Nam Đàn: Học tập và làm theo Bác
(Baonghean) - Những ngày đầu tháng Năm lịch sử, về Nam Đàn - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi được nghe những câu chuyện vui, cảm động về những việc làm cụ thể, thiết thực của người dân "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác". Đó là chuyện hiến đất xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ gia đình chính sách, hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn...
Đầu tiên là chuyện về phong trào thi đua sôi nổi hiến đất vườn, đất ruộng xây dựng nông thôn mới. Đi đầu là ông Trần Quang Hóa ở xóm 9, xã Nam Nghĩa tự nguyện dỡ bỏ 111m tường rào xây cùng 250 m2 đất; ông Nguyễn Sinh Quế, ở xóm Sen 4, xã Kim Liên hiến 500 m2 đất ruộng của gia đình để chia và bù đắp cho các gia đình bị mất đất do mởđường chung ở xã. Hay ông Nguyễn Quang ở xóm Đồng Văn, xã Hùng Tiến hiến 1.000 m2 đất sản xuất để làm giao thông nội đồng... Bây giờở Nam Đàn, việc hiến đất, góp đất xây dựng nông thôn mới đã thực sự lan tỏa thành phong trào, với con số gần 1.000 gia đình và tổng số diện tích hiến trên 50.000 m2.
Trường Mầm non Vân Diên- một trong những trường đạt chuẩn Quốc gia
của huyện Nam Đàn. Ảnh: Xuân Tám
Chủ tịch UBND huyện - Thái Văn Nông phấn khởi cho biết: "Nam Đàn được Trung ương chọn là 1 trong 5 huyện điểm của cả nước về xây dựng nông thôn mới. Đây là một vinh dự lớn nhưng cũng đặt ra cho cán bộ, nhân dân huyện quê Bác nhiệm vụ hết sức nặng nề cần phải có sự quyết tâm rất cao và tạo ra kết quả rõ nét. Xác định được vai trò, trách nhiệm đó, ngay khi có chủ trương, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề tập trung lãnh đạo, chỉđạo; UBND huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai các nội dung, phần việc một cách bài bản, cụ thể và sát với tình hình của địa phương.
Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện, 23/23 xã đã hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới và được phê duyệt; đồng thời tiến hành công khai, công bố và cắm mốc theo quy hoạch. Các địa phương cũng đã lồng ghép các chương trình, dự án nhằm huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu theo tiêu chí nông thôn mới, như: đường giao thông, công trình thủy lợi, trụ sở làm việc, nhà văn hóa, sân thể thao, trường học, trạm xá... Tổng vốn thực hiện trong hơn 1 năm qua đã lên đến trên 136 tỷđồng, trong đó vốn do nhân dân đóng góp là 30 tỷđồng, chiếm 22%. Kết quả, có 3/23 xã đạt từ 10 đến 12 tiêu chí, tăng 2 xã so với trước khi thực hiện; 20/23 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, tăng 9 xã so với trước khi thực hiện...".
Tiếp đó là chuyện về những nghĩa cử cao đẹp "áo lành đùm áo rách", "uống nước nhớ nguồn" thông qua việc đóng góp xây dựng các loại quỹ "Vì người nghèo", "Đền ơn, đáp nghĩa", "khuyến học - khuyến tài" nhằm giúp đỡ các đối tượng là gia đình chính sách, hộ nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vươn lên trong cuộc sống. Điển hình có Hội Phụ nữ huyện với phong trào xây dựng "Mái ấm tình thương", "Ống tiền tiết kiệm", "Hũ gạo tiết kiệm" với 13 nhà ởđược xây dựng tặng gia đình phụ nữ nghèo, đơn thân; gần 9 tấn gạo và trên 500 triệu đồng giúp 916 gia đình khó khăn.
Huyện đoàn phát động phong trào thanh, thiếu niên tích cực tham gia hoạt động đền ơn, đáp nghĩa; thực hiện cuộc vận động nghĩa tình biên giới hải đảo gắn với các phong trào tình nguyện... Điển hình có bà Nguyễn Thị Vân, xóm Mỹ Thiện, xã Nam Cát mặc dù điều kiện kinh tế không khá giả song mỗi năm ủng hộ trên 15 triệu đồng giúp đỡ gia đình chính sách, người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn học giỏi. Hay việc làm có ý nghĩa của thương binh 1/4 Nguyễn Đăng Khoa, ở xóm 5, xã Nam Lĩnh đã tự mở lớp tình thương để dạy cho các em có hoàn cảnh khó khăn, yếu kém mà không thu tiền. Hay Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Thái - Nguyễn Thị Thu đã trích tiền lương của mình 3,5 triệu đồng để mua quần áo, sách vở học tập tặng các cháu có hoàn cảnh...
