Mười lăm năm nghĩa tình!

11/11/2011 17:27

(Baonghean) - Tôi không may mắn như các anh, chị: Văn Trạc, Nho Liêm, Xuân Thụ, Trần Nhuệ, Văn Tân, Đoàn Thị Chính, Nguyễn Thị...

(Baonghean) - Tôi không may mắn như các anh, chị: Văn Trạc, Nho Liêm, Xuân Thụ, Trần Nhuệ, Văn Tân, Đoàn Thị Chính, Nguyễn Thị Hoa... có mặt tại Thành phố Vinh thời mới nhập tỉnh Nghệ Tĩnh. Sau những năm tháng cầm súng chiến đấu tại miền Nam, rồi trở về Hà Nội để học tập, đầu năm 1983 tôi mới "đầu quân" về Báo Nghệ Tĩnh. Trụ sở của Báo đóng tại nhà C1 khu Quang Trung (cạnh Rạp chiếu bóng 12-9). Mặc dầu thời điểm này miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất được 8 năm, song "thủ phủ" của một tỉnh gần 4 triệu dân, làng còn nhiều hơn phố. Đường Quang Trung rộng thênh thang không một bóng cây xanh. Phía Tây đường nhiều chỗ còn là ruộng lúa, nương khoai, mùa Hè gió Tây Nam thổi hun hút. Phòng làm việc không "cửa đóng then cài" thì đồ dùng cá nhân bay xuống đất là chuyện thường ngày. Cuối Thu, khi những cơn mưa rào cuối mùa xuất hiện, đêm đêm nhóm P.V trẻ chúng tôi đi dọc phố Quang Trung để bắt cà cuống "đóng đèn" làm đồ nhậu lai rai.

Những năm 80 thế kỷ trước, cả nước cực kỳ khó khăn, ở Nghệ Tĩnh hồi đó có một vế đối được nhiều người nhắc đến "Năm tám mươi, gạo tám mươi dân xứ Nghệ mắt vàng như nghệ" (gạo tám mươi ý nói giá gạo 8 đồng/1 kg). Cũng vào thời điểm cuối giáp hạt (tháng 4/1989), anh Đinh Nho Liêm (TBT) có bài viết đăng trên báo Đại đoàn kết với tựa đề "Dân Nghệ Tĩnh đói và đang gọi". Bài viết làm lay động triệu triệu trái tim của người Việt. Sau khi bài viết đến với bạn đọc, con em xứ Nghệ làm ăn ở mọi miền quê và nhân dân các tỉnh thành đã có những nghĩa cử cao đẹp giúp đỡ những gia đình thiếu đói... Cũng vì bài viết này, anh Đinh Nho Liêm bị Thường trực Tỉnh ủy phê bình gay gắt.

Làm báo thời kỳ này khổ. Khổ vì đói ăn thiếu mặc, khổ vì đi lại vất vả và khổ vì tin, bài, ảnh chẳng biết đăng vào đâu. Báo Nghệ Tĩnh tuần 3 kỳ, 4 trang lại in trên khổ 28cmx42cm. Vất vả là vậy nhưng anh em chúng tôi ai cũng vui vẻ, hăng hái. Tờ báo Nghệ Tĩnh hồi đó hội tụ phóng viên của 3 tờ báo Hà Tĩnh, Nghệ An, Miền tây Nghệ An (tờ Miền tây nhập về tờ Nghệ An 1967...). Tuy nhiều P.V không được đào tạo bài bản như hiện nay song họ là những người từng trải, có kinh nghiệm và tâm huyết với nghề. Đối với những P.V trẻ như chúng tôi nghe các bậc đàn anh như: Minh Nho, Thái Ngô Dương, Quốc Bảo, Dương Huy, Xuân Thụ, Quý Kỳ, Kim Tuấn, Duy Thảo, Văn Thông, Đức Thừ... trao đổi về nghiệp vụ mắt cứ tròn xoe thán phục. Họp chi bộ, cơ quan không nhiều, nhưng mỗi lần sinh hoạt không khí trao đổi nghiệp vụ hết sức nghiêm túc, có lúc còn căng thẳng quá mức.

Gần 30 năm đã trôi qua, phần đa các cây bút sắc sảo hồi đó đã ở tuổi thất thập. Các anh Nguyễn Hường, Quốc Bảo, Đức Thừ, Văn Tân, Dương Xuân Hương, Nguyễn Thị Song... đã về cõi vĩnh hằng. Thế hệ cầm bút trẻ hồi đó như các anh, chị: Thúy Liên, Minh Phúc, Đặng Thị Thắng, Minh Thông, Huy Lạp, Văn Quyền, Hoàng Chỉnh... đã hoặc đang chuẩn bị về hưu. Có dịp gặp lại nhau, hoặc nhớ về nhau, chúng tôi không bao giờ quên 15 năm chung lưng đấu cật nhường cơm sẻ gạo. Quên sao được góc bếp nhỏ chị Thuận san sẻ từng bát cơm độn ngô, khoai và bát canh "không người lái". Càng không quên được khi Tết đến Xuân về, cơ quan tổ chức mua lợn, bò về mổ thịt chia nhau.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, song xin phép nhắc lại vài điều để thế hệ làm báo hôm nay hiểu, chia sẻ với những bậc đàn anh đã tạo dựng ra tờ báo của Đảng bộ có bề dày 50 năm. Nếu quy ra gạo thì mức nhuận bút mỗi tin, ảnh chỉ tương đương 1 kg gạo và nhận mỗi bài viết chừng độ 3 kg gạo... Vậy mà có việc là P.V hăm hở lên đường. Hiện nay ngồi phòng lạnh, đi xe máy lạnh, chí ít cũng là xe gắn máy, nhuận bút cho các tác phẩm đã tăng hàng chục lần, nhưng nhiều P.V vẫn nấn ná không muốn xuống cơ sở - nghĩ mà chạnh lòng.

Ở tuổi gần nghỉ hưu, nhớ lại chuyện đời, chuyện nghề lòng cứ xốn xang. Riêng tôi có được những thành quả như ngày nay mãi không quên thời làm báo ở Nghệ Tĩnh - nơi đã chắp cánh cho mình thực hiện những ước mơ!


Phương Nam

Mới nhất
x
Mười lăm năm nghĩa tình!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO