Mùa đào chín ở "cổng trời" miền Tây Nghệ
(Baonghean.vn) - Ngoài hoa chơi tết, thì quả đào cũng là một đặc sản của cộng đồng người Mông xứ Nghệ. Khi mùa hè đến cũng là lúc đào chín. Thứ trái cây có vị chua - ngọt này là một thức quà khó quên khi đến với Kỳ Sơn.
Các xã Mường Lống, Huồi Tụ, Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn) là những nơi còn giữ được cây đào đá. Mùa hè, những trái đào bắt đầu chín. Mùa đào sẽ kéo dài khoảng 2 tháng kể từ tháng 4. |
Gần đây, diện tích đào đá giảm sút và ở xã Mường Lống, nơi nhiều đào nhất huyện Kỳ Sơn cũng chỉ còn khoảng 15 ha. Sự săn lùng của những người buôn đào tết là nguyên nhân khiến đào Kỳ Sơn ngày càng khan hiếm. Dẫu vậy, những hộ dân người Mông nơi đây vẫn giữ lại những cây đào để thu hoạch quả. "Mình không bán hết đào vì muốn có quả cho con ăn" - Một người dân ở bản Mường Lống 1 - xã Mường Lống chia sẻ. |
Cũng chính nhờ sự "gìn giữ" đó mà khi đến Mường Lống vào dịp này, người ta vẫn bắt gặp những cành đào lúc lỉu trái. |
Có 2 giống đào được trồng ở Kỳ Sơn mà chúng ta chỉ có thể phân biệt được vào mùa quả chín. Trong ảnh là đào có nguồn gốc từ các tỉnh phía bắc. Trên vỏ quả phủ một lớp lông mịn. |
Một giống đào khác có vỏ quả trơn bóng có nguồn gốc từ Australia. |
Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn ưa trồng đào lông có gốc từ miền Bắc Việt Nam hơn. "Quả đào lông ngọt và mọng nước hơn đào trơn" - Chị Y Pà ở bản Mường Lống 1 xã Mường Lống cho hay. |
Đào cũng là món ăn khoái khẩu của trẻ em người Mông sau giờ học. |
Cũng chính vì sự giảm sút diện tích nên đào cũng không còn nhiều ở những hàng bán hoa quả của phụ nữ người Mông bên cổng trời Mường Lống. |
Khu vực huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Google Map |