Mỹ hỗ trợ Iraq: Kiềm chế ảnh hưởng Iran

16/04/2015 09:44

(Baonghean) - Trong chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ trên cương vị Thủ tướng Iraq, ông Haider al-Abadi đã thành công khi tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự trị giá hàng trăm triệu đôla từ Mỹ để chống lại nhóm phiến quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Diễn biến thực sự quan trọng trong bối cảnh cuộc chiến chống IS đang bước vào giai đoạn khốc liệt. Tuy vậy, khía cạnh đáng chú ý hơn lại liên quan đến chính sách của Mỹ với quốc gia Vùng Vịnh này. Giới quan sát cho rằng, một trong những lý do khiến Mỹ “hào phóng” hỗ trợ Iraq bởi đây chính là cơ hội cho chính quyền của Tổng thống Obama kiềm chế ảnh hưởng của Iran đối với Iraq cũng như các vấn đề của khu vực.

Việc can dự của Mỹ vào Iraq cho đến nay vẫn là chủ đề nhạy cảm của nước Mỹ. Chấm dứt cuộc chiến “hao người tốn của” tại Iraq trong 1 thập kỷ là cam kết đã đưa Tổng thống Obama đắc cử nhiệm kỳ thứ 2, do đó việc Mỹ tăng cường sự hiện diện tại Iraq đã khiến ông Obama gặp không ít phản đối từ dư luận trong nước.

Người Mỹ không muốn can dự vào một cuộc chiến nào nữa tại khu vực này, trong khi Quốc hội nằm trong tay các nghị sĩ Cộng hòa cũng gây khó dễ cho chính phủ của ông Obama với các hành động hạn chế ngân sách.

Thế nhưng trong cuộc tiếp Thủ tướng Iraq al-Abadi lần này, Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết tiếp tục ủng hộ Iraq huấn luyện và trang bị khí tài trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng cũng như cung cấp các khoản viện trợ nhân đạo cho người dân quốc gia Vùng Vịnh này.

Cụ thể, Tổng thống Obama cho biết sẽ viện trợ nhân đạo 200 triệu USD để giúp Iraq tái thiết những khu vực dân sự bị tàn phá trong cuộc chiến chống IS mới đây như xung quanh thành phố Tikrit và một số nơi khác.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) tiếp Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi tại Nhà Trắng ngày 14/4.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) tiếp Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi tại Nhà Trắng ngày 14/4.

Không khó hiểu trước sự “hào phóng” của Mỹ dành cho Baghdad. Những bước tiến trong cuộc chiến chống IS gần đây tại Iraq đã khiến Mỹ “dễ quyết định hơn” trong việc hỗ trợ Iraq. Theo thông báo mới nhất, Mỹ cho biết, sau các cuộc không kích của liên quân do nước này đứng đầu cùng quân đội Iraq, IS hiện mất kiểm soát 20 đến 30% lãnh thổ nắm giữ.

Tất nhiên, để đẩy nhanh hơn tiến trình đánh bật hoàn toàn IS, Mỹ cần phải đóng vai trò lớn hơn nữa trong cuộc chiến này và việc hỗ trợ Iraq là điều cần thiết. Hơn nữa, chính quyền Tổng thống Obama lại có nhiều “thiện cảm” hơn với chính phủ Iraq dưới thời Thủ tướng al-Abadi sau thời gian căng thẳng với chính phủ của người tiền nhiệm - Nuri Al Maliki. Thế nhưng tất cả những điều này mới được coi là “bề nổi” của vấn đề. Giới quan sát cho rằng, lý do chính khiến Mỹ gia tăng hỗ trợ Iraq là vì một nhân tố khác, là Iran.

Trước chuyến công du Mỹ của Thủ tướng al-Abadi, chính quyền Iraq từng “bóng gió” rằng nếu không nhận được sự giúp đỡ từ Washinhton, họ sẽ tiếp tục cậy nhờ nước láng giềng Iran, vốn đang hỗ trợ nhiều cho họ từ khi cuộc chiến chống IS bắt đầu.

Tại thời điểm này, Iran là nước duy nhất có thể tập hợp lực lượng người Kurd, quân đội Iraq và dân quân Shiite lại với nhau để đối phó với IS. Khách quan mà nói, cuộc chiến chống IS đã đưa Iraq - Iran xích lại gần nhau.

Điều này khiến người Mỹ thực sự quan tâm, thậm chí bày tỏ sự lo ngại. Mỹ luôn cho rằng việc Iran hỗ trợ Iraq chống lại IS là “một điều tích cực nếu việc đó không gây nên sự chia rẽ giáo phái”, ngầm ý cho rằng Iran có thể lợi dụng cuộc chiến với IS để trả thù giáo phái nhắm vào người Sunni. Lo ngại này không phải không có cơ sở khi Iraq đang phải thừa kế một di sản của chủ nghĩa bè phái, với sự xung đột giữa các cộng đồng người Sunni và Shiite.

Theo các nhà phân tích, đã có nhiều người nghĩ đến việc quân đội Iraq trở thành một lực lượng của người Hồi giáo Shiite và sẽ trở thành “tai mắt” của Iran tại Iraq trong tương lai. Bởi vì hiện nay chính phủ tại Baghdad do người Shiite nắm đa số, trong khi lực lượng dân sự Shiite được Iran vũ trang chiếm khoảng 2/3 các lực lượng Iraq.

Các quan chức Mỹ lo ngại mâu thuẫn sắc tộc khi các lực lượng Shiite có thể đàn áp cộng đồng người Sunni sau khi đẩy lùi được các tay súng IS. Xa hơn, họ lo ngại rằng, Iran cũng sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng của mình không chỉ ở Iraq, Syria và Yemen mà còn tới các khu vực khác tại Trung Đông - nơi có nhiều lợi ích chiến lược của Mỹ.

Không thể phủ nhận, Iran có ảnh hưởng tại Iraq từ khá lâu, nhưng chưa bao giờ mức độ ảnh hưởng đó được thể hiện rõ rệt như trong thời gian một năm qua, khi quân đội Iraq không thể chống cự nổi lực lượng IS tung hoành khắp miền Bắc đất nước. Giới chức Iraq đánh giá cao sự đáp ứng mau chóng của Iran trước yêu cầu cấp bách về vũ khí và trợ giúp ngoài mặt trận. Trong khi đó, họ chỉ trích liên quân quốc tế không giúp sức trên bộ.

Trước chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Al Abadi thẳn thắng nói rằng Mỹ đã gia tăng hỗ trợ "nhưng chúng tôi muốn thấy nhiều hơn nữa," nhất là trong bối cảnh Baghdad đang nỗ lực chiếm lại nhiều những phần lãnh thổ đã rơi vào tay những tay súng nhóm IS hồi năm ngoái. Chính vì thế, cam kết hỗ trợ Iraq vừa được Tổng thống Obama đưa ra được xem là cơ hội của Mỹ nhằm gia tăng ảnh hưởng tại quốc gia này cũng như ngăn chặn sự ảnh hưởng của Iran ngày càng gia tăng tại Iraq./.

Thanh Huyền

Mới nhất
x
Mỹ hỗ trợ Iraq: Kiềm chế ảnh hưởng Iran
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO