Mực biển

19/10/2013 21:02

(Baonghean) - Người đàn ông ấy là Trần Viết Thuật, (60 tuổi), quê gốc huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Tôi gọi ông bằng dượng, bởi ông lấy o tôi. Vùng quê dượng tôi không có biển, sống dựa vào nông nghiệp, lớn lên từ củ khoai, củ sắn. Theo tiếng gọi của tình yêu, dượng theo o tôi về đất biển quê Nghệ, sống hạnh phúc bên con thuyền, tấm lưới đến tận bây giờ...

Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm tinh mơ dượng tôi đều lên thuyền đi dạ cào (dạ cào đi trong ngày hoặc qua 1 đêm). Hôm nay, thuyền dượng về sớm hơn dự định, 8 giờ tối thuyền đã cập bến. Nào cá, nào mực đã được các "tay" buôn quanh vùng đợi sẵn. Dượng cất dành một thau mực để chiêu đãi chúng tôi. Dượng làm món mực sim hấp lá lốt. Mực biển, dượng để nguyên bọc mực đen, ăn vào ngọt lịm, cắn miếng mực, miệng ai nấy đen nhẻm.

Do tuổi đã cao, gần 5 năm nay, dượng chuyên tâm nghề đi dạ cào, nhưng thủ thuật đánh mực của dượng vẫn nức tiếng khắp vùng. Nhiều chàng ngư trẻ tìm đến dượng để học tập kinh nghiệm đánh bắt mực. Dượng kể, mùa mực thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, ngư dân câu được nhiều mực nhất, ăn mực tươi những tháng này cũng ngon nhất.

Ông Thuật làm món mực nướng.
Ông Thuật làm món mực nướng.

Để đánh mực, ngư dân thường dùng 2 cách: thả lưới và câu. Khi xưa, chưa có ắc quy, dượng dùng chiếc đèn măng xông treo lên một cái cọc tre cao hơn 2 mét, to bằng cổ tay người lớn để rủ mực về. Đánh mực chủ yếu đi vào những đêm không trăng. Ngày nay có ắc quy, người ta dùng bằng bóng điện, đánh được nhiều mực hơn đánh đèn măng xông thời cũ. Dượng khoe, mới hôm đầu tháng, trời biển đêm tối như mực, chỉ hai bóng đèn ắc quy mà mực kéo về từng đàn, khoang lưới đầy mực.

Đánh mực bằng câu thì phải chọn thân câu được làm bằng thân tre dẻo, chắc với độ vừa phải. Dây câu mực phải là dây cước, cuộn cước ở ống câu, khi thả xa thì nới cước xa, thả gần cuộn lại cước, vì thế, ngư dân nào cũng có một cái cần câu gắn liền với cuộn câu. Mồi câu mực có 2 loại, mồi thật và mồi giả. Mồi thật là con cá nhỏ, con tôm mắc vào lưỡi câu để nhử mực; mồi giả là tấm vải màu sắc sặc sỡ. Khi xưa nghèo khó chủ yếu dùng mồi giả, bây giờ cuộc sống các làng ngư khấm khá, chủ yếu dùng tôm, cá làm mồi.

Mỗi lần về quê, tôi lại được thưởng thức những mẻ mực tươi xanh của dượng mang từ biển về, ngon, ngọt. Dượng bảo, du khách tìm về không chỉ thưởng thức đặc sản mực biển quê Nghệ nổi tiếng ngon nhất cả nước mà còn mua về làm quà. Người nào mua ít cũng vài ký mực tươi và một ký mực khô.

Dượng tôi cũng như ngư dân làng biển huyện Quỳnh, vào các ngày Rằm, mồng 1, đều chuẩn bị những con mực tươi nhất chế biến ra các món như mực chiên, mực hấp, mực xào, mực nướng... đặt lên bàn thờ tổ tiên. Đặc biệt, ở quê tôi, đầu năm mới nhà nào cũng ăn mực, không có khái niệm kiêng kỵ như một số nơi quan niệm "đầu tháng ăn mực không hên". Không hên đâu thì chẳng biết, ở quê tôi, đầu năm ăn mực cũng luôn gặp được những may mắn, tốt lành, tình làng nghĩa xóm trên biển, trong dân luôn ấm áp.

Mỗi lần dượng đi biển về, o tôi lại ngồi phân loại từng loại mực. Con mực to o đem bán, loại nhỏ o không bán, rửa qua nước biển, đem phơi cho tới lúc mực khô mới bán, quê tôi gọi đó là mực sim khô. Còn một số o nướng bán khách ăn trong ngày hoặc khách mua cất tủ lạnh ăn dần. Loại mực sim khô ăn vào những ngày mưa thì ngon tuyệt tác. Khi mực đã được rửa qua nước sôi ấm, phi dẫu mỡ, hành, cho mực vào, thêm chút nước mắm, bột nêm, đường, ăn với cơm không biết chán.

Tôi luôn nhớ về bến cá Sơn Hải quê tôi, nhớ những khoang thuyền lấp lánh mực tươi cập bến. Chỉ một loáng thôi, những khoang mực đầy ấy đã được người ta mua hết. Có những nhà thì quạt bếp, nướng mực ngay trên bến. Tôi cứ ngẩn ngơ nhìn các chị, các mẹ nhanh tay lựa chọn mực bày lên vỉ, con nào cũng tươi xanh, bên dưới bếp than hừng hực đỏ, lần lượt những vỉ mực nướng xếp chồng lên nhau. Từng bàn tay phe phẩy quạt mực, mùi thơm của mực biển cứ cuốn theo làn khói bay vào tận mọi ngõ ngách, đánh thức cả khứu giác, vị giác của bất cứ ai đi qua. Cái mùi thơm của mực vừa chín tới, cái hương nồng nồng của nước mực chảy ra dưới than với âm thanh xèo xèo, cái ấm áp của bếp lửa than hồng bừng lên khi màn đêm vừa buông xuống trong tiết trời Thu se lạnh tạo nên một cảm giác khó quên cho tất cả những ai đã từng thưởng thức.

Dượng tôi bảo, khi nào bến cá xôn xao, tiếng gọi nhau í ới và cả mùi của cá, tôm và đặc biệt mùi thơm của mực nướng, ấy là lúc dạ cào về. Vợ chồng o, dượng chủ yếu làm mực khô và mực nướng. Mực khô trên 300 ngàn 1 ký, mực nướng 200 nghìn/ ký, không có hàng để bán. Bến cá quê tôi mỗi lúc một đông, mọi người xôn xao xách làn, mang rá, gồng gánh chọn mực. O tôi bảo, chủ yếu người ở phố huyện và trong Vinh về mua nhập đi Hà Nội, Sài Gòn.

Mực mua tại quê, nên được giá rẻ. Cô bạn tôi mua hai trăm nghìn tiền mực nướng, quá bất ngờ bởi nhiều gần gấp đôi mua ở Vinh. Dượng tôi hôm ấy tay nướng mực, nói đùa vui, chất giọng đặc miền biển: "Vậy các o chịu thiệt lấy chồng làng ngư, gì chớ mực sim ăn quanh năm". Trong lời nói vui ấy có niềm tin, khát khao và hy vọng.

So với công sức của một ngư dân bỏ ra một ngày, đêm rong ruổi lênh đênh trên biển sau chuyến dạ cào với thu nhập dăm trăm ngàn đồng/ 1 ngày/ 3 lao động cũng không phải là nhiều. Song với họ, có một công việc ổn định, trời yên biển lặng là hạnh phúc rồi, dượng tôi bảo vậy. Ở quê tôi, người phụ nữ rất chịu khó, họ đem mực vào Vinh bán kiếm thêm dăm cân gạo, vừa đem món đặc sản tươi ngon đến với người dân thành phố. O tôi ngày trước cũng thức dậy từ tinh mơ, bắt xe vào Vinh bán mực, tầm 9 giờ đã hết, lại ra bến đón xe về. Từ ngày các em con o dượng có công việc ổn định, o bán mực tại bến luôn, không đi xa tất tả như mọi khi nữa. Quê tôi có chị Thu Thuận gắn với mực biển đến nay hơn 30 năm. Mọi người thường gọi cho chị cái tên “Thuận mực”. Mực của chị lúc nào cũng tươi xanh, xào không hề ra nước, ăn vào miệng vừa dai, vừa ngọt nên lúc nào cũng đông người đến mua.

Lại nhớ thời thơ trẻ chị em tôi theo ngoại đi hong mực, chị em tôi cứ bớt đi từng chiếc râu mực rồi dấm dúi nướng ăn với nhau. Một hôm, cả mấy chị em vừa bới những chiếc râu mực trong đám tro tàn, ánh lên niềm vui, vừa xuýt xoa "ôi, râu mực đã chín, ngon quá". Thoáng thấy dáng ngoại vào, vội vàng thu râu mực vào gấu áo, ngoại mỉm cười, đi ra đầu ngõ ngồi giã trầu. Trong bữa chiều hôm ấy, ngoại đùa "có mùi râu mực nướng đâu đây", rồi ngoại vặn to ngọn đèn đi vào bếp. Chị em tôi nghe mùi mực nướng thơm phức, ngoại tôi ở trong bếp nói vọng ra: "Các con có thấy mùi gì không?". "Mùi mực nướng ngoại ơi". "Các con biết không, ăn vụng gì thì giấu được, chứ ăn vụng mực nướng không giấu được đâu! Hồi chiều, các con nướng mực, ngoại ở ngoài sân đã biết". Bữa cơm tối hôm ấy, mấy bà cháu tôi có thêm món mực nướng chấm tương ớt. Gọi là tương ớt, thực ra chỉ mấy thìa muối trắng ngoại rang nóng giòn đem giã với ớt chín, vắt thêm miếng chanh, gọi là tương ớt.

Từ những ngày xưa ấy, cho đến bây giờ, món mực vẫn luôn là món “khoái khẩu” của chị em tôi. Giờ đây, mực biển quê nhà đã có mặt khắp nơi, trong và ngoài nước. Mỗi người con xa quê khi về với biển thể nào cũng mua mực làm quà.

Các khách sạn, nhà hàng lớn, nhỏ đều có món mực như: Mực một nắng, mực tươi chiên mắm, mực xào, mực hấp... làm vui lòng khách đến thưởng thức. Nhấm nháp miếng mực khô trong chiều mưa hay nghe giòn tan, dai, ngọt miếng mực chiên, nghe đến mà thèm, mà nhớ quê...

Bài, ảnh: Thu Hương

Mới nhất
x
Mực biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO