Mứt Tết: Không chỉ là thức ăn
Không chỉ là món ăn hấp dẫn không thể thiếu trong ngày Tết, mứt còn là vị thuốc chữa được nhiều bệnh, bởi hầu hết các loại quả, củ để chế biến mứt đều là những vị thuốc dân gian công hiệu.
Mứt vừa là món ăn ngon, vừa là thuốc trị nhiều bệnh. Ảnh minh họa |
Mứt sen: Hạt sen là vị thuốc điều trị tỳ hư, tiêu chảy lâu ngày, đái rắt, di mộng tinh, khí hư, hồi hộp, mất ngủ, cơ thể suy nhược, kém ăn, ít ngủ.
Hạt sen và củ sen còn chứa một loại enzyme đặc biệt có tác dụng "hàn gắn, phục hồi" protein trong cơ thể và làm cho làn da luôn trẻ trung.
Bên cạnh đó, hạt sen còn giàu hàm lượng kaempferol, một chất flavonoid tự nhiên rất hữu ích, có tác dụng ngăn ngừa viêm nhiễm, đặc biệt là tác dụng chống viêm các mô lợi.
Chính vì thế, mứt từ hạt sen và củ sen được xếp là loại mứt bổ nhất, vừa có tác dụng an thần với người suy nhược, kém ăn, mất ngủ do dùng nhiều đồ uống kích thích (rượu, cà phê, thuốc lá), vừa giúp bồi bổ cơ thể.
Mứt atiso đỏ: Atiso đỏ (còn được gọi là hồng hoa, bụp giấm, rau chua, hoa vô thường) có tác dụng hỗ trợ giảm huyết áp, giảm cholesterol, thanh nhiệt, giải độc, cung cấp vitamin cho cơ thể, trẻ hóa làn da...
Hoa atiso đỏ có chứa một số chất có tính kháng sinh, nên được dân gian dùng như một phương thuốc trị ho, viêm họng bằng cách lấy đài hoa atiso đỏ chưng với đường phèn, mật ong lấy nước uống vài lần/ngày.
Do đó, mứt atiso không chỉ được coi là món mứt ngon cho ngày Tết mà còn là vị thuốc quý.
Mứt gừng: Gừng có tác dụng giải độc, chống nôn mửa, bụng đầy trướng, đau bụng do ăn uống không điều độ, dùng phòng bệnh viêm đường hô hấp. Gừng kết hợp với đường còn giúp làm ấm người, kích thích tiêu hoá.
Chất gingerol trong gừng tươi, qua sấy khô, làm mứt sẽ thành shoagol. Shoagol nóng hơn gingerol nên có tác dụng làm ấm. Đấy là chưa kể, trong mứt gừng chứa khá nhiều khoáng chất như kali, canxi, sắt, mangan, magnhe, kẽm,… các caroten, vitamin nhóm B, C, E.
Đặc biệt, gừng có tác dụng chống oxy hóa, chống lão hóa mạnh hơn cả vitamin E do chứa 12 hoạt chất chống oxy hóa.
Vì thế, mứt gừng là món không thể thiếu trong ngày Tết trong các gia đình ở miền Bắc và miền Trung.
Mứt quất (tắc): Theo Đông y, quả quất vị ngọt chua, tính ấm, vào các kinh phế, vị, can; có công năng hóa đàm, trị ho, lý khí, giải uất, tiêu thực, giải rượu.
Tinh dầu trong vỏ của quất, quýt, cam có khả năng ngăn ngừa phát sinh ung thư gan, thực quản, đại tràng, da… Vỏ quất cũng rất giàu vitamin C; chất xơ có lợi cho tiêu hóa và hạ được cholesterol, làm vững chắc thành mạch, phòng tăng huyết áp. Hạt quất để cầm máu, chống nôn, giảm ho.
Mứt quất lại có thêm tác dụng giải độc do rượu, thuốc lá gây ra, làm tiêu đờm, chống nôn mửa rất tốt.
Mứt bí đao: Bí đao có tác dụng lợi tiểu, tiêu phù, thanh nhiệt, tiêu viêm, mát tim, bớt mụn nhọt. Vỏ bí đao chữa đái rắt, đái đục, mụn nhọt.
Hạt bí đao cũng dùng rang ăn và dùng chữa ho, giải độc và trị rắn cắn. Lá bí đao giã nát trộn với dấm rịt đắp chữa các đầu ngón tay sưng đau (chín mé).
Mứt bí đao không chỉ thơm, giòn mà còn là thuốc giải nhiệt, tiêu độc rất tốt.
Mứt cà rốt: Cà rốt có tác dụng bổ huyết, kích thích ăn, vì thế rất thích hợp với người ăn khó tiêu, gầy còm, thiếu máu, trẻ em chậm lớn, chậm mọc răng và tiêu chảy kéo dài do thiếu dinh dưỡng.
Mứt cà rốt còn chữa được kiết lỵ mạn tính. Do có nhiều vitamin A, nên mứt cà rốt còn giúp tránh các bệnh về mắt như khô giác mạc, thong manh, quáng gà; giúp vết thương nhanh lành và tăng sức đề kháng của cơ thể.
Mứt táo ta: Táo có các tác dụng an thần, gây ngủ, giảm đau, chống co giật, hạ nhiệt, hạ huyết áp, trị bỏng, ra mồ hôi trộm. Mứt táo còn giúp da dẻ mịn màng và kéo dài tuổi thọ.
Mứt hồng: Nếu bạn bị suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng, ho mạn tính và hay đi tiểu đêm, mỗi ngày hãy ăn khoảng 40g mứt hồng, bệnh sẽ thuyên giảm.
Mứt dừa: Cùi dừa chữa đau vùng thượng vị hoặc ép lấy dầu dừa chữa bỏng, mụn nhọt. Dầu dừa tinh chế là chất béo dễ tiêu hóa, phòng ngừa vữa xơ động mạch.
Mứt dừa có tác dụng nhuận tràng, là vị thuốc chống táo bón trong những ngày Tết do ăn nhiều chất đạm.
Mứt phật thủ: Quả phật thủ được dùng chữa bụng đầy trướng, đau dạ dày, nôn mửa, chán ăn, ho dai dẳng có nhiều đờm; chống khát, hạ sốt, an thần, chữa nhức đầu.
Mứt phật thủ có tác dụng kích thích hô hấp và chữa ho. Những người lo âu và tiêu hoá kém nên dùng mứt phật thủ.
Mứt cà chua: Nhiều sinh tố A dùng cho người suy dinh dưỡng và người lao động nơi nóng, độc vì nó có tác dụng giải nhiệt, giải khát và tăng lực.
Mứt khoai lang: Không chỉ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giải rượu, trị mụn nhọt, mứt khoai lang có tác dụng bồi dưỡng và nhuận tràng.
Những lưu ý khi chế biến và sử dụng mứt Tết
Mứt thường quá ngọt, không thích hợp cho người tiểu đường, người có đường máu cao, béo phì, hay người muốn ăn kiêng.
Một số loại mứt chứa nhiều loại beta carotene hoặc vitamin A, C như mứt cà chua, cà rốt, táo, mận, kiwi… sẽ bị phân hủy do nhiệt độ và thời gian chế biến mứt quá lâu sẽ làm mất tác dụng của các nhóm vitamin.
Do đường nhiều, nên mứt tạo ra năng lượng là chính, không cung cấp đủ thành phần dưỡng chất, nhất là các vitamin, khoáng chất cho cơ thể so với lúc còn tươi, vì vậy không tốt khi dùng cho người già, trẻ em và phụ nữ mang thai trong suốt thai kỳ.
Không nên ăn nhiều hoặc thay thế cho các thực phẩm khác vì ăn nhiều mứt dễ sinh đầy bụng và làm giảm mất cảm giác đói, sẽ làm hạn chế sự ăn vào trong 2 bữa ăn chính.
Theo Chinhphu.vn