Một thuyền trưởng mẫu mực
Không chỉ là một thuyền trưởng giỏi, đi đầu trong phong trào chuyển đổi vùng khai thác hải sản, vươn khơi bám biển dài ngày, tham gia bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, mà Nguyễn Hồng Sơn (Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu) còn tích cực tham gia các tổ chức, hoạt động xã hội của thôn, xã...
(Baonghean) - Không chỉ là một thuyền trưởng giỏi, đi đầu trong phong trào chuyển đổi vùng khai thác hải sản, vươn khơi bám biển dài ngày, tham gia bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, mà Nguyễn Hồng Sơn (Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu) còn tích cực tham gia các tổ chức, hoạt động xã hội của thôn, xã...
Trước đây, tổ khai thác hải sản của Nguyễn Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Hội Nghề cá xã Quỳnh Phương, có một chiếc tàu công suất 63 CV, khai thác, đánh bắt chủ yếu ở tuyến gần bờ, bằng phương pháp truyền thống nên hiệu quả đem lại không cao, ảnh hưởng đến môi trường biển. Năm 2009, bằng nguồn vốn tự có và vốn góp của các thuyền viên, anh đầu tư đóng mới một tàu cá công suất 105 CV, trị giá trên 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động. Cả tổ khai thác đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên. Sau khi đóng mới tàu, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tàu của anh chuyển sang làm 2 loại nghề khai thác: Rê tầng đáy và lưới sam (lưới cá đuối), thường xuyên đánh bắt hải sản ở ngư trường xa bờ; một tháng khai thác được 2 chuyến, một chuyến hoạt động từ 10 - 18 ngày; sản lượng đánh bắt mỗi tháng từ 6 - 8 tấn, chủ yếu là hàng xuất khẩu (như: cá đuối, cá lượng vìu, cá mú…), giá trị kinh tế đạt từ 130 - 160 triệu đồng/tháng, bình quân thu nhập một người trên tàu từ 5 - 8 triệu đồng/tháng và đạt từ 50 - 65 triệu đồng/người/năm (đã từ chi phí).
Ông Nguyễn Hồng Sơn tại bến cá Quỳnh Phương.
Từ kinh nghiệm của mình, anh thường chia sẻ và truyền đạt lại cho hội viên, ngư dân cùng học tập và làm theo; đồng thời vận động hội viên, ngư dân tích cực hưởng ứng phong trào sửa chữa, đóng mới, mua sắm tàu thuyền có công suất lớn để vươn khơi bám biển, khai thác hải sản đạt hiệu quả cao hơn. Hiện nay toàn xã Quỳnh Phương có 591 tàu thuyền (trong đó trên 181 tàu thuyền có công suất trên 90 CV), là một trong những xã có số lượng tàu thuyền lớn nhất huyện. Hoạt động khai thác hải sản ở nhiều ngư trường, đánh bắt vươn khơi, tạo việc làm thường xuyên cho trên 3.000 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 4 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Là một thuyền trưởng kiêm Phó Chủ tịch Hội Nghề cá, Tiểu đội trưởng tiểu đội dân quân biển, anh đã tích cực vận động ngư dân treo cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ trên các tàu thuyền, bảo vệ môi trường biển, tham gia hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, giữ gìn an ninh trật tự, nắm bắt tình hình an ninh ở biển khơi, kịp thời báo cáo về cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Anh thường xuyên vận động các tàu thuyền tham gia lễ cầu Ngư, Lễ hội Đền Cờn, các giải đua thuyền truyền thống hàng năm do xã tổ chức, góp phần nêu cao tinh thần đoàn kết giữa các ngư dân. Anh và tổ khai thác của mình còn tích cực tham gia công tác từ thiện, nhân đạo, ủng hộ người nghèo hoặc khi có tàu, thuyền bị nạn trên biển mỗi năm trên 1,7 triệu đồng.
Ngoài ra, từ nguồn vốn do tổ khai thác tiết kiệm được sau mỗi chuyến đi biển, anh đã tạo điều kiện cho các thuyền viên có hoàn cảnh khó khăn vay hàng chục triệu đồng đầu tư phát triển kinh tế, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên khác trong gia đình để các thuyền viên yên tâm vươn khơi, bám biển.
Đăng Tài (Hội Nông dân huyện Quỳnh Lưu)