Quốc tế

Mỹ sẽ bất lợi hơn trong cuộc chạy đua hạt nhân với các cường quốc?

Hoàng Bách 30/09/2024 17:43

Chuyên gia Jeffrey Lewis đã đề cập một bài viết gần đây trên Foreign Affairs của Robert O’Brien - cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump từ năm 2019-2021, người nhấn mạnh Washington phải thử nghiệm vũ khí hạt nhân mới "trong thế giới thực" thay vì "sử dụng mô hình máy tính" để "duy trì ưu thế về kỹ thuật và số lượng" trước kho vũ khí hạt nhân của Nga và Trung Quốc.

shutterstock_1403094758_681765894906-scaled.jpeg
Ảnh minh họa: Shutterstock

Theo hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin hôm 30/7, Jeffrey Lewis - giáo sư tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury tại Monterey cho biết trong một bài viết bày tỏ quan điểm trên Tạp chí Foreign Affairs rằng, Mỹ sẽ thua trong cuộc chạy đua hạt nhân nếu tiếp tục thử hạt nhân vì Nga và Trung Quốc sẽ nhanh chóng bắt kịp.

Chuyên gia Lewis thận trọng cảnh báo: “Đừng phạm sai lầm: Việc nối lại thử nghiệm vũ khí hạt nhân sẽ gây bất lợi cho Mỹ”.

Theo vị chuyên gia, những người có thể phục vụ trong chính quyền mới của Washington nếu ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa là ông Donald Trump tái đắc cử, "một lần nữa sẽ đưa ra ý tưởng vô ích về việc Mỹ tiếp tục thử vũ khí hạt nhân".

Ông Lewis đã đề cập đến một bài viết mới đăng tải gần đây trên Tạp chí Foreign Affairs của Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump từ năm 2019 đến năm 2021, người nhấn mạnh rằng, Washington phải thử nghiệm vũ khí hạt nhân mới "trong thế giới thực" thay vì "sử dụng các mô hình máy tính" để "duy trì ưu thế về kỹ thuật và số lượng" trước kho vũ khí hạt nhân của Nga và Trung Quốc.

Chuyên gia này cho rằng, một diễn biến như vậy có thể dẫn đến việc Moskva và Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục thử nghiệm hạt nhân. Theo ông, Nga và Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ tình hình như vậy nhiều hơn so với Mỹ.

Ông Lewis nói thêm: "Hơn nữa, các quốc gia có vũ khí hạt nhân mới hoặc đang nổi lên - chẳng hạn như Iran hoặc Saudi Arabia sẽ không cảm thấy bị ràng buộc khi thực hiện các vụ nổ thử nghiệm. Kết quả là kẻ thù của Mỹ có sở hữu vũ khí hạt nhân thậm chí sẽ có năng lực cao hơn nữa”.

Theo TASS, Mỹ đã dừng thử nghiệm hạt nhân vào năm 1992. Quyết định này được đưa ra bởi chính quyền Tổng thống George Bush S.

Năm 1996, 187 quốc gia đã ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), tuy nhiên, hiệp ước này chưa bao giờ có hiệu lực vì chưa được 8 trong số 44 quốc gia có vũ khí hạt nhân hoặc phương tiện để tạo ra chúng phê chuẩn, bao gồm cả Mỹ.

Vào ngày 2/11/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một đạo luật, theo đó, Moscow sẽ hủy bỏ việc phê chuẩn CTBT. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, điều này không đồng nghĩa với việc Nga đang có kế hoạch tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân.

Cùng ngày 30/7, trong một báo cáo do nhóm nghiên cứu RAND Corporation công bố, Ủy ban Chiến lược Quốc phòng Mỹ cho biết, Washington không thể một mình cạnh tranh với Moskva và Bắc Kinh.

"Mỹ không thể một mình cạnh tranh với Trung Quốc, Nga và các đối tác của họ - và chắc chắn không thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến theo cách đó", báo cáo có đoạn.

Ủy ban trên nhấn mạnh, Mỹ cần phải củng cố các đồng minh của mình. "Các liên minh không phải là thuốc chữa bách bệnh, nhưng cơ cấu lực lượng của Mỹ phải tính đến các lực lượng và cam kết từ các đồng minh của Mỹ", báo cáo lưu ý.

Theo tài liệu này, quan hệ đối tác Nga-Trung "chỉ vừa sâu sắc hơn và mở rộng" gần đây.

"Sự liên kết mới này của các quốc gia phản đối lợi ích của Mỹ tạo ra một rủi ro thực sự, nếu không muốn nói là khả năng xảy ra, rằng xung đột ở bất kỳ đâu cũng có thể trở thành một cuộc chiến tranh đa chiến trường hoặc toàn cầu", báo cáo viết thêm.

Theo TASS
Copy Link
Mới nhất
x
Mỹ sẽ bất lợi hơn trong cuộc chạy đua hạt nhân với các cường quốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO