Nam sinh trường Phan chia sẻ bí quyết thủ khoa tại Kỳ thi đánh giá năng lực
(Baonghean.vn) - Để đạt thủ khoa tại Kỳ thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, em Chu Văn An (học sinh lớp 12A4 – Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) có lộ trình ôn tập bài bản, khoa học.
Theo An, trong quá trình làm bài, bí quyết để đạt kết quả cao, đó là phải chủ động và tận dụng được thời gian, dù chỉ tính bằng giây.
Không lãng phí thời gian
Chu Văn An vừa nhận được kết quả của Kỳ thi đánh giá năng lực lần 2 do Trường Đại học Quốc gia Hà Nội với điểm số 120/150 điểm. Với kết quả này, An cho biết: Em không ngạc nhiên về điểm số 120 của mình, bởi sau khi thi xong em đã dự đoán được. Tuy nhiên, em khá ngạc nhiên vì mình giữ vị trí “thủ khoa” trong số khoảng 8.000 thí sinh đăng ký dự thi lần 2. Dù đây là điểm số cao nhất nhưng em khá tiếc, vì thực tế có những câu em có thể làm tốt hơn nhưng em lại để xảy ra sai sót...
Chu Văn An là học sinh lớp 12A4 - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Trước đó, An từng học THCS tại Trường THCS Hà Huy Tập - TP Vinh. Ảnh: MH |
Bài thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội có 150 câu, trong đó có 50 câu thuộc phần tư duy định lượng (Toán), 50 câu thuộc phần tư duy định tính (Tiếng Việt – Ngữ văn) và 50 câu khoa học (gồm tổng hợp các câu hỏi thuộc các môn Toán – Lý – Hóa – Sinh – Địa lý). Thời gian làm bài thi là 195 phút, tương đương với thời gian hơn 3 tiếng đồng hồ. Trong quãng thời gian đó, An cho biết, giữa mỗi bài thi, thí sinh có 30 giây để nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần. Còn lại, để có thể hoàn thành bài thi, An và nhiều thí sinh khác, dường như không có một quãng thời gian nào để trống.
Nhớ lại bài thi của mình, An cho biết, cả ba phần thi An đều phải phát huy năng lực bản thân và thực sự không dễ dàng để hoàn thành. Kỳ thi này so với Kỳ thi tốt nghiệp THPT, thực sự “quá căng thẳng”.
Tư duy định lượng là bài thi đầu tiên mà thí sinh phải hoàn thành. Với 75 phút, thí sinh phải trả lời 50 câu hỏi về đại số và hình học. Với Kỳ thi năm nay, An khá bất ngờ khi bốc phải mã đề có đến 25 câu hỏi liên quan đến hình không gian.
Chia sẻ về quá trình làm bài thi tư duy định lượng, An cho biết: Ngay khi nhận đề, em dường như phải bắt tay vào làm ngay và làm theo thứ tự. Trong đó, những câu nào dễ, đơn giản, em làm trước và cho phép mình làm trong 3 giây. Hoàn thành các câu hỏi này, em mới tập trung những bài khó hơn và cho phép mỗi bài tập được làm trong 7 giây. Khi đã hoàn thành cơ bản các câu hỏi, em dành thời gian còn lại cho những bài khó hơn và lúc đó sẽ làm hết khả năng của mình. Với phần thi này, em đúng được 44/50 câu.
Với khoảng 8.000 thí sinh dự thi trong đợt thi lần 2, An cho rằng đó không phải là con số nhiều, bởi kỳ thi này tổ chức vào cuối tháng 3, khi học sinh lớp 12 chưa hoàn thành chương trình phổ thông ở trường. Ngay tại lớp nơi An đang học, em là thí sinh duy nhất dự thi đợt 2. Vì sao đưa ra quyết định thi sớm? An cho rằng em “khá tự tin với lượng kiến thức mà mình đã được học”. Trong đó, riêng môn Toán, An đã hoàn thành chương trình lớp 12 từ cuối năm lớp 11 và có thời gian gần 1 năm để luyện đề. Trong đề thi tư duy định lượng, An cho biết lượng kiến thức chủ yếu trong chương trình lớp 12. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có thêm một câu hỏi của lớp 11 và thí sinh ngoài học và nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa phải làm thêm khá nhiều các bài tập nâng cao mới giải quyết được các câu hỏi trong đề thi.
Từ cuối năm lớp 11, An đã cố gắng để hoàn thành chương trình lớp 12 và chuẩn bị kiến thức, tâm lý cho Kỳ thi đánh giá năng lực. Ảnh: MH |
Ở phần thi Tư duy định tính, thí sinh có 60 phút để trả lời 50 câu hỏi cho các phần đọc hiểu (20 câu), Tiếng Việt (20 câu) và đọc văn bản (10 câu). Là một học sinh chuyên Hóa, An cho biết, đây là phần thi khó nhất và An chỉ hoàn thành 33/50 câu hỏi.
Trong ba phần thi, An cho biết, phần đọc văn bản không quá khó bởi đề thi chỉ yêu cầu học sinh đọc một văn bản trong sách giáo khoa và yêu cầu trả lời các nội dung về phương thức biểu đạt, ý nghĩa, nghệ thuật của văn bản... và chỉ cần nắm chắc văn bản là có thể làm được bài.
Ở phần đọc hiểu, ban đầu bị lúng túng bởi có những câu hỏi với đáp án gần giống nhau khiến học sinh dễ bị “đánh lừa”. Trong khi đó, ở phần Tiếng Việt, An thực sự lúng túng vì có những từ như từ trái nghĩa, đồng nghĩa An thực sự không hiểu. Vì vậy, sau khi hoàn thành bài thi, An phải xem lại từ điển Tiếng Việt để hiểu rõ hơn văn bản.
Sang phần thi Khoa học, với 5 môn thi, An nói rằng các câu hỏi Lịch sử - Địa lý, đọc câu hỏi đến đâu An sẽ tích luôn vào phần trả lời vì kiến thức chủ yếu trong sách giáo khoa. Ở phần Lịch sử có một số câu hỏi liên quan đến phần liên hệ thực tiễn hiện nay nhưng cũng không quá khó, vì chỉ cần từng chịu khó tìm hiểu là có thể trả lời được.
Việc đọc sách giúp An hoàn thành khá tốt các câu hỏi ở phần thi Khoa học. Ảnh: MH |
Ở phần Hóa học, An tự tin vì là môn chuyên của mình. Trong khi đó, với Vật lý và Sinh học, có khá nhiều câu hỏi lý thuyết, lượng kiến thức khá rộng và cũng mất khá nhiều thời gian để hoàn thành. Ở phần thi này An làm đúng 43/50 câu.
Làm quen với áp lực
Chu Văn An không phải là một cái tên khá lạ lẫm ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Bởi lẽ, khi đang học lớp 11, An từng là học sinh đạt giải Nhất cuộc thi Beyond the Knowledge – một cuộc thi được ví như cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Sau đó, em được đại diện nhà trường tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2022 và lọt vào vòng thi quý.
Trước đó, khi quyết định đến với Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, An cũng đặt cho mình trước nhiều lựa chọn quan trọng. Vì vậy, dù từ năm lớp 10, An cũng đã từng được lọt vào đội tuyển của lớp để tham dự chọn đội tuyển quốc gia nhưng cuối cùng An đã dừng lại và muốn dành thời gian để đến với sân chơi Olympia.
Chu Văn An từng giành giải Nhất cuộc thi Beyond the Knowledge – một cuộc thi được ví như cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: NVCC |
Thất bại từ cuộc thi Olympia vòng quý để lại cho An khá nhiều tiếc nuối. Tuy nhiên, sau này những kiến thức, những kinh nghiệm mà An đã từng có được từ cuộc thi này lại là điều kiện thuận lợi để An tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Quốc gia tổ chức, nhất là với các câu hỏi thuộc bộ môn Lịch sử, Địa lý và phần Tư duy định tính.
Ở các môn học còn lại, ngoài lợi thế học sinh chuyên Hóa học, An cho biết, các môn học còn lại em đều phải học bài bản, chỉnh chu và bí quyết đầu tiên đó là phải “học chuyên cần trên lớp và nắm chắc các kiến thức trong sách giáo khoa”.
Chu Văn An trong lần tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia tại Hà Nội. Ảnh: NVCC |
Khác với nhiều học sinh khác, An cũng nói rằng em không tốn tiền tham gia các khóa ôn luyện trực tuyến, bởi tài liệu và đề thi thử của các bài thi đánh giá năng lực trên mạng khá nhiều. Để làm được các bài tập này, An thấy lượng kiến thức khá tương đồng với Kỳ thi tốt nghiệp THPT và chỉ cần thường xuyên luyện đề, đọc tài liệu là có thể hoàn thành tốt.
Áp lực lớn nhất ở kỳ thi này đó là thời gian và sau hai, ba lần thi thử An đã tự rút kinh nghiệm cho bản thân để làm nhanh, đúng, trúng và không lãng phí thời gian. Kinh nghiệm “3 giây, 7 giây” cũng là do em tự đặt ra cho mình đúc rút từ chính thực tế.
Với 120/150 điểm, hiện An có nhiều cơ hội để đăng ký xét tuyển vào nhiều trường Đại học tốp đầu. Tuy vậy, dù đã có thành tích đạt giải Nhì học sinh giỏi tỉnh môn Hóa học, IELTS 7.5 nhưng An vẫn chưa hài lòng bởi mục tiêu của em đang hướng tới là Đại học Bách khoa Hà Nội.
Những kinh nghiệm từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia giúp An hoàn thành tốt Kỳ thi đánh giá năng lực. Ảnh: NVCC |
Hiện, An vẫn tiếp tục ôn thi để tham gia kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội và nỗ lực học đều các môn cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ở Kỳ thi nào, An sẽ vẫn nỗ lực để đạt được kết quả cao nhất để không phụ lòng bản thân, thầy cô, gia đình và nhà trường./.