Một "thông điệp" gửi hôm nay

25/10/2012 20:19

(Baonghean) Nói về sự hy sinh, mất mát và lẽ trường tồn của các cô gái TNXP thời chống Mỹ cứu nước, nếu như ở Hà Tĩnh nổi tiếng có 10 cô gái Đồng Lộc, thì ở Nghệ An có 12 cô gái Truông Bồn. Cả hai di tích lịch sử - văn hóa đó, đã và sẽ mãi là đề tài có sức lay động nhiều cây bút thuộc nhiều thể loại, tìm đến đây nhận thức, chiêm nghiệm, sáng tạo,...

Tốt nghiệp khoa Sử Trường ĐHTH Hà Nội, giai đoạn chiến tranh chống Mỹ ác liệt, nhà văn Trần Huy Quang (sinh năm 1943, quê Quỳnh Lưu - Nghệ An) từng là bộ đội pháo binh, có thời gian ông phụ trách TNXP, rồi dạy văn hóa ở Quân khu 4...Thực tế sôi động và cao đẹp đó đã cho nhà văn nhiều vốn sống, hồn vía mỗi khi ông hướng ngòi bút của mình vào đề tài lịch sử, mà cụ thể là những TNXP quê Nghệ-Tĩnh. Cuốn tiểu thuyết Những cô gái Đồng Lộc với lời đề đầu sách "Tôi kính cẩn dâng lên hương hồn những người bạn tôi đã chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất Ngã ba Đồng Lộc", được ghi nhận bằng Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1998. Tới năm 2008, tiểu thuyết này đã in lại tới lần thứ 4. Và như để trả "món nợ" văn chương cho quê Nghệ của mình, năm 2012, Trần Huy Quang cho xuất bản tập truyện ký Thánh ca Truông Bồn.


Trải 43 năm sau sự kiện bom Mỹ bất ngờ ném xuống địa danh Truông Bồn, vào lúc 6 giờ 10 phút, ngày 31/10/1968, giết hại 13 chiến sỹ TNXP đang làm nhiệm vụ thông đường cho xe ra trận, hẳn Trần Huy Quang đã có đủ thời gian ghi chép tỉ mỉ những tư liệu thời dĩ vãng, qua ký ức của người thân những chiến sỹ đã nằm xuống, qua đồng đội của họ còn sống sót, qua cả những đánh giá, cảm nhận một cách công bằng của nhân dân, đất nước.



Nghe kể lại, thì ông đã dành nhiều tháng ngày lặn lội tìm gặp từng gia đình liệt sỹ, từng đồng đội, bạn bè của họ thời trẻ cùng đi vào chiến tranh. Nhờ sự hóa thân vào sử liệu, nên ở cả 13 chân dung liệt sỹ trong Thánh ca Truông Bồn đều như có máu và nước mắt của nhà văn. Đó là Bốn, Văn, Hoài, Nhung, Hiên; là Tâm, Phúc, Đang, Doãn, Vinh, Hoà, Hạp. Họ hồn nhiên nhưng quả quyết bước vào cuộc chiến đấu một mất một còn khi trình độ chưa ai học hết cấp 2, tuổi đời hầu hết 17, 18. Mỗi chân dung là một số phận, không ai giống ai, nhưng họ đã gặp nhau ở chỗ đặt quyền lợi Tổ quốc, quê hương lên trên hết, dẫu có phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân trong trắng của mình! Viết về liệt sỹ Nguyễn Thị Văn, cô gái Đô Lương, Trần Huy Quang có đoạn ngỡ như ghi chép lạnh lùng mà day dứt, xúc động sâu xa: "Ngày ấy, tin Truông Bồn bị máy bay ném bom chết cả tiểu đội con gái loang ra cả tỉnh. Cha Văn cùng cậu Võ đi Truông Bồn hai ngày về nằm thở dài, lắc đầu. Mẹ Văn càng đau đớn, nằm lịm. Mấy hôm sau, chủ tịch xã xuống nhà tuyên bố o Văn thanh niên xung phong bị bom ở Truông Bồn, chết cả tiểu đội. Chỉ thế thôi. Xã thôn cũng không làm lễ truy điệu...".


Khép lại trang cuối Thánh ca Truông Bồn, không hiểu sao có một đoạn văn cứ ám ảnh mãi người đọc: "Cầu mong những người đã qua chiến tranh hay chưa biết đến chiến tranh, dù sống ở đâu, thành thị hay thôn dã, hãy nghĩ về những nhân cách đang nằm lại dưới mảnh đất Truông Bồn này, và cả khắp nơi trên đất nước này, mà sống để cho những người ngã xuống không phải đau lòng!". Đấy, thực chất là lời cầu mong của một thế hệ anh hùng. Bằng cả máu, nước mắt, và sự khiêm tốn của những người dân bình thường nhưng yêu nước, họ đã gửi một "thông điệp" nhắc nhở với hôm nay và mai hậu...


Một tin vui, dẫu biết muộn: Vào ngày 7/2/2012, Hội VHNT TP.Vinh cùng đại diện Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nghệ An, UBND huyện Đô Lương, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh... đã trân trọng tổ chức cho nhà văn Trần Huy Quang làm lễ hóa cuốn sách trước phần mộ các liêt sỹ, tại Khu tưởng niệm Truông Bồn lịch sử!


Kim Hùng

Mới nhất
x
Một "thông điệp" gửi hôm nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO