảng. Anh say sưa nói về các công trình thủy điện, nếu làm hết thì Tương Dương có 6 công trình thủy điện lớn nhỏ. Hiện giờ Bản Vẽ, Khe Bố đã xong, Nậm Nơn đang thi công, mỗi ngày Bản Vẽ thu về cho Quốc gia trên 7 tỷ đồng, nhưng nhiều cánh rừng bị mất, cảnh sinh hoạt cuộc sống văn hóa trên sông nước không còn nữa... Do cuộc sống khó khăn nay đồng bào tái định cư quay trở về. Ở Thanh Chương, nơi bà con định cư, đồi núi khô cằn, sỏi đá, trồng sắn không đủ sống về lại đây chỉ đánh bắt cá mỗi ngày thu nhập vài ba trăm ngàn đồng, đây là bài toán đối với bà con và lãnh đạo huyện.


Chiều hôm đó, dù đang bận nhiều việc cho khai mạc ngày văn hóa thể thao huyện, nhưng anh Vi Hợi - Phó Chủ tịch UBND huyện vẫn tranh thủ đưa chúng tôi vào Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ. Khi xe chạy qua chiếc cầu bê tông kiên cố, tôi chợt hỏi Vi Hợi chiếc cầu treo ở đâu, anh trả lời khe khẽ "phá rồi". Thật tiếc vô cùng. Đây là chiếc cầu treo đầu tiên ở miền Tây Nghệ An do nhân dân tự nguyện góp vàng xây nên, nay phá đi thay thế bằng chiếc cầu xi măng vĩnh cửu để xe cơ giới vận chuyển các thiết bị xây lắp công trình Thủy điện Bản Vẽ. Tôi tự hỏi, sao không để cầu treo lại làm kỷ niệm về tấm lòng vàng của bà con dân tộc, nó là chứng tích lịch sử về ý Đảng - lòng dân của đồng bào miền núi tỉnh ta?


Từ Cửa Rào vào Bản Vẽ khoảng vài chục km, xe chạy lượn vòng cua tay áo, chúng tôi bước vào phòng chỉ huy nhà máy chỉ 3-4 người ngồi điều khiển máy vi tính. Mùa này cốt nước hạ xuống 30m, từ thân đập xuống đáy hồ sâu khoảng 200m. Trên đồi của nhà máy đang xây dựng nhà bia tưởng niệm 40 người hy sinh cho công trình Thủy điện Bản Vẽ. Ta còn nhớ vụ tai nạn gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Sập mỏ đá D3 vùi lấp 18 cán bộ, công nhân đang làm việc trong khối lượng non nửa triệu m3 đất, đá chỉ trong chớp mắt vào tháng 12/2007.

Quả là cái giá phải trả không hề đơn giản. Anh Thắng chủ thuyền bắt buộc chúng tôi mặc áo phao vào cho an toàn, thuyền nổ máy chạy trên lòng hồ. Thuyền chạy mãi, chạy hoài không có một ốc đảo hay một vị trí hấp dẫn nào để du khách lên thăm thú hoặc ngắm cảnh thuyền chài đánh cá trên mặt hồ. Đây là điều hạn chế cho việc phát triển du lịch nội vùng. Dù sao thì chúng tôi vẫn được dịp lướt thuyền trên mặt lũ của dòng Nậm Nơn với khí trời thoáng mát trong lành. Tôi được tận mắt chiêm ngưỡng những gương mặt xinh đẹp của các cô gái dân tộc trong ngày hội văn hóa thể thao huyện Tương Dương lần thứ nhất. Họ về đây để thi thố tài năng như bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co... Được chứng kiến những gì diễn ra ở đây trong ngày hội náo nhiệt mới thấy rõ đời sống văn hóa của đồng bào vùng cao thật phong phú biết nhường nào. Nó không chỉ là phong trào bề nổi nữa, mà thật sự đi vào đời sống thường nhật của con người: Khỏe để lao động!


Xong ngày hội văn hóa thể thao, Phó chủ tịch Vi Hợi sẽ chuẩn bị lên đường vào lòng hồ cùng với cán bộ huyện vận động bà con từ Thanh Chương trở về (con số hiện giờ là 300 hộ). Thật sự vất vả khó khăn đó, nhưng anh tin mình sẽ thuyết phục được, như trước đây anh đã từng vận động bà con di dời ra đi để làm thủy điện.


Bùi Xuân Lương

Mới nhất
x
Một thoáng Tương Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO