Mỹ - Trung Quốc: Xung quanh mối quan hệ chi phối thế giới

12/06/2015 08:48

(Baonghean) - Trên báo Nghệ An số ra ngày 11/6, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an đã đưa ra những nhận định, quan điểm xung quanh Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm 2015. Báo Nghệ An tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc những phân tích của Thiếu tướng về diễn biến mới nhất trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ - “hạt nhân” của nhóm G7.

TIN LIÊN QUAN

Mỹ - Trung Quốc: Mối quan hệ  vừa hợp tác vừa cạnh tranh. Ảnh: AP
Mỹ - Trung Quốc: Mối quan hệ vừa hợp tác vừa cạnh tranh. Ảnh: AP

Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, gần đây, có rất nhiều ý kiến xung quanh mối quan hệ ngày càng có chiều hướng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Xin Thiếu tướng lý giải vì sao mối quan hệ này lại đi đến tình trạng như vậy?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việc Mỹ và Trung Quốc căng thẳng với nhau, nói là mới thì cũng không hẳn. Để lấy một mốc thời gian gần đây, tôi cho rằng có lẽ là từ năm 2010, mối quan hệ này bắt đầu thể hiện những mâu thuẫn, xích mích.

Xin nhắc để bạn đọc nhớ, vào tháng 4 năm 2010, Trung Quốc công bố GDP của họ đạt 5.800 tỷ USD, vượt con số 5.480 tỷ USD của Nhật Bản để trở thành nền kinh tế thứ hai của thế giới, chỉ sau Mỹ. Từ sau mốc thời gian này, người ta nhận định Trung Quốc bắt đầu có thay đổi rõ rệt trong thái độ, hành xử, đặc biệt là với các quốc gia láng giềng, theo xu hướng ngày càng cứng rắn và áp đặt. Nhiều chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia Pháp, cho rằng Trung Quốc có phần tự đề cao bản thân sau khi đạt được những thành quả nhất định. Đến nỗi, họ còn so sánh thái độ, hành xử của giới lãnh đạo Trung Quốc với căn bệnh tự kỷ! Tất nhiên những ý kiến đó còn phải bàn thêm, nhưng tôi nghĩ tựu trung, đúng là hành xử của Trung Quốc từ năm 2010 trở về sau trở nên khó đoán định hơn trước.

Ví dụ, năm 2010, Trung Quốc cắt cáp thăm dò tàu thăm dò địa chấn của Tập đoàn dầu khí Việt Nam và tàu Viking 2 của một tập đoàn kinh tế nước ngoài hợp tác với Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Năm 2011, Trung Quốc tiếp tục gây hấn với Việt Nam, Nhật Bản, Philippines. Năm 2012, chính thức ra quyết định thành lập Thành phố Tam Sa bao chiếm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và mời thầu quốc tế 9 lô dầu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Năm 2013, Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ trên biển Hoa Đông, bao trùm quần đảo Sensaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý và một phần lãnh hải lên đến 2.300 km2 do Hàn Quốc quản lý. Năm 2014, Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Năm 2015, Trung Quốc ráo riết đẩy nhanh việc cải tạo các đảo đá chìm tại Biển Đông thành căn cứ quân sự.

Như vậy là từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc liên tục có những hành động khiến dư luận quốc tế xôn xao theo chiều hướng không mấy thiện cảm. “Tỷ lệ thuận” với mức độ ngang ngược của Trung Quốc là thái độ phản đối của cộng đồng quốc tế nói chung và Mỹ nói riêng. Từ tuyên bố nhắc nhở đến ra Nghị quyết yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động phi lý trên Biển Hoa Đông và Biển Đông và mới đây nhất, Mỹ tuyên bố xem xét việc điều quân và tàu chiến đến Biển Đông - một lời cảnh báo ở mức nghiêm trọng. Qua đó có thể thấy, mối quan hệ giữa hai nước này đang ở vào trạng thái căng thẳng đến mức độ nào, sau một quãng thời gian diễn biến như đã nói ở trên.

Còn nếu hỏi: Vì sao họ căng thẳng với nhau cực độ như hiện nay? Tôi cho rằng đó là vì trước đây những hành động của Trung Quốc dù phi lý, dù gây bất bình cho quốc tế và Mỹ, nhưng cũng chưa động chạm trực tiếp đến quyền lợi của Mỹ. Còn bây giờ, với động thái xây căn cứ quân sự trên biển Đông, xem như Trung Quốc đã “ngầm” tuyên chiến với Mỹ khi mà căn cứ quân sự Darwin của Mỹ tại Australia nằm trọn trong tầm đạn pháo của máy bay chiến đấu H6, H6K của Trung Quốc. Chưa kể, những đồng minh thân thiết của Mỹ trong khu vực như Philippines hay Nhật Bản chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu Trung Quốc đạt được ý đồ.

Phóng viên: Liệu tình trạng căng thẳng này có chuyển biến thành xung đột, đụng độ trực tiếp không, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đó cũng chính là câu hỏi đang khiến cả thế giới “đứng ngồi không yên”. Hai quốc gia lớn nhất nhì hành tinh “động tay động chân” với nhau, ắt sẽ tác động đến cả thế giới. Nhưng tôi cho rằng có thể loại trừ kịch bản xấu nhất đó. Bởi hai lẽ:

Thứ nhất, về chiến lược, gây hấn trực tiếp với Mỹ không phải là ý đồ của Trung Quốc. Ít ra là cho đến năm 2022 - năm khép lại thời kỳ nắm quyền của thế hệ lãnh đạo thứ 5 và chuyển giao cho thế hệ lãnh đạo thứ 6. Trước đó, năm 2021 sẽ là năm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và mục tiêu của họ từ giờ đến lúc đó là xây dựng xã hội khá giả, thậm chí vượt mặt Mỹ về quy mô nền kinh tế. Nên có thể nói, thời đại Tập Cận Bình - tức thời đại hiện nay - sẽ tập trung vào việc bành trướng sức mạnh, phát triển càng lớn càng tốt.

Thứ hai, về tiềm lực, nói gì thì nói, Mỹ vẫn đứng ở vị trí số 1 thế giới cả về kinh tế lẫn quân sự. Hiện nay, Trung Quốc chưa thể đủ khả năng đối đầu trực diện với Mỹ - đối trọng được với Mỹ có lẽ chỉ có Nga. Đã biết trước như vậy thì Trung Quốc chắc chắn sẽ không “chọc” vào ổ kiến lửa bên kia Thái Bình Dương, thậm chí họ đặt mục tiêu bằng mọi giá duy trì mối quan hệ bình thường, không xung đột với Mỹ.

Còn về phần Mỹ, tôi nghĩ Mỹ răn đe, kìm hãm Trung Quốc như vậy chứ cũng chưa sẵn sàng đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Nên nhớ rằng, trong lịch sử thế giới mấy nghìn năm nay, chưa có quốc gia nào trỗi dậy nhanh như Trung Quốc. Cách đây 5 năm Trung Quốc đã vượt mặt Nhật Bản thì ai mà biết được, liệu trong tương lai Trung Quốc có “soán ngôi” của Mỹ hay không? Tất nhiên nếu có thì cũng phải ngoài 2030 - theo ý kiến đánh giá của nhiều chuyên gia. Nhưng để thấy, với Mỹ, Trung Quốc là một thế lực đáng gờm chứ không phải đơn giản.

Phóng viên: Vậy còn kịch bản nào cho mối quan hệ giữa hai quốc gia này, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Khó mà dự đoán được diễn biến vấn đề liên quan đến Mỹ và Trung Quốc. Bởi họ “dây dưa” với nhau từ rất lâu rồi, với một mối quan hệ hết sức phức tạp. Cốt lõi của mối quan hệ này là sự đối kháng, thậm chí là đối kháng “mất - còn”. Đó là sự mâu thuẫn giữa hai quốc gia trái ngược nhau hoàn toàn về hệ giá trị cũng như định hướng phát triển. Một bên, chúng ta có một quốc gia đang lên và ngày càng cảm thấy “ngột ngạt” bởi trật tự thế giới hiện hành. Nên nếu nói những động thái của Trung Quốc trong thời gian qua thể hiện tham vọng phá vỡ trật tự thế giới, khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thời đại mới, tôi cho cách nhìn đó chính xác.

Đổi lại, Mỹ chính thức nắm giữ ngôi vị siêu cường số 1 thế giới từ năm 1914, đến nay đã được 101 năm. Hiển nhiên, sẽ không dễ gì họ để cho Trung Quốc qua mặt và làm đảo lộn trật tự mà họ xây dựng, duy trì và chi phối bấy lâu nay.

Hiện nay, khi cả hai bên chưa sẵn sàng, chưa đủ điều kiện để loại bỏ lẫn nhau, thì họ chọn cách vừa hợp tác vừa cạnh tranh. Theo quan điểm dự đoán của tôi, phần cạnh tranh sẽ càng ngày càng lớn và phần hợp tác sẽ bị thu hẹp lại. Nên lưu ý một điều là Trung Quốc đang tận dụng mọi cơ hội, mọi khoảng trống để nâng cao vai trò của mình tại “sân sau” của Mỹ, đơn cử như chuyến đi đến các nước Mỹ Latinh của Thủ tướng Lý Khắc Cường vừa qua.

Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, diễn biến phát triển mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc liệu có tác động đến Việt Nam chúng ta?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đó chính là điểm mấu chốt mà chúng ta không thể bỏ qua, một khi bàn về mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Có một sự thật là Việt Nam luôn chịu tác động bởi hai nhân tố nói trên, trước đây, bây giờ và sau này cũng vậy. Bởi một lý do không thể nào thay đổi, đó là vị trí địa lý.

Lịch sử đã cho thấy, Việt Nam luôn phải “nhạy” với những chuyển biến trong mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Đã có những lần họ bắt tay hoà hảo, êm ấm với nhau, và kết quả của những “tuần trăng mật” ngắn ngủi ấy là bài học đắt giá cho Việt Nam. Nói ngắn ngủi là so với những mối quan hệ đồng minh tốt đẹp thông thường thôi, chứ Mỹ và Trung Quốc từng có lúc bắt tay với nhau hơn một thập niên để cấm vận, trừng phạt Việt Nam.

Nhắc lại quá khứ không phải để có cái nhìn hằn học, nghi ngại mà để giữ được sự tỉnh táo trước những diễn biến ngày càng phức tạp của an ninh - chính trị thế giới. Nhất là khi trên con đường hội nhập, phát triển của chúng ta, sẽ luôn luôn phải đặt ra câu hỏi: Chúng ta ở đâu giữa hai bờ Mỹ - Trung Quốc? Một mặt, quan hệ với Trung Quốc là điều không tránh khỏi và cần thiết, dù gì đó cũng là nước láng giềng - còn người láng giềng này tốt xấu ra sao, lại là một vấn đề khác. Mặt khác, thiết lập quan hệ với Mỹ và các thế lực kinh tế, quân sự khác trên thế giới như Nhật Bản, Eu,…để tạo cho mình một vị trí cân đối, hài hoà trong dòng chảy phát triển của nhân loại.

Phóng viên: Cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trò chuyện!

Thục Anh

(Thực hiện)

Mới nhất
x
x
Mỹ - Trung Quốc: Xung quanh mối quan hệ chi phối thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO