Mùng Ba Tết thầy

02/02/2014 14:59

(Baonghean.vn) - Trưa mùng Ba Tết Giáp Ngọ, bà giáo Tố Tâm nao nức vì một cuộc hẹn từ những ngày năm cũ, ấy là "Cô ơi, cô chờ ở nhà nhé, bọn em sẽ qua đón cô". Một nhóm bạn từng là những trò nhỏ một thủa, nay đã ít nhiều thành đạt ùa vào nhà cô giáo cũ đã nghỉ hưu gần 10 năm trong một ngày tiết Xuân dịu nhẹ. Rồi tất cả lại háo hức cuốn cô đi, nơi có rất nhiều học trò khác đang chờ. Nét trẻ tươi như thoáng hiện lại trên khuôn mặt của bà giáo đã trọn đời vì bảng đen, phấn trắng.

Học trò cũ đến chúc Tết thầy giáo cũ, NGƯT Lê Thái Phong, nguyên giáo viên trường chuyên Phan Bội Châu
Học trò cũ đến chúc Tết thầy giáo cũ, NGƯT Lê Thái Phong, nguyên giáo viên trường chuyên Phan Bội Châu

Theo lệ xưa, nếp cũ thì "Mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy. Cụm từ gói gọn ba ngày tết thiêng liêng nhất dành để cho 3 người trân quý, quan trọng nhất trong đời mỗi người. Ngày mồng một Tết - ngày đầu tiên của một năm mới, một mùa xuân mới - thì ở nhà cha lo thắp nén tâm nhang trên ban thờ gia tiên, tưởng nhớ các bậc tiên liệt của gia tộc. Và cùng với đó, thưa câu chúc tụng sức khỏe và mọi sự an lành tới ông bà, cha mẹ, người mang nặng đẻ đau, sinh thành ra mình. Việc phải làm ý nghĩa nhất của ngày mồng một Tết là thế. Ngày mùng Hai diễn ra ở bên nhà ngoại. Có cha (có bên nội) phải có mẹ (có bên ngoại) thì mới có cuộc đời mình, đó là cái lẽ tất yếu của tự nhiên. Còn "Mồng Ba tết thầy" dành riêng cho những người đã nâng đôi cánh cho mình từ thủa còn trứng nước, đặng cứng cáp dần mà tự bay cao, bay xa tìm lẽ sống cho riêng mình. Ơn nghĩa đấng sinh thành, nguồn cội rưng rưng là điều đành lẽ, lòng tri ân với bậc dạy làm người, vì vậy cũng đâu thể lãng quên. Nét đẹp hồn Việt xưa tự ngàn năm đã định vậy, và đó cùng là điều để hun đúc sức trường tồn cho dân tộc qua thăng trầm bất biến thời gian.

Gặp lại trò cũ đông đúc ở tầng cao nhất của một khách sạn cao nhất thành Vinh, bà giáo Tâm ngỡ ngàng nhìn đàn em xưa đã lớn. "Đứa mô đây? Em xinh xinh ni tên chi đây?". Cặp mắt hơi mờ của tuổi 64 đã khiến bà không còn nhận ra hết lũ "nhất quỷ nhì ma" thương yêu của mình. Tuy nhiên, trò vẫn nhớ cô lắm. "Em là Thanh Lan, ngồi bàn đầu, cô hay đưa về nhà ăn cơm vì nhà em xa nhất mà cô". " Còn em là Mai, có lần dịp ngày Hiến chương 20/11, nhà nghèo nên chỉ mang đến chúc cô mấy tấm bánh gạo tự làm gói trong mảnh nilon rách. Cô đã ôm em khóc suốt buổi vì thương em". Đến đây thì bà giáo già đã nhớ lại nhiều điều, những kỷ niệm suốt bao năm dạy dỗ dưới mái trường Năng khiếu Vinh tràn về khiến cặp mắt đong đầy lệ. Nhưng rồi bà chợt vui lên bởi đàn trò xưa đã lớn lên, đã trưởng thành và tung cánh.

Trò Trần Thị Thanh (khóa học 1990-1994, Năng khiếu Vinh) nay là Trưởng phòng giám định Công ty Tài chính Tàu thuyền cứ quấn quít bên cô, chụp ảnh với cô thật nhiều để "lưu mãi kỷ niệm tết Giáp Ngọ với người mẹ thứ 2 của em". Anh Nguyễn Trường Lưu, bạn cùng khóa với Thanh, xúc động chia sẻ "Tết năm nay, cả lớp đã lên chương trình từ cách đây hàng tháng, để làm sao gặp mặt lại được hết thầy cô từ thủa cấp 2 Năng khiếu Vinh. Không có cô thầy tận tụy, làm sao có được chúng tôi hôm nay". Kỷ niệm quấn quít cùng hồi tưởng, ngập tràn trong sắc Xuân ở nơi lưng chừng trời thành Vinh chan hòa gió và mây. Đã xa bục giảng hàng thập kỷ, mà nay cái không khí ấm áp tình yêu thương nay chợt đong đầy trong lòng bà giáo.

Học trò lớp chuyên văn khóa 16, trường chuyên Phan Bội Châu gặp lại các thầy giáo cũ
Học trò lớp chuyên văn khóa 16, trường chuyên Phan Bội Châu gặp lại các thầy giáo cũ

Không chỉ khóa học năm ấy của các bạn ở trường Năng khiếu Vinh, mà ngày mùng Ba tết cũng đã thành thông lệ của biết bao thế hệ học trò trên mọi miền đất nước. Còn nhớ lần đầu tiên khi tôi được mẹ đưa đi "Tết thầy", khi ấy tôi mới học tiểu học. Chiều mùng ba Tết mẹ mặc cho tôi bộ quần áo mới, rồi tự tay dẫn đến tận nhà thầy học của tôi... Còn lễ vật mà mẹ tôi mang theo để dâng kính thầy thì chẳng có gì là cao sang hay giá trị về vật chất là mấy cả. Lễ thầy thuở ấy hoàn toàn vô tư, trong trẻo lắm.

Còn giờ đây, khi đã có nghề nghiệp ổn định, năm nào cũng vậy cứ đến mùng ba tết, chúng tôi tập trung đi chúc tết các thầy cũ trường Phan. Những người lái con đò nhỏ đưa mỗi đứa học trò nhỏ vào tương lai tươi sáng. Nói về phong tục này, nhà giáo nghỉ hưu Đoàn Mạnh Tiến, giảng viên khoa Văn (ĐH Vinh) cho biết: “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy” là câu nói bao hàm rất nhiều ý nghĩa, phản ánh đời sống tâm lý của người Việt xưa, nhưng cần được hiểu ở nhiều góc độ khác nhau. Phàm là người, trước hết phải biết ơn những người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng mình. Trong tâm thức của người Việt, cha - mẹ thì mỗi người chỉ có một, nhưng người thầy thì có nhiều. Do đó chữ “thầy” ở đây cần phải được hiểu theo nghĩa rộng. Ngoài người thầy dạy chữ, truyền đạt tri thức, thì còn có người thầy truyền nghề, truyền cho chúng ta đạo đức, lối sống, cách ứng xử, cũng là những người mà chúng ta phải biết ơn, trân trọng”.

Mùng Ba tết thầy trôi qua trong bầu không khí đầm ấm tình thầy trò như vậy. Không chỉ bà giáo Tố Tâm, mà tất cả các thầy cô của buổi gặp mặt đáng nhớ đầu Xuân Giáp Ngọ và tất cả các bạn học sinh cũ đều như trẻ lại, trở về mottj thời đèn sách dấu yêu, có hy sinh lặng thầm và những ơn nghĩa sâu nặng. Nó đã trở thành nét đẹp truyền thống không thay đổi trong tâm thức của chúng tôi, những đứa học trò năm xưa. Dù ngày nay, xã hội có phát triển đến mấy, có những người mải vui bạn bè, gia đình, ham công danh phú quí mà quên bóng thầy cô giáo cũ, đó cũng là một điều đáng buồn, nhưng tết vẫn là dịp để mỗi trái tim hoà cùng nhịp đập với mỗi người nhắc lại một nét đẹp xưa: phong tục "Tết thầy". Đó là niềm vui, là hạnh phúc thiêng liêng không của riêng ai.

Trần Hải

Mới nhất
x
Mùng Ba Tết thầy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO