Nạn nhân bị 'khủng bố' đòi nợ ở Nghệ An được ngành Giáo dục lập danh sách để báo công an

Tiến Hùng 23/05/2022 17:35

(Baonghean.vn) - Văn bản có nội dung như trên đã được gửi đến UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh Nghệ An.

Ngày 23/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An có văn bản về việc phòng ngừa, cảnh giác trước các hoạt động cho vay tiền qua mạng xã hội và các tổ chức chức tín dụng không rõ nguồn gốc gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, thị xã, - Các đơn vị trực thuộc Sở - Các trung tâm GDTX, GDNN-GDTX...

Ngoài ra, văn bản này cũng được gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Nghệ An để báo cáo và gửi Công an tỉnh Nghệ An để phối hợp xử lý.

Văn bản này cho hay, thời gian gần đây, theo phản ánh của các ngành chức năng và nắm bắt tình hình tại các cơ sở giáo dục cho thấy hoạt động của một số đối tượng tổ chức tín dụng cho vay tiền không rõ nguồn gốc được đăng tải trên các app, thông qua tin nhắn các ứng dụng online, mạng xã hội, tờ rơi..., với lời quảng cáo thủ tục đơn giản, nhanh gọn đã lôi kéo được nhiều người tham gia, trong đó có một số cán bộ, giáo viên trong ngành.

Các cá nhân khi đã vay tiền theo hình thức này phải chấp nhận lãi suất cao và hình thức tính lãi phức tạp, sau khi vay đã chịu nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Nhiều người cho biết đã trả hết nợ nhưng các đối tượng này cho rằng vẫn còn nợ nên liên tục bị đòi. Để đòi nợ, các đối tượng sẵn sàng gây sức ép đối với tất cả những người thân, đồng nghiệp có liên quan đến con nợ, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và uy tín của nhiều người, trong đó nhiều người không hề vay mượn bất kể khoản tiền nào, nhưng vẫn có người gọi điện, nhắn tin khủng bố, đe dọa. Nghiêm trọng hơn, chúng còn sử dụng hình ảnh cá nhân phát tán lên mạng xã hội, gửi email, gọi điện cho các cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý, các cá nhân liên quan để tố cáo và gây sức ép đòi nợ.

Để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn những hiện tượng nêu trên, sau khi tham khảo ý kiến của Phòng PA03 Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu các phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc, các Trung tâm GDTX, GDNN-GDTX tăng cường quán triệt, tuyên truyền, yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên nâng cao nhận thức, cảnh giác với những hình thức mời gọi cho vay và hệ quả của việc vay tiền với lãi suất cao của các tổ chức, cá nhân chưa rõ nguồn gốc; cách nhận biết và phòng tránh trở thành nạn nhân của tình trạng này. Đặc biệt, không vay mượn tiền của các đối tượng cho vay qua các trang mạng xã hội, các số điện thoại, tờ rơi, hoặc các app vay tiền không rõ nguồn gốc hay qua các đối tượng trung gian.

Một hiệu trưởng và người thân dù không vay tiền nhưng bị bêu rếu trên mạng xã hội. Ảnh: T.H
Một hiệu trưởng và người thân dù không vay tiền nhưng bị bêu rếu trên mạng xã hội. Ảnh: T.H

Trường hợp cán bộ, giáo viên, nhân viên đã có vay mượn tiền của các tổ chức, cá nhân (qua mạng hay các tổ chức các tín dụng khác) đã trả nợ đầy đủ hay chưa trả đủ, bị các đối tượng đe dọa, khủng bố, cần kịp thời báo cáo với lãnh đạo đơn vị để tìm giải pháp xử lý. Trong trường hợp bị các đối tượng cho vay ghép ảnh, đưa chứng minh thư, căn cước công dân, bôi nhọ, vu khống lên mạng xã hội, lên hộp thư điện tử, đe dọa, yêu cầu thanh toán các khoản nợ vô lý hoặc mạo danh cơ quan công an lừa đảo ép buộc chuyển tiền... kịp thời thông báo cho bạn bè, người thân, đồng thời báo cáo lãnh đạo đơn vị để trình báo với cơ quan công an biết và có hướng xử lý.

Đồng thời, cảnh giác với các hình thức mạo danh cơ quan chức năng (Công an, Y tế, Thanh tra ...) gọi điện đến lừa đảo, dọa nạt, chiếm đoạt tiền bạc, tài sản. Khi bị mất giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân, căn cước công dân, giấy phép lái xe...), cần nhanh chóng thông báo với các cơ quan có thẩm quyền để phòng ngừa hiện tượng trộm cắp thông tin cá nhân, lợi dụng giấy tờ của mình để hoạt động vi phạm pháp luật.

Một hiệu trưởng khác thị bị chế ảnh, đe dọa. Ảnh: T.H
Một hiệu trưởng khác thì bị chế ảnh, đe dọa. Ảnh: T.H

Sở GD&ĐT yêu cầu các phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc, các trung tâm GDNN-GDTX triển khai đến từng cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động trong toàn ngành biết và thực hiện nghiêm túc. Đồng thời yêu cầu các đơn vị có giáo viên, nhân viên của đơn vị mình đã và đang bị khủng bố, đòi nợ, lừa đảo trong thời gian từ 01/01/2021 đến 20/5/2022, lập danh sách gửi về Sở, qua Phòng Chính trị tư tưởng trước ngày 28/5/2022 để tổng hợp, báo cáo cơ quan chức năng có biện pháp xử lý.

Trước đó, Báo Nghệ An có loạt bài phán ảnh tình trạng nhiều hiệu trưởng, giáo viên, lãnh đạo một số đơn vị... bị "khủng bố" đòi nợ dù không vay tiền. Sau khi Báo Nghệ An đăng tải, hàng trăm người đã liên hệ, phản ánh họ cũng là nạn nhân vấn nạn này. Thậm chí, một số giáo viên đành phải xin nghỉ việc do không chịu nổi áp lực, đe dọa....

Mới nhất

x
Nạn nhân bị 'khủng bố' đòi nợ ở Nghệ An được ngành Giáo dục lập danh sách để báo công an
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO