Mưu sinh dễ có một nghề

(Baonghean) - "Nhiều năm trước đây, "đội quân" bán máu chuyên nghiệp khá hùng hậu, có sổ do Khoa Xét nghiệm quản lý. Nhưng từ ngày phong trào hiến máu tình nguyện được đẩy mạnh, lượng máu tăng cao, "đội quân" này chỉ còn là số ít.


Quán nước nhỏ của bà Thành (Lê Thị Thành, nhưng trong "thẻ bán máu" ghi tên Lê Thị Hiền) nằm ngay cạnh cổng phụ Bệnh viện tỉnh. Một chiếc bàn nhỏ, vài cái ghế nhựa, tấm bạt căng lên chắn mưa nắng và thường xuyên được dỡ ra dỡ vào khi nhác thấy đội trật tự đi qua, bà Thành bán nước chè vỉa hè kiếm sống sau khi "nghề bán máu" đã vào thời "suy". Sau phút ngần ngại vì biết tôi không phải tìm mua máu mà chỉ để hỏi chuyện, bà vạch áo, chìa hai cánh tay đầy vết sẹo: "Đây, dấu tích hơn 20 năm bán máu. Cũng may, bây giờ có thành quả, con cái lớn khôn, trưởng thành, học hành tử tế. Tôi đỡ vất vả vì có cái quán nhỏ này kiếm thêm".


Mưu sinh dễ có một nghề ảnh 1

25 năm trước, sau khi bị chồng phụ bạc, bà Thành tủi phận rời vùng quê nghèo thuộc tỉnh Thanh Hóa, dắt theo 3 đứa con, đứa lớn 10 tuổi, đứa bé nhất lên 3 vào Vinh. Không nơi nương tựa, không tiền trong tay, bà đành hỏi đường tới Bệnh viện tỉnh bán máu.

Đó là năm 1987, bà nhớ khi đó mình có 32 đồng sau khi bán máu về. Bước chân liêu xiêu trong gió nhưng bà thấy ấm lòng hơn khi nghĩ về một bữa cơm nóng cho con, nghĩ đến nếp nhà nhỏ vừa thuê được đến hạn phải trả tiền. Thế là từ đó, mỗi tháng, khi đến hạn nộp tiền nhà, khi con ốm, khi con nộp tiền học..., bà lại vào viện.

Có sổ theo dõi, quản lý tại Bệnh viện tỉnh, nhưng ngày đó "nếu chờ hạn đến lấy máu như quy định (trước đây là khoảng 2 tháng một lần, bây giờ là 3 tháng) thì có mà... chết đói", bà cũng như nhiều người khác tìm cách dạt đi các bệnh viện khác nhau để bán.

Bà Thành vừa kể, vừa chỉ: "Thời ấy, Cửa hàng ăn uống Cửa Đông bên kia có cả dãy nhà của những người chuyên bán máu. Sau chúng tôi thuê ở trong xóm Xuân Hùng (Hưng Lộc) và tôi ở đó cho đến giờ. Còn có một số xóm có người bán máu ở phía ngoài ga. Phần lớn chúng tôi là người ngoài kia (phía Bắc- chủ yếu là Thanh Hóa-P.V) dạt vào, thuê nhà quanh đây để khi cần, bệnh viện lại gọi đi "rút" cho tiện. Bà Thành cũng chia sẻ những "chiêu thức" tạo máu và để lấy lại sức: "Ngoài uống viên sắt thường xuyên, chúng tôi uống nhiều nước chanh muối. Có người rỉ tai nên ăn thịt bò, gan lợn nhưng lấy đâu ra tiền mà ăn sang thế."


Nhiều bác sỹ của Khoa Xét nghiệm Bệnh viện tỉnh cũng như dân bán máu đều nhắc về cái tên Nguyễn Văn Hồng. Ông Hồng đã mất cách đây 3 năm, là người đứng lên tập hợp đội ngũ bán máu chuyên nghiệp trong một "hội". Ông có hộ khẩu ở xóm Xuân Hùng. Những năm trước đây, ông thường có mặt tại Khoa Xét nghiệm, giúp người hiến máu làm hồ sơ, thủ tục. Ông cũng là người cầm thẻ giúp cho nhiều người bán máu khi họ ngại phải cầm thẻ về nhà, là người nắm được danh sách "hội bán máu" để khi cần thì ông gọi từng người phù hợp với nhu cầu máu của bệnh viện. Ông làm việc với tinh thần giúp đỡ mọi người, cả người cần máu lẫn người bán máu. Số điện thoại của ông được ông giao lại cho một người khác trước khi ông mất để có thể tiếp tục liên lạc với những người bán máu thường xuyên hay có nhu cầu bán máu.


Căn phòng trọ bà Thành thuê trong xóm Xuân Hùng rộng chừng 7-8 m2, đủ để kê chiếc giường và để thêm chiếc xe đạp. Từ căn phòng này, 3 người con lớn lên bằng đồng tiền bán máu của người mẹ, 2 người bây giờ đã trở thành sinh viên Đại học Y khoa Huế và Đại học Hàng hải. "Thương mẹ, đứa nào cũng tiết kiệm, cũng gắng làm thêm. Ngẫm lại, tôi vẫn thấy mình may mắn. Một năm nay, tôi không còn phải thường xuyên đi bán máu nữa, chứ nhiều người còn khổ lắm. Như bà Ngọc chẳng hạn, mới bán xong máu sáng nay ở Viện 4 đấy, rồi chạy về quê (Thanh Hóa) để kịp chăm mẹ già. Hay ông Thịnh vừa ghé qua đây, rút máu xong lả cả người. Rồi còn anh Tịnh, vợ chồng Tuấn Thúy ở trên ga ấy. Đó là những hoàn cảnh thương tâm. Mà khổ thì khổ thật, chứ những người bán máu là những người lương thiện. Có lương thiện mới chịu đi bán máu mình chứ không chịu làm gì khuất tất để ra tiền"- Bà Thành chia sẻ


Lại trong vai người cần mua máu, tôi tìm hỏi nhà anh Tịnh và anh chị Tuấn- Thúy ở xóm cửu vạn ga Vinh. Cúi người thật thấp, tôi mới qua được cái cửa, gặp một không gian sặc mùi ẩm mốc và tăm tối. Nền nhà lồi lõm, trần nhà lở lói và có tới 2 chiếc bàn thờ. Một để thờ mẹ và người vợ đã mất, một để thờ đứa con trai đầu. Bàn thờ đứa con trai thậm chí không có ảnh thờ, chỉ có một tấm ảnh chụp kỷ niệm gắn sơ sài trên tường bằng chút băng dính. Anh Tịnh nằm ngồi trên chiếc giường ọp ẹp, nhường chiếc ghế cũ cho khách. Phải được mẹ vợ (nhà kế bên) sang động viên, anh mới kể chuyện mình:


Anh tên đầy đủ là Ninh Đức Tịnh, quê gốc ở Gia Khánh, Ninh Bình. Sau một biến cố, mẹ anh (là người Nghi Xuân -Hà Tĩnh) dắt díu con cái về đây, xin thuê căn nhà nhỏ trú tại xóm của những người làm thuê, làm mướn (thuộc khối 19- phường Đông Vĩnh). Anh lấy vợ năm 20 tuổi, vợ anh quê Thanh Hóa, cũng là người của xóm trọ nghèo này. Ba đứa con lần lượt ra đời. Hai vợ chồng làm thuê, làm mướn nuôi con, nhưng rồi một ngày chị ra đi vì căn bệnh bướu cổ không có tiền chạy chữa. Ấy là năm 2000, lúc đó anh quẫn quá, không còn đồng tiền nào đong gạo, trong khi nghề cửu vạn lại bấp bênh. Được sự "bày vẽ" của người chị vợ, anh gia nhập "đội quân" bán máu. Chị vợ anh là chị Thúy đã có "thâm niên" bán máu từ năm 18 tuổi. Chồng chị cũng làm nghề này. Nhờ thế mà những đứa con cũng được học chữ, giờ có đứa đã đi học xa.


Lần đầu tiên chìa cánh tay mình lấy máu, anh Tịnh cũng run lắm, khi thấy xung quanh có nhiều bạn trẻ hiến máu ngất đi vì choáng và sợ hãi. Nhưng rồi "cũng cùng đường, mạt nghiệp thôi", anh theo đuổi nghề đó tới giờ. Mặc dù nhìn anh rất xanh xao, gầy gò, đôi mắt trố to hốc hác, nhưng anh vẫn nói: "Tôi cũng thấy sức khỏe bình thường. Từ Tết tới giờ, tôi bán máu 4 lần, mỗi lần 2 bịch máu và được trả 400.000 đồng. Từ ngày Bệnh viện tỉnh siết chặt quản lý việc lấy máu từ người bán máu chuyên nghiệp, tôi và những người khác chuyển sang Viện Quân y 4 và những bệnh viện ở các địa phương khác". Ngoài bán máu, anh Tịnh còn nhặt ve chai. Anh nói: "Theo quy định thì mấy tháng mới được lấy máu, nhưng có ai làm nghề này thực hiện được đâu. Chính tôi cũng đã đi bán một tháng tới 2, 3 lần. Chuyện ngất và choáng là chuyện thường gặp. Thiệt mạng về nghề cũng nhiều. Ấy là trường hợp những bà Ngãi, ông Hùng...chết do suy tủy".


Chị Thúy là chị vợ anh Tịnh, thuê một căn nhà kế bên cũng sang góp chuyện: "Tính đến nay, tôi cũng đã có gần 30 năm đi bán máu. Nghề nghiệp không có, cuộc sống bấp bênh, thôi thì lấy máu mình bán để nuôi con. Bây giờ đứa con gái đi học xa, thi thoảng lại điện về xin tiền, lại còn những đứa sau đi học nữa, làm sao mà dứt "nghiệp" này được chứ?". Mặc dù nhanh nhẹn, nhưng da chị tái mét, đôi môi tím bầm. "Chị có bệnh tật gì không?"- Tôi hỏi. Chị Thúy nhìn tôi tỏ vẻ cảm thông: "Dân bán máu chuyên nghiệp ai mà không xanh, không mét chứ. Dù sao chúng tôi cũng có sự tự hào riêng, máu chúng tôi là máu sạch, được kiểm tra, có sổ theo dõi đàng hoàng. Mặc dù loãng nhưng không bệnh tật."


Còn nhiều nữa, những bà Lâm, bà Dục, bà Liên, ông Thiết, sông Sơn... được nhắc đến trong cuộc trò chuyện của chúng tôi. Mỗi con người một số phận, một câu chuyện dài về những trắc trở, khổ đau đến "phải làm cái nghề tận cùng này". Và tên của họ, từ khi theo nghề đã có thêm một ký hiệu của nhóm máu: Bà Thành A, anh Chiến A, anh Tịnh B, chị Ngọc O... Họ sống và kể về nhau đầy thương yêu, đùm bọc, dù chẳng ai khá giả hơn ai, không ai giúp ai được gì nhiều. Chỉ là một chén nước chè rót không lấy tiền của bà Thành, lời hỏi thăm qua điện thoại, lời chỉ dẫn tận tình mỗi khi ai đó cần mua máu... đã làm nên một cộng đồng nhỏ bé bên cạnh chúng ta mà nếu không để ý, chúng ta sẽ không nhận ra. Cộng đồng nhỏ bé đó, có thể nay mai sẽ không còn tồn tại nữa, khi nhận thức về sức khỏe của con người cao hơn, lượng máu hiến tình nguyện đáp ứng gần với nhu cầu, và mỗi người sẽ tìm được công việc mới khi nhận được sự sẻ chia của tất cả chúng ta...

Thùy Vinh

tin mới

Lao động may Nghệ An

Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

(Baonghean.vn) - Năm 2023, công tác giải quyết việc làm của Nghệ An tiếp tục vượt chỉ tiêu kế hoạch khá cao. Tuy nhiên, việc kết nối cung - cầu về lao động - việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa chặt chẽ; mặt bằng trình độ tay nghề người lao động còn thấp...

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

(Baonghean.vn) - Mua hải sản tươi sống ngay khi thuyền vừa cập bến, ghé tay đẩy thuyền cùng ngư dân, dõi mắt nhìn ngư dân nhanh tay gỡ những con cá, con ghẹ trên mắt lưới; thưởng thức món cá nướng thơm lừng ngay bên bếp than nơi bến cá… là những trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với Cửa Lò.

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

(Baonghean.vn) - Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Lê Văn Lương - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An.

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

(Baonghean.vn) - “Trước đây, để tìm đến và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi thường phải về tận các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa. Nhưng bây giờ, chúng tôi chỉ cần đến Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, ở đó luôn có những bệnh nhân khổ nhất, những con người cần hỗ trợ nhất”.

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

(Baonghean.vn) - Ngày 24/3, tại xã Châu Kim (Quế Phong) đã diễn ra Hội thi quăng chài lần thứ nhất năm 2024. Đây là hoạt động nhằm duy trì và phát triển nghề chài của địa phương cũng như góp phần làm phong phú thêm các hoạt động trong Lễ hội Đền Chín Gian năm 2024.

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

(Baonghean.vn) -  Xây dựng đường giao thông, tổ chức bữa cơm yêu thương, tặng quà cho học sinh khó khăn… là những hoạt động của đoàn viên thanh niên xã Na Ngoi và các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về màu áo xanh tình nguyện nơi biên cương Tổ quốc.

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3, tại thành phố Nha Trang, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Indonesia năm 2024". Hội nghị là hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia.

Vui hội đền Chín Gian

Vui hội đền Chín Gian

(Baonghean.vn) - Đền Chín Gian tọa lạc trên đỉnh Pú Chò Nhàng thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

(Baonghean.vn) - Sáng 21/3, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành đã đến thăm, động viên cán bộ, nhân viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.