Trăm năm mái cổ sa mu
Ở những bản làng quanh năm mây phủ của huyện vùng cao Kỳ Sơn, những mái nhà lợp gỗ sa mu phủ rêu xanh vẫn âm thầm ôm lấy bản làng như những khúc ca trầm mặc.

Thanh Phúc - Khánh Ly • 27/05/2025


Từ những cung đường đèo dốc uốn lượn của đại ngàn, giữa lưng chừng trời, lưng chừng đất, bản Buộc Mú 2, xã Na Ngoi hiện lên với những mái nhà lợp gỗ sa mu thấp thoáng trong nắng mai như lưu giữ nguyên vẹn hồn vía của đại ngàn.
Ghé thăm nhà của ông Già Xái Phia (60 tuổi), một người uy tín ở bản, có 3 thế hệ sinh sống trong ngôi nhà lợp mái sa mu nâu bóng.

.jpg)


Ngôi nhà của ông Phia, có tuổi đời non nửa thể kỷ, những tấm gỗ sa mu lợp mái đã phủ đầy rêu xanh như chứng tích của thời gian. Nếp nhà ấy do vợ chồng ông tay trắng dựng nên, đã chứng kiến những đứa con của ông bà ra đời, đã trải qua bao lần làm vía, làm lễ cầu mùa, lễ cúng lúa mới…
Rồi các con ông lớn lên, dựng vợ, gả chồng nhưng vẫn cùng chung sống dưới nếp nhà ấy, những đứa cháu của ông ra đời, nối tiếp bao thế hệ…
Mái nhà này, không chỉ là chứng nhân của từng kiếp người, mà còn là sợi chỉ đỏ nối liền các thế hệ gia đình.
“Nay kinh tế khá rồi, có thể làm được nhà to hơn, có thể thay thế mái sa mu bằng mái tôn lạnh… Nhưng tôi vẫn khuyên các con giữ lấy nếp nhà, giữ lấy mái ngói sa mu. Nếu không có mái ngói sa mu thì bản Mông cũng chẳng còn là bản Mông nữa”, ông Phia nói.

Đi sâu vào bản làng phía trong xã Na Ngoi, chúng tôi cũng bắt gặp những mái nhà cổ kính lợp bằng gỗ sa mu của người Mông ở lưng chừng núi.
Anh Xồng Bá Rê ở bản Buộc Mú - chủ hộ, sở hữu căn nhà có kiến trúc cổ xưa của người Mông (nhà trệt, mái thấp, 2 cửa, trong đó có 1 cửa chính và 1 cửa phụ) có tuổi đời hơn 1 thế kỷ chia sẻ: “Sa mu là loại gỗ quý hiếm, trong thân gỗ có dầu có khả năng chịu nước, chống mối mọt, vì thế, từ xa xưa người Mông đã dùng ván sa mu để lợp mái nhà.
Đây là loại gỗ dầu, thơm, càng phơi mưa nắng thì càng bền và càng thêm cổ kính. Đặc biệt, nhà lợp bằng gỗ sa mu kín gió, ấm áp vào mùa Đông, mát mẻ vào mùa Hè và không bị ẩm mốc”.


Chỉ tay lên mái sa mu nâu bóng của nhà mình, anh Rê tiếp lời: Nhà của cha mẹ tôi, lợp bằng gỗ sa mu từ hơn 100 năm trước, đến nay, mái gỗ sa mu gần như còn nguyên vẹn.
Trong nhà, từ lò bếp bằng đất nung, chiếc chạn gỗ đựng bát đũa, xoong nồi hay tủ đựng đồ làm từ gỗ sa mu có tuổi đời hơn nửa thế kỷ vẫn còn nguyên vẹn.

Việc dựng một căn nhà là sự kiện trọng đại trong đời mỗi gia đình người Mông. Quá trình ấy đòi hỏi công phu, tỉ mỉ và cả tâm linh. Trước đây, khi chưa cấm rừng, chủ nhà phải tìm đến những khu rừng già, nơi những cây sa mu cổ thụ sừng sững giữa tầng mây.
Sau nghi lễ cúng thần rừng xin phép, những thân cây to khỏe được chọn lựa cẩn thận, đốn hạ theo cách truyền thống, tránh làm đau thương quá mức "linh hồn cây".


Thân cây sa mu được cưa xẻ hoàn toàn bằng tay: từng tấm ván dày 4–5cm, rộng khoảng 30-40 cm, dài tới 3-4m. Người Mông dùng dao rựa, rùa gỗ, rìu... những công cụ thô sơ nhưng chính xác.
Mỗi tấm ván sau đó được vát mép, mài phẳng, đánh dấu kỹ lưỡng để xếp lợp.
Khi lợp mái, người thợ đặt các tấm ván chồng khít như vảy cá, mái ngói, tạo nên hệ thống chống nước tự nhiên hoàn hảo. Khung nhà cũng được dựng bằng gỗ lớn, gắn kết bằng mộng gỗ và dây mây rừng, gần như không dùng đến đinh sắt.
Mỗi ngôi nhà như một tác phẩm nghệ thuật sống, lưu giữ bí quyết kỹ thuật, sự nhẫn nại và tâm hồn của người thợ qua từng đường dao, nét chạm.

Xã Tây Sơn là địa phương còn gìn giữ được nhiều nếp nhà cổ truyền thống của đồng bào Mông ở huyện Kỳ Sơn. Với cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây, việc bảo tồn nhà mái sa mu không chỉ là để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là một hướng đi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Lên xã Tây Sơn mùa này, hẳn mỗi người đều không tránh khỏi cảm giác xao xuyến trước khung cảnh bình yên, đầy cuốn hút của những mái nhà sa mu truyền thống ẩn mình dưới những cây đào, cây mận, cây mắc cọp trĩu quả.

Bản Huồi Giảng 1, là một trong số những bản làng ở xã Tây Sơn còn bảo tồn được quần thể nhà mái sa mu cổ kính. Có những ngôi nhà tuổi đời tính bằng thế kỷ.
Theo chân cán bộ xã Tây Sơn, chúng tôi tìm đến nhà cụ Lầu Y Ia (96 tuổi) ở bản Huồi Giảng 1.
Trong căn nhà nhuốm màu thời gian, mái sa mu đã phủ kín rêu phong, nhiều tấm đã bị bào mòn bởi mưa nắng, có tấm bị nứt, nhiều kẽ hở lộ ra, để nắng đầu Hè chiếu xiên vào. 96 tuổi nhưng cụ Ia còn minh mẫn, dù không biết tiếng Kinh nhưng cụ rất niềm nở, thân thiện chào hỏi khách đến nhà bằng tiếng Mông.

Qua phiên dịch của cán bộ xã Tây Sơn, cụ Lầu Y Ia cho biết: “Ngôi nhà này được dựng từ đời cha, đời ông. Ta về làm dâu khi 17 tuổi là đã sống dưới mái nhà lợp gỗ sa mu này.
Tuổi ngôi nhà phải hơn tuổi ta vài chục năm có lẻ. Đến giờ mái sa mu của ngôi nhà dường như vẫn còn nguyên vẹn, chỉ phải thay một vài tấm bị mòn, hỏng"…

Những mái nhà lợp bằng gỗ sa mu thâm nâu nhuốm màu nắng gió ấy, chúng tôi đã bắt gặp trên những nẻo đường tác nghiệp nơi các bản, làng biên cương xứ Nghệ.
Từ Tây Sơn qua Na Ngoi, Huồi Tụ, Mường Lống… ẩn hiện dưới núi non trùng điệp đậm vẻ nguyên sơ. Những mái nhà ấy, được lợp nên khi cha ông chọn đất lập bản, dựng mường. Ngôi nhà ấy không chỉ đơn thuần những mái gỗ che mưa, che nắng mà còn là bản sắc, là cội nguồn, là truyền thống của cả một cộng đồng.

Dẫu bền bỉ là vậy, nhưng những mái nhà lợp gỗ sa mu cổ kính giờ đây đang dần vắng bóng. Một phần vì thời gian đã in dấu quá sâu, nhiều mái gỗ nứt nẻ, mục ruỗng không thể chống chọi thêm.
Phần khác, do việc khai thác gỗ sa mu trong rừng nguyên sinh đã bị cấm nghiêm ngặt, người Mông ở xã Tây Sơn chấp hành nghiêm chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, không còn chặt sa mu lấy gỗ làm nhà nữa, mà đều chung tay trồng, giữ rừng.
-25689ffcb823272d6fedc2dc9643fa9a.jpg)
Cuộc sống hiện đại cũng đã len lỏi vào từng nếp nhà, thôn, bản. Tấm tôn lạnh, mái ngói nung, mái nhựa lợp kín, tiện lợi, giá thành thấp dần thay thế cho những tấm gỗ sa mu.
Dạo quanh bản làng ở huyện Kỳ Sơn dễ thấy không ít mái nhà nay đã lẫn sắc xanh, đỏ của tôn mới xen lẫn màu thâm nâu của mái sa mu cổ. Trong căn nhà đã có hơn nửa thế kỷ tuổi, anh Vừ Bá Phử ở bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn chỉ tay lên mái nhà kể: “Nhiều tấm gỗ cũ quá, nứt dột hết. Không có sa mu thay thế, nên gia đình phải dùng tấm nhựa trong lót dưới lớp mái cũ để tránh nước mưa”.
.jpg)

Để giữ lấy nét kiến trúc độc đáo này, nhiều hộ dân như ông Già Xái Phia ở bản Buộc Mú 2, xã Na Ngoi đã cẩn thận dự trữ từng tấm ván sa mu còn sót lại, phòng khi sửa chữa; anh Xồng Nhìa Dì ở bản Buộc Mú, xã Na Ngoi lại lặn lội khắp bản tìm xin từng tấm ván cũ về thay thế…
Để bảo tồn món quà quý mà cha ông đã để lại cho đời sau, một số hộ như ông Vừ Lầu Phổng ở bản Huồi Giảng 1 mua những tấm lợp nhựa trong suốt để luồn vào dưới tấm lợp sa mu, vừa giúp tránh mưa dột, vừa giữ được nét cổ kính của ngôi nhà.
Một số nhà hồi trước thưng đơn sơ, cột chôn dưới đất, nhưng giờ đã thành nhà kê, chỉ có mái lợp sa mu vẫn giữ nguyên như hàng trăm năm qua… Đó là sự cố gắng nhỏ nhưng thấm đẫm niềm tự hào, trân quý di sản của cha ông.

Không chỉ dừng ở việc bảo tồn hiện vật, nhiều gia đình người Mông ở huyện Kỳ Sơn còn chủ động trồng mới những cánh rừng sa mu. Đó là các ông Già Xái Phia, Già Tồng Thù (xã Na Ngoi), ông Vừ Chả Chống (xã Huồi Tụ)… cần mẫn, lặng lẽ gây dựng những cánh rừng sa mu.
Đối với họ mỗi cây sa mu được trồng xuống không chỉ góp phần giữ rừng, bảo vệ môi trường, mà còn là món quà cho thế hệ mai sau - nguồn nguyên liệu quý báu để lợp nhà, gìn giữ kiến trúc truyền thống.

Theo thống kê, toàn huyện Kỳ Sơn chỉ còn chưa đầy 100 ngôi nhà ở 23 bản của 6 xã đang lưu giữ được những ngôi nhà làm từ gỗ sa mu, một số nhà có tuổi gần 300 năm.
Trong đó, nhiều ngôi nhà cổ tập trung ở xã Tây Sơn. Ông Vừ Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn cho biết, ở xã Tây Sơn, còn khoảng 85% nhà truyền thống của người Mông. Trong đó, chỉ có khoảng 20 ngôi nhà lợp mái gỗ sa mu còn giữ được nguyên vẹn. Thời gian qua, địa phương rất quan tâm khuyến khích người dân gìn giữ những nếp nhà cổ, vừa phục vụ cho hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, cũng vừa là gìn giữ nét bản sắc văn hóa riêng của đồng bào Mông.
"Chúng tôi vận dụng các chính sách, cơ chế hỗ trợ thuộc Dự án “Nâng cao kiến thức và năng lực về thích ứng với thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An”, do Hội Nông dân huyện chủ trì để gắn biển cho 25 nhà thuộc các bản Huồi Giảng 1, 2, 3, xã Tây Sơn, nhằm phát huy trách nhiệm gia đình trong bảo tồn nhà cổ hay vận dụng nguồn từ chương trình sửa chữa nhà cho người nghèo để hỗ trợ lót vách nhựa dưới mái sa mu chống thấm dột", ông Vừ Bá Rê nói.




Hiểu được giá trị to lớn của mái nhà sa mu, huyện Kỳ Sơn đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo tồn nét kiến trúc độc đáo này. Những ngôi nhà còn sót lại được đánh số, lập danh mục kiểm kê để đề xuất phương án bảo tồn với các cơ quan chuyên môn.
Ông Nguyễn Viết Hùng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho hay, những mái nhà sa mu còn nguyên vẹn không chỉ là báu vật văn hóa mà còn là "tài nguyên du lịch" độc đáo của huyện Kỳ Sơn. Đối với du khách, việc được tận mắt chiêm ngưỡng, được chạm tay vào những tấm ván đã thấm đẫm bao mùa mưa nắng, gió sương là một trải nghiệm hiếm có. Bên cạnh đó, kiến trúc nhà sa mu với sự thích ứng tuyệt vời với khí hậu miền núi trở thành bài học sống động về sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên.
Ông Nguyễn Viết Hùng cũng nhấn mạnh: "Nếu được bảo tồn và khai thác hợp lý, những bản làng còn giữ mái nhà sa mu có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa, giúp người dân vừa giữ gìn bản sắc, vừa phát triển kinh tế bền vững. Chúng tôi đang kiến nghị lên các sở, ngành để có giải pháp hỗ trợ, phục dựng những mái nhà cổ lợp gỗ sa mu. Nếu làm tốt, đây sẽ là tài sản vô giá phục vụ phát triển du lịch cộng đồng”.

Có thể nói, trong vòng xoáy của thời gian và đổi thay, người Mông ở huyện Kỳ Sơn đang kiên trì níu giữ lấy mái nhà cổ như níu giữ ký ức, níu giữ hồn vía của bản làng.