Tính từđầu năm 2011 lại nay, toàn huyện Nam Đàn đã huy động trên 2 tỷđồng quỹ Vì người nghèo để xây dựng gần 300 ngôi nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ cho gần 1.500 gia đình nghèo và gặp khó khăn; vận động được gần 3,9 tỷđồng quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa"... Và đó còn là những câu chuyện ở nhiều cơ quan cấp huyện và các xã, thị trấn, nhiều cán bộ, công chức có những hoạt động điển hình trong việc vượt khó, sáng tạo để chỉđạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đưa kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh ởđịa phương phát triển. Trong lực lượng vũ trang cũng có nhiều điển hình về phong trào thi đua quyết thắng và phong trào Vì an ninh Tổ quốc...
Nói về những bước chuyển biến và sự tiến bộở Nam Đàn thời gian qua, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phạm Xuân Quang khẳng định: Thông qua việc quán triệt, học tập và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục được nâng lên. Sau quán triệt, học tập, các cấp ủy đảng đã xây dựng, bổ sung các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên cơ sở chức trách, nhiệm vụ của từng đơn vị, cá nhân; đưa nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
Mặt khác, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã chỉ thị Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Huyện đoàn, Phòng Giáo dục - Đào tạo và các đơn vị liên quan đưa việc giảng dạy, học tập nội dung tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác trong các tổ chức đoàn cơ sở, các trường học. Quan tâm chỉđạo đăng ký việc làm theo tấm gương của Bác với 100% tổ chức đảng và 93% đảng viên thực hiện. Huyện ủy cũng đã tập trung lựa chọn và giải quyết một số vấn đề bức xúc, nổi cộm, như ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; công tác quản lý và bảo vệ môi trường; công tác quản lý và đầu tư xây dựng cơ bản...
Trong không khí rộn ràng và thiêng liêng của tháng Năm lịch sử, những việc làm được của cán bộ, đảng viên và người dân Nam Đàn là những món quà thật ý nghĩa mừng 122 năm Ngày sinh nhật của Người. Bên cạnh đó, Đảng bộ và nhân dân Nam Đàn cũng đã nhìn rõ những hạn chế sau gần 1 năm thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 03 của Bộ Chính trịđể kiểm điểm, sửa chữa nhằm chuyển tải những tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác vào trong mỗi việc làm, hành động hàng ngày của mỗi người, mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Đó là việc tổ chức làm theo ở một sốđơn vị còn lúng túng, chưa cụ thể, thiết thực và ít chất lượng. Một số cấp ủy và chi bộ chưa thật sự chú trọng đưa nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành nhiệm vụ thường xuyên của tập thể và cá nhân nên kết quả chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Mặt khác, trong hoạt động thực tiễn, có nhiều địa phương có nhiều điển hình tiêu biểu nhưng việc phát hiện, tuyên truyền, tôn vinh, cổ vũ còn chậm, chưa đầy đủ, chưa tạo sức lan tỏa trong việc giáo dục, động viên đối với cộng đồng.
Tư tưởng, tấm gương của Bác Hồ luôn vì nhân dân mà làm việc. Cái gì có lợi cho dân, nhỏ cũng phải làm. Cái gì có hại cho dân, nhỏ cũng phải tránh. Đừng vì động cơ thành tích cá nhân mà làm thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân. Đảng viên và cán bộ phải lo cho dân đến cả tương, cà, mắm, muối chứ không phải quan liêu, hách dịch. Tất cả những tư tưởng, đạo đức của Bác sẽ tiếp tục được mỗi người dân Nam Đàn chuyển tải vào trong những công việc hàng ngày.
Đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức đang thể hiện sự quyết tâm đi sâu, đi sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và giải quyết những vướng mắc của nhân dân một cách thấu đáo. Thực sự coi sự bức xúc của nhân dân là bức xúc của mình để giải quyết mọi công việc và phải toàn tâm, toàn ý vì lợi ích của nhân dân, phấn đấu xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện kiểu mẫu như sinh thời Bác từng mong muốn.
Mai Hoa - Thanh Phúc