Muôn nỗi xa quê
(Baonghean) - Đầu Xuân mới, không khí náo nức, rộn ràng ăm ắp vẻ tết nhất như vẫn còn nơi những xóm nhỏ nghèo khó ngày nào, nay đã mọc lên nhiều ngôi nhà mới cao tầng, khang trang. Chúng tôi chia sẻ với ông Nhung: Xóm ta, xã ta cũng khá lên nhanh quá! Ông cười, nhưng ánh mắt thì đầy vẻ ưu tư: Ừ, nhưng rồi đông vui thì cũng chỉ được mấy bữa nữa thôi. Nhà đẹp rồi cũng bỏ đó. Ngoài rằm thì xóm làng ắng lắm…
(Baonghean) - Đầu Xuân mới, không khí náo nức, rộn ràng ăm ắp vẻ tết nhất như vẫn còn nơi những xóm nhỏ nghèo khó ngày nào, nay đã mọc lên nhiều ngôi nhà mới cao tầng, khang trang. Chúng tôi chia sẻ với ông Nhung: Xóm ta, xã ta cũng khá lên nhanh quá! Ông cười, nhưng ánh mắt thì đầy vẻ ưu tư: Ừ, nhưng rồi đông vui thì cũng chỉ được mấy bữa nữa thôi. Nhà đẹp rồi cũng bỏ đó. Ngoài rằm thì xóm làng ắng lắm…
Nghi Văn (Nghi Lộc) từng được biết đến là vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, một địa phương khó khăn nhất huyện. Cả xã có 480 ha đất 2 vụ lúa, hàng năm phần lớn phụ thuộc nguồn nước trời nên năng suất đạt rất thấp. Vụ xuân năm nào thời tiết thuận hòa, năng suất lúa chỉ đạt 55 tấn/ha, vụ mùa may ra thu về 20 tấn/ha. Chính vì sản xuất nhìn vào sự may rủi của thời tiết, Nghi Văn vẫn còn gieo cấy giống lúa bào thai. Giống lúa này cách đây hàng chục năm, các nơi đã thay thế bằng giống lúa lai khác. Nguyên nhân đơn giản là, chỉ có giống lúa bào thai ấy mới “sống” được trên vùng đất khô cằn đó. Làm nông nghiệp không đủ sống, phần lớn lực lượng lao động trẻ của xã Nghi Văn chọn hướng rời quê lập nghiệp. Con em đi làm ăn xa, đã đem về thu nhập chính cho vừng đất này...
Ra Tết, nhiều người lại bắt xe vào Nam ra Bắc. |
Tới xóm 13, chúng tôi gặp được ông Nguyễn Nhữ Nhung - xóm trưởng. Ông kể: Toàn xóm có 122 hộ, chỉ có gần 18 ha đất 2 vụ lúa, 22 ha đất màu chuyên trồng lạc. Đất đai đã ít, lại bạc màu, người dân làm nông nghiệp không thể đủ ăn. Con trai, con gái, mong học hết phổ thông là kéo nhau đi tìm việc làm nơi xa xứ. Trước đây, thường vào miền Nam làm công nhân cho các công ty, hoặc lao động phổ thông. Mấy năm gần đây, thanh niên đua nhau sang Lào làm nhiều thứ nghề, như thợ xây dựng, hoặc buôn bán nhỏ. Cả xóm có 576 nhân khẩu, thì có hơn 150 người là lao động trẻ quanh năm đi làm ăn xa. Nhờ nguồn thu nhập chính từ lao động xa quê, bộ mặt thôn xóm khởi sắc nhanh chóng. Những ngôi nhà cao tầng, nhà kiên cố, tường rào vững chắc… đều do nguồn thu nhập này mà có. Do vậy, 100% gia đình trong xóm đã có nhà ở ổn định, cả xóm chỉ còn 18 hộ thuộc diện nghèo theo quy định của nhà nước.
Có tiền mặt, việc huy động nhân dân xây dựng các công trình công ích của xóm cũng thuận lợi hơn. Đặc biệt trong tiến trình xây dựng NTM, những ngày về quê ăn tết, khi nói đến làm đường bê tông, nhà nào cũng bày tỏ tinh thần sẵn sàng đóng góp tiền cùng với nhà nước. Con em đi lao động xa là nguồn thu nhập chính cho các gia đình, nhưng để lại gánh nặng cho người ở lại. Lực lượng đi lao động xa nhà chủ yếu lứa tuổi từ 18 đến 50, những người ở nhà thường là trẻ em hoặc người già yếu, bệnh tật. Thậm chí, có những gia đình vợ chồng bồng bế cả con trẻ đi theo làm ăn, do vậy chuyện học của các cháu dở dang. Khi xóm có chuyện hệ trọng ban xóm gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu lực lượng lao động trẻ.Ví như, khi có người qua đời, cắt cử lực lượng đi đào huyệt, chôn cất… buộc lòng phải huy động những người tuổi cận già, đáng lẽ công việc này tuổi trẻ phải gánh vác.
Việc đồng áng cũng vậy, ruộng khoán không được bao nhiêu nhưng có những gia đình sẵn sàng bỏ đất hoang, vì trẻ em và người già ở nhà không có sức để sản xuất. Cả xóm 13, hiện có khoảng 1 ha đất màu bỏ hoang nhiều năm nay. Ấy là chưa kể đến những trường hợp khi ra đi thì mạnh khỏe, ngoan hiền với hừng hực quyết tâm đổi đời, trở về có người đã trở thành “sâu rượu”, mang theo máu mê đỏ đen hay sinh trộm cắp… Làng xóm, vì thế cũng sinh phần lộn xộn, nghi kị lẫn nhau. Ông Nhung nói rồi, ánh mắt đầy xa xăm: Cả năm, may chỉ đông vui dịp tết nhất. Nhà có xây to đẹp rồi cũng bỏ đó. Ngoài rằm là xóm làng ắng lắm!
Ông Lê Quốc Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Văn, cho biết: Hàng năm, con em trong xã kéo nhau đi làm ăn xa quê rất nhiều, do vậy đến ngày mồng 4 tết, cán bộ xã phải đến trụ sở xã làm việc để con em đến làm hồ sơ đi làm ăn xa. Đến ngày mồng 6 tết, đã có 50% lực lượng lao động trẻ của địa phương đã lên đường vào Nam, sang Lào. Thống kê chưa đầy đủ, hàng năm địa phương có 1.000 lao động đi làm ăn nơi đất khách quê người. Trong đó, có khoảng 250 người chuyên sang Lào làm nghề xây dựng. Ngoài ra còn có hơn 300 lao động đi XKLĐ sang Nga, Đức, Ba Lan… Chuyện lực lượng lao động trẻ đi làm ăn xa quê, cái được là con em được tiếp cận với xã hội, mang lại kinh tế cho gia đình, nhưng để lại nhiều bất lợi cho địa phương. Rõ nét nhất là làm hạn chế chất lượng sinh hoạt của các đoàn thể cơ sở. Có những đoàn thể, như Đoàn Thanh niên của một số xóm giáo dân không còn hoạt động trong nhiều năm nay. Bởi một lẽ, không tìm ra bí thư chi đoàn, và không còn đoàn viên để sinh hoạt. Một số chi bộ suốt 10 năm nay không kết nạp được đảng viên mới nào. Cả 23 xóm của xã đều gặp cảnh oái oăm khi xóm có việc nặng nhọc, phải điều động người già yếu đi làm.
Ở huyện đồng bằng là thế, lên đến vùng núi cao, chúng tôi cũng gặp những cảnh tượng, nỗi niềm tương tự. Những ngày tết ngắn ngủi cũng nhanh chóng khép lại. Từ mồng 5, mồng 6 tết, các đội quân đã chuẩn bị lên đường. Gần đến ngày rằm, tại một số dòng họ ở bản Lở, Xá Lượng - Tương Dương, không khí vẫn đang như trong tết. Bản người Thái nằm ven Quốc lộ 7 này, vẫn giữ được tục lệ ăn tết họ. Sau ngày mồng 1, mồng 2 là tết chính của bản, các dòng họ lần lượt làm “tết họ”. Không có tục ăn rằm tháng 6, tháng 7 như nhiều cộng đồng Thái ở Nghệ An, nên đây là dịp hiếm hoi trong cả năm họ sum họp tại nhà trưởng họ. Đối với dòng họ Lương ở bản nhỏ này, mãi đến mồng 10 tết mới tổ chức tết họ. Thế nhưng dịp vui hiếm có năm nay khá thưa vắng các thành viên trẻ tuổi.
Cô bé Kha Thị Kim, một trong số hiếm hoi những thanh niên bản ở lại ăn tết họ bởi khác với phần đa con trai, con gái trong bản, cô không đi miền Nam “làm doanh nghiệp” mà theo một nhóm bạn vào xứ Quảng làm phu vàng. Là con gái nên công việc chính của Kim là giặt giũ, nấu ăn. Mới 17 tuổi, Kim đã có 3 năm theo nghề phu vàng. Từ năm 2011 đến nay, cứ xong việc họ là Kim lại xách ba lô trở về “công ty”. Xuống bến xe, cô lại băng rừng vào bãi vàng. Dẫu đã có “thâm niên” mà khi hỏi bãi vàng thuộc huyện nào của tỉnh Quảng Nam, cô bé phải nghĩ một lúc lâu mới trả lời: “huyện Khâm Đức”. Thế nhưng kỳ thực địa danh Khâm Đức là thị trấn trung tâm của huyện Phước Sơn (Quảng Ngãi). Tại huyện miền núi này có hàng chục bãi vàng đang hoạt động thu hút nhiều lao động từ các tỉnh Bắc miền Trung, trong đó phần lớn là thanh niên miền núi Nghệ An.
Nghề phu vàng nhọc nhằn là vậy, lại đối mặt với nhiều rủi ro. Tai nạn lao động chỉ là một phần nhỏ trong vô số rủ ro ấy. Kim chia sẻ: “Chủ bưởng” chỗ Kim làm việc mà những phu vàng quen gọi là “giám đốc” thường “hợp đồng miệng” với người lao động làm việc 6 tháng một. Sau 6 tháng, nếu những phu vàng không có ý kiến gì thì nghiễm nhiên “hợp đồng” sẽ được gia hạn thêm 6 tháng nữa. Có nhiều người vì cả ngày làm việc quần quật dưới hầm vàng, lắm khi không còn nhớ ngày tháng gì nữa, chủ bãi vàng lại lúc ẩn, lúc hiện nên người lao động muốn gặp để cắt hợp đồng cũng khó khăn.
Để giữ chân người lao động, các “chủ bưởng” thường giữ lại 2, 3 tháng lương. Nhiều người không chịu được cảnh lao động nặng nhọc, rủ nhau bỏ trốn liền bị các các chủ bãi bắt lại, đánh đập. Thế nhưng, đối với Kim, dẫu có nhọc nhằn thì mấy bữa nữa cô vẫn trở lại bãi vàng. Nguyên do là vì cô vẫn bị “chủ bưởng” giữ lại 9 triệu đồng tiền của 3 tháng họ trả công cho cô khi phải lao động giữa rừng thiêng, nước độc. Một nguyên do nữa là nếu cô ở lại nhà thì cũng không có công việc nào khả dĩ hơn làm rẫy!
Ở huyện miền núi Con Cuông, thanh niên chủ yếu tìm đến các khu công nghiệp các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh... Sau mỗi năm, ra tết lại có đông đảo thanh niên mới đến độ tuổi lao động, thậm chí có thanh niên mới học xong lớp 9 đã vội vã “vào đời”. Cũng không hiếm người không còn trẻ, đã có gia đình con cái, vẫn phải chọn cách xa quê tìm việc. Có những người háo hức với hy vọng “đổi đời”, có những người lựa chọn ra đi như một cuộc chạy trốn, hay vì không còn cách nào khác...
Chị L.T.S ở Chi Khê, Con Cuông vốn là một cô gái đẹp nhất nhì trong bản. Học xong lớp 9, ở nhà vài năm, bao nhiêu trai bản ngỏ lời nhưng chị lại “gật đầu” một anh trai ở tận Lượng Minh (Tương Dương). Đối với một cô gái bản như chị S, quê chồng là một miền đất xa vời. Sau thời gian mặn nồng ban đầu, chồng chị “lộ nguyên hình” là một gã nghiện hút. Của nả trong nhà lần lượt được anh ta đem bán. Hết nước mắt với chồng, nhìn ra quanh bản của chồng thấy tệ nạn nghiên hút nhan nhản, chị S thao thiết nhớ vùng quê thanh bình của mình. Thế rồi, chị quyết định ôm con về nhà mẹ đẻ. Để có tiền nuôi con, nuôi mình, chị S theo cánh thanh niên trong bản vào Nam kiếm việc, để lại con nhỏ mới đầy tuổi cho mẹ chị trông hộ. Nỗi nhớ con không lúc nào nguôi trong tâm can người mẹ trẻ. Chị kể, mỗi lần nghe con nói bi bô qua điện thoại là tim gan chị như quặn thắt, nước mắt lại chảy tràn. Cuối năm vừa qua, dù giá vé xe đội lên cao ngất, người nhà khuyên thôi đừng về nữa vất vả, tốn kém, thế nhưng chị ăn chực nằm chờ để kiếm được tấm vé trở về, chị nói: Dù được ôm con trong lòng ít ngày, cũng thỏa nguyện!
Khổ tâm hơn chị S., chị Ngô Thị Thanh ở xóm 5, xã Tường Sơn (Anh Sơn), tết này không về quê. Chị đi làm phụ việc ở Hà Nội, tranh thủ tết ở lại kiếm thêm tiền nhưng lý do quan trọng hơn cả là sợ những trận đòn roi vô cớ của chồng. Ở quê, cuộc sống khó khăn vì ruộng đất ít, làm ăn thiếu kế hoạch, chồng chị từng phiêu bạt hàng chục năm trời làm ăn khắp nơi, trở về với 2 bàn tay trắng. Đã thế, lại mang về cái tật rượu chè, đánh đập vợ con. Khi 2 đứa con chị vừa lớn, chúng lần lượt tìm đường làm ăn xa vì chán cảnh nhà. Chị Thanh ở lại một mình chịu đòn roi của chồng, cuối cùng cũng hết chịu nổi, chị tìm đường đi xa. Số tiền tích cóp được chị gửi về cho chồng nhưng anh ta lại nướng vào rượu chè. Thế là chị đành chọn cách gửi nhờ tiền nhà hàng xóm để mỗi khi thấy anh Mày (chồng chị) quá thiếu thốn, sẽ sang “cho vay” một ít. Tết này, nhớ nhà, nhớ người thân, chị Thanh đành chịu ngậm ngùi.
Muôn nỗi xa quê là thế, người đi nhung nhớ đã đành, người ở nhà cũng vời vợi ngong ngóng. Ở vùng quê nào cũng không hiếm cảnh các cháu bé lớn lên trong vòng tay ông bà, bố mẹ. Có đứa trẻ khi cha mẹ về thăm kiên quyết không nhận “người lạ”. Đi ra đồng thì gặp toàn người già. Việc nhà, việc xóm vì vậy mà đình trệ. Cá biệt, có những người ra đi để rồi vẫn trắng tay trở về. Có người còn mang theo những bi hài kịch: có con không có cha, có người mang về tệ nạn, bệnh tật hay tai nạn trở thành gánh nặng cho bố mẹ ở quê. Có người tan cửa nát nhà vì vợ chồng nghi kị lẫn nhau?! Để rồi, cái cảnh cơm đùm, cơm nắm bắt xe xuôi ngược mỗi dịp tết ra vẫn là cảnh tái diễn mỗi năm trên khắp vùng quê. Người già trong bản thì thở dài: Phải chăng đất mình quá khó, hay do không biết cách làm ăn? Ước chi, có thêm nhiều cái nhà máy ngay tại quê mình để chúng đỡ phải đi xa. Người trẻ thì cũng ấp ủ được học nghề, được tạo việc, được bày dạy cách làm ăn. Bao gương triệu phú, tỉ phú từ trang trại, ao cá, vườn đồi ngay tại quê mình đó thôi.
Xin kết thúc bài viết này bằng niềm vui khấp khởi của ông Nguyễn Văn Hùng (Quỳnh Diễn - Quỳnh Lưu) có 3 người con, 2 con trai đi làm ăn xa, còn cô con gái lấy chồng xã bên. Cách đây 2 năm, ông còn than thở cảnh “nhà cửa vắng lặng” sau tết, năm nay, ông cho biết, đứa con gái thì đã tìm được việc làm công nhân may cho nhà máy ở gần nhà, còn cậu con trai ở TP. Hồ Chí Minh đã quyết định về quê với bố mẹ. “Thôi thì không đâu bằng quê hương, nó trở về tìm hướng đầu tư nuôi tôm cùng với mấy anh em họ hàng, lại làm chỗ đỡ đần cho bố mẹ. Chúng tôi cũng đã bắt đầu già rồi…”.
Vinh - Hoàng - Vi