Mùa yêu thương

07/09/2014 17:42

(Baonghean.vn) - Ở bản làng miền núi ngày trước làm gì biết đến Trung Thu, làm gì biết đèn ông sao. Phận làm thuê làm mướn, từ khi lên năm, lên sáu đã quanh năm đầu tắt mặt tối, rằm và đêm ba mươi có khác gì nhau...

Trong căn nhà nhỏ xinh ở chênh vênh mé đồi phía cuối bản làng miền biên viễn, người thương binh già ngồi trên chiếc xe lăn, cánh tay tì lên đôi chân thương tật, tỉ mẩn vót từng thanh tre nhỏ, chuốt từng sợi lạt mây tròn mỏng. Rồi một cách khó khăn, bàn tay run run ghép nối các thanh tre lại với nhau, cứ được hai ba thanh uốn cong rồi lại bị bật ra... Phải vất vả lắm thì ông mới bắt khum mười thanh tre và buộc chúng lại bằng các sợi mây, khi cái khung tre hiện lên hình ngôi sao năm cánh thì khuôn mặt nhăn nhó cũng giãn ra và nơi ánh mắt lấp lánh niềm vui khôn xiết. Công việc còn lại chỉ là gắn vào giữa ngôi sao một thanh ngang làm chỗ cắm ngọn nến nhỏ, và dùng giấy màu vẽ hình ngôi nhà sàn, hình núi đồi, con suối, hình đàn trâu gõ mõ... để bọc lại. Thế là có một chiếc đèn ông sao làm món quà cho đứa cháu gái ở tuổi lên tám tham gia đêm hội trăng rằm đêm nay cùng lũ trẻ con ở bản. Món quà mà ông hứa tự tay làm tặng, con bé vô cùng háo hức và đã khoe với mấy đứa bạn nên ông lại càng phải làm cho thật xinh, thật đẹp.

Tết Trung Thu ở bản Huồi Mới 1, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: T.C
Tết Trung Thu ở bản Huồi Mới 1, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: T.C

Mọi năm, vào dịp trung thu lũ trẻ cũng rộn ràng các loại đèn lồng, đèn cá, đèn kéo quân... làm bằng nhựa, lắp pin vào là có nhạc, có đèn nhấp nháy. Người lạ đưa các loại đèn này lên tận từng bản làng, bán với giá chỉ có mười lăm, hai mươi nghìn đồng một cái. Nhưng những cái đèn lòe loẹt, bắt mắt đó rất tốn pin, lại mau hỏng. Khi bật nhạc thì toàn là những thứ nhạc lạ, đến khi pin yếu thì thành những tiếng méo mó với những âm thanh rè đục. Và khi chúng hỏng rồi thì chỉ là thứ nhựa vô hồn vô cảm... Trung thu năm trước, nhìn đoàn rước đèn đêm hội với các thứ đèn ngoại nhập, cái thì có đèn có nhạc inh ỏi, hỗn tạp, cái thì tối thui, đêm về ông cứ trằn trọc mãi. Đã thế, dịp hè vừa rồi, cái radio đưa tin cái giàn khoan lạ cắm sâu vào lòng biển của ta hàng tháng trời như mũi dùi đâm vào tim ông, ngỡ như bao nhiêu vết thương thời chinh chiến cũng chưa đau bằng vết thương ấy. Vì thế, ông nung nấu ý định sẽ tự tay làm cho đứa cháu nhỏ một chiếc đèn mang hồn Việt, dáng dấp và tính cách của người Việt, thổi vào đó hồn vía núi rừng – nơi mà biết bao người trong giòng họ, gia đình đời đời kiếp kiếp sinh ra, lớn lên, gắn bó máu thịt. Làm món quà này, ông những muốn tình yêu quê hương đất nước của đứa cháu nhỏ mình phải bắt đầu từ những điều thật cụ thể, dung dị, đời thường nhất. Cũng như hun đúc tình yêu với mảnh đất này cũng phải bắt đầu từ những đồ dùng hàng ngày, cho đến những món quà vào những ngày lễ, ngày hội – những kỷ vật ghi dấu những thời khắc rồi sẽ để lại dấu ấn sâu đậm, sẽ đi theo ta đến suốt cả cuộc đời.

Ông nhớ lại, những năm tháng thời trai trẻ trong quân ngũ đón trung thu giữa rừng già với tiếng vượn hú, mang tác, có khi còn có tiếng bom đạn thù gầm rú từ xa vọng lại. Biết ông là người khéo tay trong đơn vị, cánh lính trẻ thường nài nỉ ông làm những chiếc đèn trung thu để vơi bớt nỗi nhớ tuổi thơ, nỗi nhớ quê nhà, và vợi bớt đi nỗi buồn thời khắc chuyền giao mùa mưa và mùa khô luôn âm u trầm đục của những cánh rừng già miền Đông Nam bộ. Ở bản làng miền núi ngày trước làm gì biết đến Trung Thu, làm gì biết đèn ông sao. Phận làm thuê làm mướn, từ khi lên năm, lên sáu đã quanh năm đầu tắt mặt tối, rằm và đêm ba mươi có khác gì nhau. Vì thế, phải qua mô tả của cánh lính trẻ, ông mới kiếm mây rừng, mét rừng để làm đèn ông sao. Và sáng kiến đưa ra là cả đơn vị làm chung một chiếc đèn ông sao thật to, rồi phác họa một bức ảnh Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc trên vải dù xanh đặt ở trên, thế là có một Trung thu nhớ Bác ngay trong lòng địch...

Múa lân trong đêm vui Tết Trung thu tại Báo Nghệ An.  Ảnh: P.V
Múa lân trong đêm vui Tết Trung thu tại Báo Nghệ An. Ảnh: P.V

Tuổi già sồng sộc đến nhanh, mới sớm mai xuân xanh, vậy mà thoáng chốc đã trưa, đã xế chiều thời gian đời người. Năm nay ông có yếu hơn, vợ chồng người con cả một mực không cho ông ở riêng nữa mà đưa ông về ở chung để cháu con sớm hôm chăm sóc. Cái ăn, cái mặc không thiếu thứ gì. Muốn cái gì con cháu cũng chiều, vậy mà ông cứ bần thần nhớ đồng đội, nhớ ngày xưa, rồi cứ trào nước mắt. Chiều nay, làm cái đèn ông sao cho đứa cháu nhỏ vui Trung thu. Kỷ niệm xưa cũ lại ùa về, sống dậy...

Đời làm báo đi nhiều, chứng kiến nhiều đêm Trung Thu ấm áp, rộn ràng. Có lẽ, Trung thu cũng là hoàn cảnh điển hình nhất thể hiện tình yêu thương của cả xã hội giành cho thế hệ tuổi thơ. Biết bao hình ảnh xúc động đã đọng lại trong tôi về những đêm Trung Thu ở mọi vùng miền của quê hương xứ sở. Nhưng có lẽ, chưa bao giờ như đêm nay, khi ánh trăng vượt qua dãy đại ngàn để chiếu sáng cả sân hội tưng bừng ở thung lũng nhỏ, chứng kiến hình ảnh đàn em thơ đẩy xe lăn đưa người thương binh già cùng rước đèn chung vui đêm hội, ánh mắt tôi đã nhòe ướt cả khe ống kính. Ánh trăng trên trời có lẽ từ bao đời vẫn cao xa vời vợi và vằng vặc vầng sáng yêu thương như thế, nhưng hình như ở miền núi cao này, càng ngày ánh trăng càng trở nên thật gần.

Ngô Kiên

Mới nhất
x
Mùa yêu thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO