Mỹ không dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga đến khi có thỏa thuận về Ukraine
Ngoại trưởng Mỹ đã thông báo với các đồng minh châu Âu về việc nước này chưa dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga, cho đến khi có ít nhất một thỏa thuận về Ukraine.

Theo hãng TASS, ngày 19/2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định với các đồng minh của Mỹ ở châu Âu rằng, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga sẽ vẫn có hiệu lực, ít nhất cho đến khi đạt được một thỏa thuận về Ukraine.
Một nguồn tin riêng của Bloomberg cho hay, ông Rubio đã nêu kế hoạch này sau khi ông tham gia đàm phán với phái đoàn Nga tại Ả Rập Xê-út.
Các đồng minh châu Âu của Mỹ đã thể hiện sự lo ngại trước cách tiếp cận của Washington với Moskva, có sự thay đổi đáng kể sau cuộc gặp đầu tiên giữa phái đoàn Mỹ và Nga ngày 18/2. Các quan chức cấp cao của hai bên gặp nhau chỉ một tháng, sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, trong khi Ukraine và các đối tác NATO bị gạt sang một bên.
Theo Reuters, việc ông Trump vội vàng áp đặt lệnh chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm dấy lên lo ngại về một thỏa thuận hòa bình với Tổng thống Putin, có thể làm suy yếu an ninh của Kiev và châu Âu, cũng như thay đổi bối cảnh địa chính trị.
"Thực tế đáng lo ngại là ông Trump đã đưa Nga từ quốc gia bị tẩy chay trở thành đối tác được đánh giá cao chỉ trong vòng vài ngày. Điều đó phải trả giá", Brett Bruen, cựu cố vấn chính sách đối ngoại trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết.
Ngay cả trước các cuộc đàm phán, các chính trị gia châu Âu đã chỉ trích Tổng thống Trump đã nhượng bộ Nga miễn phí vào tuần trước bằng cách loại trừ tư cách thành viên NATO cho Ukraine và nói rằng Kiev chỉ là ảo tưởng khi tin rằng họ có thể giành lại 20% lãnh thổ hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Reuters cho hay, cuộc gặp gỡ giữa hai phái đoàn chứng kiến Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và trợ lý chính sách đối ngoại của Điện Kremlin Yuri Ushakov - hai quan chức đã dành tổng cộng 34 năm trong vai trò hiện tại - đàm phán với ba trợ lý của Tổng thống Trump trong tháng đầu tiên họ nhậm chức - Ngoại trưởng Marco Rubio, cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz và đặc phái viên của Trump Steve Witkoff.
"Phái đoàn Mỹ hầu như là những người không có kinh nghiệm đàm phán quốc tế cấp cao, không có chuyên môn khu vực về Ukraine và Nga, và không có kiến thức ngoại giao liên quan", Timothy Snyder, giáo sư Đại học Yale và chuyên gia về Nga đưa ra đánh giá.
Brett Bruen, cựu cố vấn chính sách đối ngoại trong chính quyền ông Obama mô tả đây là "giờ phút nghiệp dư" đối với bộ máy an ninh quốc gia của Tổng thống Trump.
Trong khi đó, Brian Hughes, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, cho biết: "Tổng thống Trump đã xây dựng một đội ngũ mạnh mẽ, hiện đang chứng minh chương trình nghị sự hòa bình thông qua sức mạnh của mình bằng hành động".