Mỹ muốn các nước hoặc ngừng nhập dầu Iran, hoặc chịu trừng phạt
(Baonghean.vn) - Chính quyền Trump mong muốn tất cả các quốc gia giảm lượng dầu lửa nhập khẩu từ Iran về 0, hoặc sẽ phải đối diện với các đòn trừng phạt của Mỹ. Đây là thông tin được một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ hôm 26/6 trong bối cảnh giá dầu tăng mạnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN |
Quan chức này cho biết, sẽ không có ngoại lệ nào được đưa ra với các nước hiện mua dầu từ Tehran. “Chúng tôi xem đây là một trong những ưu tiên an ninh quốc gia hàng đầu của mình”, người này nói với báo chí. “Tôi không khẳng định là ‘không có miễn trừ’, nhưng tôi nghĩ khả năng là sẽ không có, chúng tôi sẽ không cấp miễn trừ”.
Thông điệp mới nhất từ Mỹ cho thấy chính quyền Trump đang nắm giữ đường lối cứng rắn với các đồng minh quốc tế khi nước này rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 mà theo đó Iran từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy giảm nhẹ trừng phạt.
Lập trường cứng rắn của Washington đã khiến giá dầu tăng cao. Dầu thô của Mỹ tăng 3,5% lên mức 70,5 USD/thùng. Giá cả tăng mạnh trong năm nay, một phần là do các quan ngại về các đòn trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran làm gián đoạn nguồn cung từ quốc gia OPEC này.
Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần phàn nàn về giá dầu quá cao, kể cả khi các chính sách của ông có vai trò dẫn đến thực tế này. “Giá dầu hiện quá cao, OPEC lại thế rồi. Không tốt chút nào!”, Trump viết trên Twitter hồi tháng trước.
Tuần trước, OPEC đã đồng ý bơm thêm dầu để bù đắp thiếu hụt các thùng dầu từ Iran.
Chính quyền Mỹ đã thông báo nước này rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5, cho các công ty và các chính phủ 6 tháng để chấm dứt các hoạt động liên quan đến năng lượng trước khi các đòn trừng phạt được tái áp đặt vào ngày 4/11.
Đức, Pháp và Anh - các bên tham gia ký kết thỏa thuận, được gọi là nhóm nước E3 - đã phản đối quyết định rời bỏ thỏa thuận này của Mỹ và vận động Nhà Trắng không áp đặt cái gọi là “các đòn trừng phạt thứ cấp” nhằm vào các công ty của họ có quan hệ làm ăn với Iran, với hy vọng giữ được thỏa thuận này dù không có sự tham gia của Mỹ.
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã đề cập ở trên cho biết: “Chúng tôi vẫn can dự cùng E3 trong suốt tiến trình này, đồng thời chúng tôi sẽ tiếp tục vươn sang các nước mới và tiếp cận các đối tác mới trong những tuần tới”.
Giới chức Mỹ trong những tuần gần đây đã có các chuyến đi tới châu Âu và châu Á để tìm cách có được ủng hộ đối với chính sách Iran cứng rắn hơn của chính quyền Mỹ.
“Chúng tôi đã có các đòn trừng phạt thứ cấp liên quan tới Iran từ năm 1996 - Đạo luật Trừng phạt Iran và Libya”, vị quan chức này lưu ý. “Đây là những cuộc thảo luận mà chúng tôi đã cực kỳ quen thuộc rồi”.
“Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm ngoại giao để thúc giục, thuyết phục, đàm phán với các đối tác nhằm giảm các khoản đầu tư của họ về 0”, người này nói thêm, đồng thời xác nhận thông điệp của họ “đôi khi gây thách thức” đối với các đối tác của Mỹ.
Tuần trước, Bộ trưởng Dầu lửa Iran Bijan Zanganeh nói với CNN rằng ông đã chứng kiến nhiều khách hàng quay lưng vì các đòn trừng phạt của Mỹ. Zanganeh nói: “Người ta không thể áp đặt các đòn trừng phạt thương mại đơn phương mà đồng thời mong thị trường dầu lửa toàn cầu không thể hiện phản ứng bất lợi”.