Mùa mật "đắng"
(Baonghean) - Hơn 10 năm trở lại đây, chưa khi nào giá mật mía rớt thảm hại như thời điểm này. Người trồng mía tại xã Nghĩa Trung (Nghĩa Đàn) đang loay hoay với bài toán, nên hay không trồng mía trong vụ sắp tới.
Đến xã Nghĩa Trung (Nghĩa Đàn), người trồng mía than thở, hàng trăm thùng phi mật mía đang nằm trong nhà không biết bán cho ai. Giá mật mía rớt mạnh khiến những hộ trồng mía nơi đây “mất ăn, mất ngủ”. Dẫn chúng tôi ra dãy nhà kho phía trước sân, anh Nguyễn Văn Dũng, xóm 16, buồn bã cho biết: Hơn 15 thùng phi chứa đầy mật mía gần 1 năm trời vẫn nằm đó không bán được. Đầu vụ, giá một thùng phi 200 lít lên tới 3 -3,5 triệu đồng/thùng, đến nay chỉ còn khoảng 1,4 -1,6 triệu đồng/ thùng. Giá thấp, nhưng nhiều nhà muốn bán cũng không có người mua nên đành để trong nhà kho. Mấy tháng nay, gia đình tôi như ngồi trên đống lửa vì nguồn thu nhập chính dựa vào mật mía, nhưng mật không tiêu thụ được.
Đã hơn 30 năm nay, với 1,3 ha mía, gia đình anh Dũng trồng để ép mật, mong muốn lấy công làm lãi chứ không dám bán cho nhà máy đường. Với diện tích trên, sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình anh ép được khoảng 15 thùng phi. Anh Dũng cho biết: Đầu vụ ép, mỗi thùng phi được thương lái mua từ 3 -3,5 triệu đồng/thùng (tùy loại), nay giá rớt thảm chỉ còn khoảng 1,4 - 1,6 triệu đồng/thùng. Nếu tính tất cả các chi phí từ giống, phân bón, công lao động thì lỗ to. Biết lỗ nhưng gia đình rất muốn bán vì chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến vụ ép mới. Nếu cứ để mãi thì mật mía càng khó bán...
15 thùng phi mật mía của anh Nguyễn Văn Dũng chưa tiêu thụ được. |
Tại xã Nghĩa Trung còn hàng trăm hộ khác cũng đang lâm vào hoàn cảnh tương tự. Gia đình ông Nguyễn Văn Chính, xóm 16 hiện vẫn còn 20 thùng phi mật mía để từ đầu vụ đến nay không có khách mua. Ông Chính cho biết: Cách đây ít tháng, thương lái có vào trả một thùng giá 1,8 triệu đồng, nhưng tôi không bán vì nghĩ đến cuối vụ ép chắc giá sẽ cao hơn, nào ngờ càng ngày giá càng xuống. Bây giờ gia đình rất mong bán được mật dù bị lỗ. Bởi chỉ còn 1 tháng nữa sẽ thu hoạch vụ mía mới, nếu bây giờ không bán thì sau này sẽ rất khó bán.
Không phải những gia đình trồng mía ở đây không muốn bán mía cho nhà máy đường mà do đặc thù đất canh tác nên không còn cách nào khác. Lý giải về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Thành, Xóm trưởng xóm 16 cho biết: Toàn xóm có 140 hộ trồng mía với tổng diện tích khoảng 50 ha. Do diện tích đất trồng mía của người dân manh mún, mỗi gia đình có từ 3 - 4 thửa. Đường sá hẹp, đồi dốc, đi lại khó khăn nên nếu muốn bán cho nhà máy đường, mỗi xe mía người dân phải bỏ thêm mấy trăm ngàn tiền vận chuyển. Nếu không, phải dùng xe trâu, tải từng tạ mía đến nơi tập kết chờ xe chở mía của nhà máy đường đến thu mua. Vì thế, người dân không mặn mà với việc bán mía cho nhà máy đường. Họ còn tính toán rằng, giá bán cho nhà máy đường và giá mật mía tương đương nhau, có khi giá mật mía còn nhỉnh hơn nên họ đưa mía về ép mật để lấy công làm lãi.
Nghĩa Trung là xã có truyền thống ép mật mía từ bao đời nay, toàn xã có 520 ha trồng mía, sản lượng trung bình khoảng 2.000 tấn/năm. Trong số đó, khoảng 30% (470 tấn) được bán cho nhà máy đường. Số còn lại được người dân kéo mật và bán cho thương lái Hà Tĩnh, Diễn Châu thu mua phục vụ chế biến bánh kẹo. Ông Ngô Xuân Thuyết, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Mía là cây trồng chủ lực của xã, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo từ nhiều năm nay. Mật mía nuôi sống người dân, mật cho con cháu ăn học, xây nhà, mua sắm ti vi, xe máy. Thế mà bỗng chốc, giá mật rớt thảm hại khiến đời sống của người dân khốn đốn, không biết xoay trở thế nào.
Trong mấy năm qua, năng suất mía trên địa bàn xã ngày một giảm, bệnh chồi cỏ tàn phá, người dân phải phun thuốc phòng trừ nhiều nên cây ngày càng còi cọc, sản lượng của toàn xã giảm xuống từ 4.000 tấn còn hơn 2.500 tấn. Từ đầu năm đến nay, giá đường rớt mạnh nên giá mật mía cũng rớt theo, khiến nhiều hộ dân chán nản và có xu hướng quay lưng lại với cây mía. Ông Thuyết cho biết thêm: Trong khi giá đường không tăng, giá mật mía giảm, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao khiến người nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, một số hộ có đất ở vùng thấp đã chuyển sang trồng cao su, ngô, hoa màu để thay thế cây mía. Đối với người nông dân, mật mía đã không còn “ngọt” như trước…
Bài, ảnh: B.P