Một thời tranh Tết
(Baonghean) - Tết đến, nhớ thời gian khó, mấy anh em văn nghệ chúng tôi xúm nhau làm tranh tết, hoa tết, câu đối tết…...
(Baonghean) - Tết đến, nhớ thời gian khó, mấy anh em văn nghệ chúng tôi xúm nhau làm tranh tết, hoa tết, câu đối tết… Tôi viết lời cho câu đối. Các anh Trần Khánh, Phùng Tôn, Ngô Hùng Lương, Tiêu Cao Sơn, Việt Hùng… vẽ nền trang trí. Chúng tôi đặt tiêu chí tự đòi hỏi câu đối của mình năm nào cũng phải mới. Lời mới, nền trang trí mới! Kế thừa nền câu đối cổ với các họa tiết chạm khắc trang trí ở các đình chùa, các họa sỹ sáng tạo ra nền câu đối vừa có hình thức cổ kính lại vừa có những họa tiết dân gian pha trộn với các mô típ sáng tạo, vậy nên nền trang trí tuy mới nhưng không lạ. Họa sĩ Phùng Tôn vốn người gốc Huế, anh rất có ý thức trong việc tiếp thu vẻ đẹp các họa tiết chạm khắc cung đình, lăng tẩm để nâng cao tính quý phái, sang trọng cho nền câu đối tết. Họa sỹ Trần Khánh thiên về việc kế thừa các sáng tạo dân gian tùng, cúc, trúc, mai để làm cho nền câu đối thấm đẫm tính chân quê, dân giã. Các họa sỹ Nghệ An ưa dùng màu tương phản, thường vẽ hoa vàng trên nền đỏ nên câu đối trông rất rực rỡ. Lời câu đối đa phần là do tôi viết, căn cứ vào mục đích, nguyện vọng của người dân trong việc thờ cúng gia tiên và tâm lý mừng xuân, mừng tuổi, mừng năm mới, cầu mong điều tốt lành cho mọi người mọi nhà mà viết lời. Kể đến nay, đã có hơn 20 câu đối tết khác nhau nhưng cùng mang một phong cách, một nội dung chúc phúc rất thích hợp với việc trang trí mừng xuân và thờ cúng gia tiên.
Vẽ tranh Tết -Ảnh: Internet
Những năm tháng đó, Công ty Vật phẩm văn hóa Nghệ An và Nhà xuất bản Nghệ An bỏ vốn liếng kinh doanh, giao dịch, Công ty In Nghệ An chịu trách nhiệm về phương diện kỹ thuật in. Chúng tôi làm bản thảo, tạo mẫu, chịu trách nhiệm về nội dung và hình thức thẩm mỹ của câu đối. Một câu đối hay và đẹp phải đi qua tất cả các bộ phận và các khâu đoạn đó. Tôi nhớ khoảng năm 80 thế kỷ trước, Công ty Vật phẩm văn hóa Nghệ An đặt vấn đề không chỉ làm câu đối quốc ngữ mà còn làm cả câu đối chữ Hán không chỉ bán trong thị trường nội địa mà còn giao dịch sang tận Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc nữa! Ngày đó, tôi vẫn được công ty đề nghị viết lời cho câu đối mặc dầu trình độ Hán văn của tôi rất hạn chế. Chắc bạn đọc còn nhớ câu đối dạo ấy mang 2 dòng chữ Hán thế này: “Minh đức thiên thu trường nguyệt chiếu - Tiên ân bách tiết cửu thiều quang”. Nghe nói, câu đối ấy cũng được các bậc túc nho bình luận và khách hàng bên kia biên giới cũng tỏ lòng ngưỡng mộ! Nhưng nói thật, điều tôi quan tâm số một vẫn là doanh thu và lợi nhuận của công ty. Câu đối được khen cũng tốt, nhưng với chúng tôi thuở ấy câu đối bán chạy là yêu cầu mang tính sống còn của việc xuất bản. Sau này, đôi câu đối chữ Hán đó có một số gia đình, dòng họ đặt vấn đề xin khắc lại trong các nhà thờ, tôi đã vui lòng đồng ý. Tuy nhiên, những chuyện tôi vừa kể vẫn là chuyện của công ty, của tập thể. Trong thời kỳ khó khăn ấy, chuyện vẽ tranh kiếm tiền lo tết của từng cá nhân anh em văn nghệ sỹ quả là những chuyện khó quên. Có thể, bạn cũng khó hình dung rằng chính tôi cũng là người đã từng vẽ, từng in hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bức tranh tết bày bán trên phố, ngoài chợ những độ tết đến, xuân về! Làm sao quên được thành Vinh một thời hoa giấy! Đất nước chiến tranh, tay cày tay súng, làm gì có thời gian thảnh thơi mà trồng để có hoa tươi đón tết như ngày hôm nay? Không có hoa tươi thì chơi hoa giấy, quả thật dân ta không để ngày tết không hoa! Những năm tháng đó, mỗi lần tết đến, hoa giấy ùn ùn từ các ngả đường đổ về chợ Vinh, có thể nói là thành Vinh rợp trời hoa giấy! Hoa hồng, hoa sen, hoa lay ơn… xanh, đỏ, tím, vàng muôn hình, muôn sắc, tất cả đều được làm từ… giấy loại! Cái trung tâm sản xuất hoa giấy của Vinh dạo đó chính là Xí nghiệp In Nghệ An. Vì sao Xí nghiệp In Nghệ An lại là trung tâm sản xuất hoa giấy? Rất đơn giản, nơi đây có nhiều giấy loại! Nhiều giấy loại tức là nhiều nguyên liệu để sản xuất hoa giấy, vậy thôi! Hoa giấy thay hoa tươi, tết đến Vinh rực rỡ sắc màu! Nhưng người ở Vinh nói riêng, người Nghệ nói chung, không chỉ yêu hoa, yêu câu đối mà họ còn rất thiết tha với các bức tranh thờ cúng và trang trí tết! Xứ Nghệ không có làng nghề sản xuất tranh dân gian nổi tiếng như Đông Hồ, Hàng Trống nhưng trên bàn thờ gia tiên của người Nghệ thường có bức đại tự “Đức, Lưu, Quang” hoặc là bức cuốn thư “Văn võ song toàn” đặt ở giữa, hai bên là đôi câu đối và kèm theo những bức tranh màu nước vẽ cảnh chim hoa… Những năm tháng đó, nước nghèo không in đủ tranh tết để bán cho dân, chúng tôi phải vẽ tranh và in tranh bằng cách đục lỗ, quét màu! Suốt cả tháng Chạp nhà nhà rộn rịp sản xuất tranh tết. Khoảng 20 tháng Chạp, hai bên đường phố chạy dài cho đến tận cổng chợ Vinh đâu đâu cũng bày bán tranh tết! Toàn là tranh tự họa, tự in, đủ màu, đủ loại. Hoa hồng, hoa sen, mâm ngũ quả, đại tự, cuốn thư, câu đối… Một thành Vinh rực rỡ sắc màu!
Nặn tò he - Ảnh: Internet
Bây giờ, tết đến, thành Vinh rợp đường, rợp phố, rực rỡ hoa tươi, quả là cuộc sống có thể đã “hơn mười ngày xưa” nhưng lòng yêu hoa, yêu tranh, yêu câu đối tết thì có lẽ muôn đời vẫn vậy, không nên so sánh thời này với thời kia. Với thế hệ chúng tôi, vẻ đẹp của sự sáng tạo thẩm mỹ trong một thời gian khó để mừng xuân, đón tết là những kỷ niệm không dễ phai mờ!
Thạch Quỳ