'Mưa dầm thấm lâu' - bí quyết của cán bộ làm công tác dân số

Mỹ Hà 22/03/2020 19:15

(Baonghean) - Từng gặp nhiều cán bộ làm dân số mới thấy, làm công tác dân số không dễ chút nào. Không phải gặp 1 lúc, nói 1 lần là được mà cần nhất là phải kiên trì, vận động, kiểu "mưa dầm thấm lâu".

Đa dạng hình thức

Do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên trong thời điểm này, nhiều hoạt động của ngành Dân số đã bị hoãn và lùi lại. Đặc biệt, tháng 3 thường là cao điểm của chiến dịch truyền thông về dân số và sức khỏe sinh sản, nhưng hiện tại các hoạt động đều bị chững lại. Trong bối cảnh đó, để duy trì và ổn định các hoạt động dân số thì công tác truyền thông, vận động càng được chú trọng.

Tư vấn về chính sách dân số cho người dân xã Tân Hương - Tân Kỳ. Ảnh: Mỹ Hà
Tư vấn về chính sách dân số cho người dân xã Tân Hương (Tân Kỳ). Ảnh: Mỹ Hà

Về xã Hương Sơn (Tân Kỳ), theo chân anh Đậu Văn Định - cộng tác viên dân số kiêm y tế thôn bản làm công tác vận động, mới thấy công việc không dễ dàng. Do đặc thù của xã Hương Sơn dân số khá đông, trong đó có cả các hộ dân là người dân tộc thiểu số nên lâu nay nhận thức của bà con trong vùng còn có nhiều hạn chế, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao.

Đến nhà chị Cao Thị Công ở xóm Phú Công, là một hộ gia đình trẻ, có 2 con trai và kinh tế khá ổn định, anh Định cùng với các anh, chị cộng tác viên đã dành hơn 30 phút để tìm hiểu và lắng nghe nguyện vọng của gia đình.

Xác định những trường hợp này thường có nguy cơ sinh thêm con vì gia đình có điều kiện, đội ngũ cộng tác viên cũng đã nói chuyện với nhiều nội dung về việc thực hiện chính sách dân số, hướng dẫn sử dụng các biện pháp tránh thai.

Anh Đậu Văn Định chia sẻ: “Muốn tuyên truyền hiệu quả, chúng tôi phải căn cứ vào từng đối tượng và từng hoàn cảnh khác nhau. Hình thức tuyên truyền phải phong phú và kết hợp với nhiều đoàn thể để tập hợp và thu hút được nhiều đối tượng tham gia. Làm dân số cần nhất là phải kiên trì, kiểu "mưa dầm thấm lâu".

Tư vấn dân số tại gia  đình ở huyện Đô Lương. Ảnh: Mỹ Hà
Tư vấn dân số tại gia đình ở huyện Đô Lương. Ảnh: Mỹ Hà

Trên toàn tỉnh, dù có nhiều khó khăn, nhưng hiện nay hoạt động truyền thông dân số vẫn được triển khai khá sôi nổi, thông qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó có việc sử dụng mạng xã hội.

Hiện qua thống kê, ngoài trang chính thức của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh thì 21 huyện, thành, thị đều sử dụng trang mạng xã hội của đơn vị để đăng tải các thông tin, hoạt động của ngành. Song song với đó, hơn 400 xã, thị trấn cũng có các trang mạng nhằm thu hút người dân vào theo dõi những tin tức cập nhật.

Như tại phường Hòa Hiếu (thị xã Thái Hòa), tuy không triển khai được chiến dịch như những năm trước nhưng ban dân số phường vẫn phối hợp với trạm y tế, cộng tác viên cơ sở phát miễn phí thuốc tránh thai, tiếp thị bao cao su loại mới... Tất cả các thông tin này cũng được chia sẻ lên trang facebook “Dân số Hòa Hiếu” nên dù không tổ chức rầm rộ nhưng người dân vẫn tham gia, hưởng ứng nhiệt tình.

Bà Hồ Thị Thanh - Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ thị xã Thái Hòa cho biết: “Những năm qua, để thực hiện tốt các mục tiêu dân số đã đề ra chúng tôi luôn xem công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Phối hợp tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh địa phương, phối hợp với các ban, ngành để phổ biến, tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách dân số hay phối hợp với các trường THCS, THPT lồng ghép hoạt động tư vấn cho học sinh tại các buổi học ngoại khóa giúp các em hiểu rõ hơn về những vấn đề tâm, sinh lý, tình bạn, tình yêu tuổi vị thành niên, thanh niên.

Nhờ được tuyên truyền, vận động nên công tác Dân số - KHHGĐ trên địa bàn thị xã đã có nhiều chuyển biến tích cực, người dân ngày càng nhận thức đầy đủ và được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS ngày càng nhiều hơn”.


Bà Hồ Thị Thanh - Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ thị xã Thái Hòa

Đổi mới và nâng cao chất lượng truyền thông

Thời gian qua, công tác truyền thông về dân số trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số.

Truyền thông còn được xác định là một giải pháp cơ bản để thực hiện mục tiêu giảm sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và góp phần vào việc nâng cao chất lượng dân số thông qua các hình thức như truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông vận động, tư vấn, nói chuyện chuyên đề về công tác dân số, sức khỏe, sức khỏe sinh sản cho cộng đồng với mỗi năm có từ 400 - 500 cuộc được triển khai ở cơ sở, trong đó chú trọng đến các đối tượng khó tiếp cận, vùng đông dân, đặc thù có mức sinh cao.

CTV dân số xã Lục Dạ (Con Cuông) vận động các gia đình thực hiện việc không sinh con thứ 3. Ảnh: Công Kiên
CTV dân số xã Lục Dạ (Con Cuông) vận động các gia đình thực hiện việc không sinh con thứ 3. Ảnh: Công Kiên

Ngoài ra, nhờ thông qua chương trình ký kết phối hợp giữa ngành Dân số và 20 sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, công tác truyền thông được mở rộng và triển khai đa dạng với nhiều đối tượng tham gia. Từ đó đã thành lập được hàng nghìn CLB "Gia đình không sinh con thứ 3", CLB "Nam nông dân với công tác dân số", CLB "5 không, 3 sạch", CLB "Bà nội, bà ngoại".

Đánh giá về công tác truyền thông, Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, việc đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động là hết sức cần thiết, đặc biệt, khi hiện nay Nghệ An vẫn đang song song thực hiện 2 nhiệm vụ là Dân số - KHHGĐ và Dân số và Phát triển.

Đây cũng là nội dung chính của dự thảo Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng truyền thông về dân số trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025”. Trong đó, mục tiêu chính là nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của toàn xã hội trong việc giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội.

Tư vấn, cấp phát thuốc cho vùng có mức sinh cao ở xã Phúc Thành - Yên Thành. Ảnh: PV
Tư vấn, cấp phát thuốc cho vùng có mức sinh cao ở xã Phúc Thành (Yên Thành). Ảnh: PV

Đồng thời, tiếp tục giảm mức sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên để tiến tới đạt mức sinh thay thế; từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân cư hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An.

Hiện dự thảo đã được chấp thuận về chủ trương và đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng với 6 giải pháp mà ngành đã đưa ra, hy vọng sẽ tạo cơ sở để việc truyền thông dân số ở các địa phương hiệu quả và thiết thực hơn. Đồng thời, tạo tiền đề để mở rộng đối tượng, đổi mới phương pháp truyền thông theo hướng phù hợp đối tượng tiếp cận, cập nhật xu hướng truyền thông mới và nâng cao hiệu quả của các chương trình.

“Việc thực hiện công tác dân số không chỉ triển khai trong ngày một, ngày hai mà phải kiên trì “mưa dầm thấm lâu” và phải đa dạng mới thu hút được đông đảo người dân tham gia. Riêng tại Nghệ An, nhờ linh hoạt trong quá trình triển khai nên những năm qua công tác dân số đã nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của nhiều đối tượng trong xã hội và xây dựng được nhiều mô hình hay, nhiều điển hình tiên tiến”.

Ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh

Mới nhất

x
'Mưa dầm thấm lâu' - bí quyết của cán bộ làm công tác dân số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO