Một tuyệt đối... buồn!

13/11/2014 17:14

(Baonghean) - Nhớ hồi còn học phổ thông, khi giảng về nhân vật điển hình và hoàn cảnh điển hình, thấy giáo dạy văn có nói, nhân vật điển hình phải tiêu biểu, mang đầy đủ tính cách, đặc trưng đại diện cho một tầng lớp mà nhân vật được đặt vào đó và nhân vật đó phải nằm trong hoàn cảnh điển hình vừa cụ thể vừa có tính khái quát cao để bộc lộ đầy đủ, rõ nét bản tính cá nhân và của cả một giai tầng trong xã hội. Chưa rõ những nhân vật trong cuộc khảo sát sau đây của một thầy giáo tỉnh lẻ có là “điển hình” cho một thế hệ học trò hay không và đây có phải là “kết quả điển hình” của lối giáo dục hiện tại hay không, nhưng đã để lại trong lòng người nhiều xúc cảm buồn, lo...

TIN LIÊN QUAN

Đó là chuyện một thầy giáo dạy Toán ở Trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tự mình làm một cuộc điều tra, khảo sát nhỏ mang hơi hướng xã hội học, thông qua 45 học sinh cùng học trong lớp chọn của trường. Kết quả là:

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

1. Có 45/45 em đi học bằng xe đạp. Trong đó: Có 3 em phân biệt được líp và đĩa, có 10 em phân biệt được săm và lốp. Và không có em nào biết sửa xe.

2. Có 41/45 em, thường đi qua sông suối. Trong đó, chỉ có 4 em biết bơi, kiểu bơi "chó ngoi nác lụt" (chó ngoi nước lụt). Số còn lại, chỉ biết lặn, kiểu lặn "xuống nước, ba ngày sau mới nổi".

3. Có 45/45 em thường xuyên ăn cơm. Trong đó chỉ có 15 em biết nấu cơm, nhưng trong 15 em biết nấu thì chỉ có 5 em thường xuyên nấu cơm cho gia đình. Có 17/45 em thỉnh thoảng có rửa bát.

4. Có 45/45 em nhớ sinh nhật của 3 người bạn thân trở lên. Trong đó, chỉ có 4 em là nhớ ngày sinh của bố mẹ mình.

5. Có 45/45 em đọc sách. Trong đó, đại bộ phận là sách giáo khoa, có 5 em có đọc sách truyện lại bị bố mẹ cấm đoán, phải đọc lén. Có 2 em đã đăng ký mượn sách thường xuyên tại tủ sách miễn phí của thầy, nhưng sau khi bị bố mẹ phát hiện, lại xin thôi.

6. Có 45/45 em thường xuyên đi học thêm. Có 45/45 em có khả năng vào đại học và 45/45 em mong muốn trở thành cán bộ nhà nước.

Từ kết quả khảo sát trên, có thể đưa ra những nhận định, hơi võ đoán một chút, nhưng không phải là không có căn cứ, cơ sở từ thực tế. Ở kết quả (1) cho thấy sự thờ ơ, không có sự khát khao tìm hiểu, khám phá chung quanh. Bởi đến ngay vật dụng thân thiết hằng ngày bên mình là chiếc xe đạp mà cũng rất ít học sinh để tâm tìm hiểu, tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về nó. Điều đó cho thấy tính thụ động rất cao. Kết quả (2) là thiếu kiến thức, kỹ năng sống và khả năng tự bảo vệ mình trước những biến cố của cuộc sống rất kém. Thiếu trách nhiệm với tính mạng bản thân. Kết quả (3) cho thấy sự vô cảm hơi nhiều. Số em chỉ biết hưởng thụ và thiếu trách nhiệm, thiếu sự quan tâm đến những người chung quanh, cho dù, đó là bố, mẹ mình chiếm tỷ lệ hơi cao.

Kết quả (4) là hệ quả của lối suy nghĩ hướng ngoại, thích bề nổi và sự hào nhoáng ở bên ngoài mà thiếu chiều sâu. Lối sống thiên về hình thức. Không có thực chất. Biết ngày sinh của bạn bè mà không biết ngày sinh của những người đã “mang nặng, đẻ đau” ra mình. Kết quả (5) là văn hóa đọc của học trò nói riêng và của người Việt ngày nay nói chung đã xuống rất thấp. Kết quả (6) thì có rất nhiều điều để nói. Trước hết, có thể thấy, dù đã qua không ít lần đổi mới, tốn kém không biết bao nhiêu tiền của, thời gian, sức lực cùng cả những sự nhiễu loạn học sinh phải gánh chịu khi cứ phải liên tục làm “chuột bạch” cho bao thí nghiệm của ngành Giáo dục. Rốt cục, mục đích đi học của các em cũng chẳng khác gì tổ tiên mấy trăm năm trước là học “để làm quan”.

Nay thì học để làm cán bộ nhà nước. Nghĩa là đi học, cố công, cố sức học để kiếm cái sổ lương chứ không nhằm để thực hiện những ước mơ, hoài bão gì cao cả. Không nhằm tạo ra những phát minh, phát kiến có thể “thay đổi cả thế giới” như lớp trẻ trước đây mấy chục năm thường mơ mộng. Cho dù đó là mơ ước hơi quá sức và hơi hão huyền, nhưng đúng với nhiệt huyết và tính chất của tuổi trẻ. Mới thấy, lớp trẻ bây giờ toan tính và thực dụng hơn nhiều. Và nếu cứ thế thì trong tương lai, đất nước khó mà “sánh vai các cường quốc năm châu” vì thiếu động lực, thiếu những ươc mơ, hoài bão lớn lao tạo nên bước phát triển có tính chất nhảy vọt.

Nhưng không thể trách các em được. Bởi ngày ngày, tháng tháng nhìn ra chung quanh các em thấy có một thực tế là ai có sổ lương thì có cuộc sống ổn định, nhàn nhã hơn người khác. Cán bộ có tí chức quyền thì lại càng sướng. Ăn trắng, mặc trơn chẳng phải lao tâm, khổ trí gì nhiều mà vẫn nhà cao cửa rộng, “áo mũ xênh xang” được nhiều người trọng vọng, thậm chí là quỵ lụy, cầu cạnh, nhờ vả. Sướng thế, ai mà không ham, không thích, không phấn đấu mà tranh giành, mà đoạt lấy. Còn nhìn rộng ra, có không ít người cố công, tự bỏ của, bỏ sức ra thực hiện những công việc nhằm có chút gì đó để đời cho thỏa mãn ước mơ thuở thiếu thời và vang danh với thiên hạ như là nông dân, thợ cơ khí chế tạo máy bay, doanh nhân chế tạo tàu ngầm...

Rốt cục, ngoài dân thường vỗ tay động viên, cổ vũ nhau, có ai được các cơ quan có thẩm quyền khuyến khích, trợ giúp rồi vinh danh đâu?! Đến cái ông nông dân ở Tây Ninh, đã từng chế tạo máy bay ở trong nước nay sửa chữa và chế tạo thành công xe bọc thép ở nước ngoài, rồi được Hoàng gia nước người trao tặng huân chương, tước hiệu chứ trong nước thì chẳng được tính đếm đến... Nhìn vào đó, ai cũng phải suy nghĩ, cũng phải tính toán cho đường đi, nước bước của đời mình chứ. Thế là, như nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”. Hàng lô xích xông cử nhân, thạc sỹ rồi cả tiến sỹ bằng cấp đầy mình mà không có việc làm để nuôi sống bản thân, suy cho cùng cũng là hệ quả tất yếu của lối học hành cử tử. Chăm chút mấy con chữ để hưởng “tiền dân, lộc nước” hơn là làm được việc gì đó ích nước, lợi dân và đem lại vinh quang lẫn tiền bạc cho bản thân. Từ đây, có thể thấy “nền giáo dục của ta đang lạc lối rất xa rồi”, như kết luận của tác giả cuộc khảo sát này.

Cả 45/45 em mong muốn trở thành cán bộ nhà nước mà không muốn trở thành bất cứ ai khác, nghĩa là chiếm tỷ lệ 100%, là tuyệt đối. Một tuyệt đối... buồn!

Bụt Sơn

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Một tuyệt đối... buồn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO