Mỹ quyết định hành động quân sự tại Iraq sau 13 năm

11/08/2014 09:11

(Baonghean) - Sau một thời gian cân nhắc các phương án trước tình hình ngày càng bất ổn tại Iraq, ngày 8/8, Tổng thống Mỹ cũng quyết định tiến hành không kích nhằm vào phiến quân Hồi giáo tại quốc gia Trung Đông này. Những cuộc không kích là hành động quân sự đầu tiên của Mỹ tại Iraq kể từ khi chấm dứt cuộc chiến dài 8 năm và rút quân khỏi đây vào năm 2011. Mặc dù đang cố gắng thể hiện vai trò “người bảo vệ” cho Iraq, song Tổng thống Obama vẫn khẳng định sẽ không có kịch bản Mỹ sẽ gửi quân quay trở lại chiến trường này.

Những người thuộc cộng đồng Yazidi chạy trốn sự đe dọa của các phiến quân Nhà nước Hồi giáo. Ảnh: Reuters
Những người thuộc cộng đồng Yazidi chạy trốn sự đe dọa của các phiến quân Nhà nước Hồi giáo. Ảnh: Reuters

TIN LIÊN QUAN

Ngay sau quyết định của Tổng tống Barack Obama, trong các ngày cuối tuần, các máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của Mỹ đã thực hiện hàng loạt cuộc không kích nhằm vào phiến quân của nhóm tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS), phá hủy các xe bọc thép, xe tải, các khẩu đạn pháo đang bắn vào dân thường. Tổng thống Obama đã không đặt hạn chót cho chiến dịch không kích này và khẳng định “sẽ tiếp tục không kích chống lại lực lượng thánh chiến Hồi giáo ở Iraq nếu cần thiết để bảo vệ các nhà ngoại giao và cố vấn quân sự Mỹ tại đây”. Mục tiêu của chiến dịch không kích là giúp quân đội Iraq phá vỡ vòng vây của nhóm phiến quân IS tại núi Sinjar, nơi hàng nghìn người tị nạn thuộc nhóm sắc tộc thiểu số Yazidi bị đe dọa sát hại.

Các cuộc giao tranh tại Iraq đã bùng phát sau chiến dịch tấn công của lực lượng IS kéo dài hơn hai tháng qua, làm hơn 150 chiến binh người Kurd thiệt mạng và khoảng 500 người bị thương. Và trong suốt thời gian này, ông Barack Obama không hề “rời mắt” khỏi Iraq để cân nhắc các lựa chọn. Quyết định không kích chỉ đến sau một cuộc họp với sự có mặt của gần 50 nguyên thủ các quốc gia châu Phi tại Nhà Trắng, tại đó, toàn bộ lãnh đạo đều nhận ra rằng người Iraq đã cố gắng hết sức nhưng thất bại. Nhóm người Yazidi đã phải chạy lên núi để tránh cuộc truy sát của các tay súng IS. Giới hạn cuối cùng là việc lực lượng người Kurd, đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Iraq cũng đã phải rời bỏ con đập thủy điện lớn nhất Iraq rút về thành phố Ibril, nhường quyền kiểm soát con đập cho phiến quân IS. Điều này đồng nghĩa với việc phiến quân có thể làm ngập các thành phố hay cắt nguồn cung cấp nước và điện cho cả một khu vực rộng lớn – một hậu quả hết sức nguy hiểm. Vì vậy, Mỹ cần phải kịp thời chặn đứng IS, trước khi Ebril – địa điểm chiến lược, thủ phủ của người Kurd, nơi tọa lạc của Tòa lãnh sự Mỹ cùng với khoảng 800 binh sĩ được ông Obama cử đến Iraq từ hồi đầu năm – thất thủ.

Mặc dù nhấn mạnh rằng, Mỹ “không thể và không nên can thiệp vào mọi cuộc khủng hoảng trên thế giới”, nhưng ông Obama cho rằng, khi hàng nghìn người vô tội trên núi Sinjar đang phải đối mặt với một vụ thảm sát thì Mỹ “không thể quay đi”. Trong một bài phát biểu, ông Obama nói rõ “Khi chúng ta gặp tình huống như thế trên ngọn núi đó, với những người vô tội đang đối mặt với bạo lực ở một quy mô khủng khiếp, khi chúng ta có nhiệm vụ giúp đỡ theo đề nghị từ chính quyền Iraq trong trường hợp này, và khi chúng ta có những khả năng độc nhất để ngăn chặn một cuộc thảm sát, thì tôi tin nước Mỹ không thể nhắm mắt làm ngơ". Có lẽ chính bởi sự “chính danh” này mà hành động không kích của Mỹ vào Iraq đã được một số quốc gia lên tiếng ủng hộ. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng, đây là cách duy nhất vào thời điểm hiện nay để chặn bước tiến của IS. Tổng thống Pháp Francois Hollande hoan nghênh "quyết định quan trọng" của Tổng thống Obama, đồng thời cam kết "hỗ trợ khi cần thiết". Anh cũng thể hiện sự ủng hộ với Mỹ khi cho biết sẽ hỗ trợ Mỹ trong các chiến dịch nhân đạo. Và quan trọng hơn, chính người dân tại Iraq cảm thấy cần có sự hỗ trợ của Mỹ, nhiều người đang di tản đã thở phào nhẹ nhõm khi nghe tin Mỹ không kích vào các cơ sở của phiến quân IS.

Điều mà nhiều người quan tâm hiện nay là bước đi tiếp theo của Mỹ để người dân Iraq “có cơ hội tiến tới một tương lai tốt hơn” – như lời của Tổng thống Obama. Rõ ràng, Mỹ không thể đánh mất thể diện khi bỏ ngơ Iraq trong tình trạng hỗn loạn. Thế nhưng Mỹ cũng chắc chắn không có ý định gửi quân quay trở lại Iraq, bởi 8 năm sa lầy trước đây tại chiến trường này đã là quá đủ cho người Mỹ. Mỹ đã từng tuyên bố rằng, nước Mỹ không thể giải quyết vấn đề của Iraq bằng vài chục ngàn binh sĩ hoặc những cuộc ném bom trên diện rộng, đồng thời đưa ra lời kêu gọi thành lập chính phủ mới để xây dựng cơ chế đối thoại giữa các thế lực tại Iraq. Mặc dù Tổng thống Barack Obama đã từng tránh đề cập một cách trực tiếp đến việc Tổng thống Iraq Nuri al Maliki từ chức khi nói rằng "nước Mỹ không có quyền quyết định người lãnh đạo Iraq", nhưng theo các chuyên gia, không khó để nhận thấy những bất mãn đối với Maliki. Vì vậy, nhiều khả năng sau khi tạm ngăn chặn được đà tiến quân của lực lượng IS, Mỹ sẽ lại tiếp tục với những nỗ lực ngoại giao, ít nhất là để có được một sự thỏa hiệp nhất định của chính phủ Iraq trong việc thu hẹp khoảng cách giữa các phái Shi'ite, Sunni và Kurd.

Thúy Ngọc

Mới nhất
x
Mỹ quyết định hành động quân sự tại Iraq sau 13 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO