Mỹ lại "ra đòn" với Trung Quốc

10/03/2016 09:32

(Baonghean) - Câu chuyện gián điệp thương mại từ nhiều năm qua vẫn luôn được xem là vấn đề nổi cộm trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Thế nhưng những mâu thuẫn này một lần nữa lại bị đẩy lên cao khi ngày 8/3 vừa qua, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tập đoàn thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE vi phạm lệnh cấm vận Iran. Sự việc này được dư luận ví như “gáo nước lạnh” vào ZTE cũng như mối quan hệ đầy nghi kỵ vẫn luôn tồn tại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Logo của Tập đoàn ZTE. Ảnh: BBC.
Logo của Tập đoàn ZTE. Ảnh: BBC.

Với nghi vấn về những giao dịch của Tập đoàn thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE, Bộ Thương mại Mỹ đã tiến hành điều tra và làm rõ việc ZTE có mua các sản phẩm của Mỹ thông qua các công ty bình phong rồi chuyển chúng đến Iran hay không.

Kết quả cuộc điều tra cho thấy ZTE đã ký hợp đồng để xuất khẩu phần cứng và phần mềm trị giá hàng triệu USD cho Công ty dịch vụ viễn thông lớn nhất Iran TCI, cũng như một công ty con của công ty này, tức là ZTE đã bán mọi thứ từ các nhà sản xuất như Microsoft, Dell, Oracle và IBM cho viễn thông Iran.

Dựa trên những kết quả này, Chính phủ Mỹ đã ra quyết định trừng phạt tập đoàn ZTE với lý do “rõ ràng” đó là hãng này né tránh các lệnh trừng phạt đối với Iran. Theo đó, ZTE sẽ không còn được các nhà sản xuất Mỹ cung ứng linh kiện.

Ngoài ra, các biện pháp hạn chế đòi hỏi tất cả các nhà cung cấp nước ngoài của tập đoàn ZTE phải xin giấy phép của Bộ Thương mại Mỹ, trước khi xuất khẩu bất cứ thiết bị hay linh kiện nào được sản xuất tại Mỹ cho tập đoàn này. Quyết định trên cũng đồng nghĩa với việc tập đoàn ZTE sẽ gặp khó khăn hơn khi mua các sản phẩm của Mỹ, vì rất nhiều khả năng Bộ Thương mại Mỹ sẽ bác các đơn xin giấy phép.

Ngay khi lệnh cấm này được đưa ra, các giao dịch mua bán cổ phiếu của ZTE tại thị trường chứng khoán Hồng Kông và Thâm Quyến đã bị tạm dừng. Hãng tin Reuters trích thông báo của ZTE tại thị trường chứng khoán Hồng Kông và Thâm Quyến cũng cho biết, cổ phiếu của ZTE giảm gần 20% ở cả hai thị trường từ đầu năm đến nay, trước khi bị ngừng giao dịch.

Nhiều chuyên gia phân tích cũng đưa ra nhận định về những tác động từ lệnh cấm khi cho rằng, hạn chế này sẽ không làm ảnh hưởng đến doanh số điện thoại thông minh của ZTE tại Mỹ, hoặc ngay lập tức tác động đến hoạt động sản xuất tổng thể của hãng này vì ZTE đã hoàn tất việc mua các linh kiện hãng cần cho năm 2016, song không loại trừ khả năng, ZTE có thể bị gián đoạn chuỗi cung ứng nếu biện pháp trừng phạt được áp dụng đủ lâu.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng giận dữ với quyết định của Mỹ  Ảnh: Bloomberg.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng giận dữ với quyết định của Mỹ Ảnh: Bloomberg.

Như vậy, lệnh trừng phạt của Mỹ đã có những ảnh hưởng ban đầu đến tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc ZTE. Chính vì vậy, dư luận cũng không có gì bất ngờ với những phản ứng của Trung Quốc.

Phản đối, giận dữ là những gì Bộ Ngoại giao nước này đã thể hiện trước quyết định của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thậm chí còn gọi đây là những hành động làm tổn hại tới quan hệ song phương khi nói rằng, Trung Quốc phản đối việc Mỹ viện dẫn các luật trong nước để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với doanh nghiệp Trung Quốc. Bắc Kinh hy vọng Mỹ dừng hành động sai trái này và tránh làm tổn hại quan hệ song phương và hợp tác thương mại Trung - Mỹ.

Có thể gọi những cáo buộc về vấn đề “gián điệp thương mại” giữa Mỹ và Trung Quốc là vấn đề “cơm bữa” và luôn đẩy những căng thẳng vốn có giữa 2 nước lên cao, song dư luận đặt câu hỏi, vì sao Trung Quốc vẫn bất chấp những quy định quốc tế để “đi đêm” với các công ty của Iran.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, sở dĩ từ lâu, Trung Quốc luôn mong muốn chiếm được vị trí quan trọng tại quốc gia Trung Đông này. Xác lập mối quan hệ làm ăn chặt chẽ khi quốc gia này được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế được xem là mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc.

Sự hợp tác với Iran cũng được giới quan sát nhận định cũng sẽ quan trọng tương đương với sự hợp tác với Arập Saudi và quan trọng hơn, Iran có thể được xem là chiêu mặc cả trong mối quan hệ Trung - Mỹ. Do vậy, Iran có vai trò chiến lược và địa chính trị đặc biệt đối với Trung Quốc. Với tất cả những lý do này, dư luận cho rằng, việc Trung Quốc thông qua các công ty hỗ trợ cho Iran là hoàn toàn có thể hiểu được.

Trên thực tế, không phải bây giờ mà từ rất lâu, không ZTE thì tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc đã luôn nằm trong tầm ngắm của chính quyền Mỹ và cũng không dưới 1 lần hai tập đoàn này bị cáo buộc hoạt động không độc lập với chính quyền Bắc Kinh.

Vụ việc lần đầu tiên được đưa ra vào tháng 3/2012, thời điểm mà ZTE tiến hành mua các thiết bị giám sát có thể được cung cấp cho TCI để do thám hoạt động các công dân Iran. Và hợp đồng mà 2 công ty này ký kết vào tháng 12/2010 trị giá đến 130,6 triệu USD.

Nhờ vậy, TCI có thể đã nhận được các thiết bị đến từ HP, Dell, Cisco và một số công ty khác. Thăm dò của Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI phát hiện ZTE đã cố gắng che giấu các hợp đồng với TCI bằng cách tách nhỏ các tài liệu để lừa cơ quan điều tra Mỹ dù các hành động vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Vẫn biết, lúc nào Mỹ cũng như Trung Quốc đều có những lý do cho những cáo buộc của mình, song không khó để có thể nhận ra những lợi ích thực sự đằng sau những việc làm này. Và sự trừng phạt qua lại cũng như những nghi kỵ sẽ tiếp tục là rào cản không bao giờ hóa giải trong mối quan hệ Mỹ - Trung.

Thanh Hiền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Mỹ lại "ra đòn" với Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO