Nâng bước đến trường

24/08/2014 15:06

(Baonghean) - Năm học mới đã bắt đầu. Trong tiếng trống trường rộn rã vẫn còn đó những nỗi lo về cơ sở vật chất, đặc biệt ở các huyện nghèo. Chung tay tiếp sức cho trẻ em vùng cao đến trường là việc làm thường xuyên được các tổ chức, cá nhân, chính quyền và người dân quan tâm. Những việc làm thiết thực đó đã ươm lên mầm xanh hy vọng cho học sinh vùng cao...

Điểm trường Na Khốm thuộc Trường Tiểu học Yên Na (Tương Dương) nằm cheo leo trên một ngọn đồi, tấm biển trường đơn sơ, dãy phòng học sơ sài với chừng chỉ 5 phòng học. Hôm chúng tôi đến, dù chưa bước vào năm học mới nhưng không khí của trường thật rộn ràng, mọi người đang tất bật chuẩn bị trường lớp để vài ngày tới con em trong bản sẽ đến trường. Công việc cũng được chia đều: Những ông bố “sức dài vai rộng” thì đi chặt tre, hóp dựng lại ngôi nhà để xe cho thầy, cô giáo dưới chân đồi; Các mẹ, các chị khéo tay thì chẻ tre, làm hàng rào. Trong đó có cả những cụ già dù không có con cháu học tại trường cũng nhiệt tình tham gia. Sôi nổi nhất có lẽ là khu nhà bếp, nơi anh Vy Bốn My, Chi hội trưởng Hội Phụ huynh của trường đang chỉ đạo việc dém lại mái bếp phục vụ việc nấu ăn cho các cháu học bán trú. Phòng ăn chỉ là ngôi nhà tranh tuềnh toàng được anh My và các phụ huynh khác sửa sang lại cẩn thận. Bởi lẽ, nhờ có bếp ăn này, nhờ có sự giúp đỡ của thầy, cô giáo nên từ năm học 2013 - 2014 con em của hai bản Na Khốm và Hồi Xuế mới được học bán trú ở trường, không còn cảnh đi đi về về vất vả như trước. Dù cơ sở vật chất của trường còn thiếu thốn, nhưng trường vẫn có những chiếc bập bênh bằng tre, những chiếc đu quay “tự chế” rất sinh động. Tất cả đều là sản phẩm của thầy, cô giáo và phụ huynh trong vùng dựng lên để phục vụ việc vui chơi giải trí của con em.

Chuẩn bị trường lớp cho học sinh ở điểm Trường Na Khốm, Trường Tiểu học Yên Na (Tương Dương).
Chuẩn bị trường lớp cho học sinh ở điểm Trường Na Khốm, Trường Tiểu học Yên Na (Tương Dương).

Không chỉ riêng Trường Tiểu học Yên Na mà tại rất nhiều các trường học từ điểm chính đến điểm lẻ ở các thôn bản trên địa bàn huyện Tương Dương, không khí chuẩn bị năm học mới cũng rất khẩn trương. Điều đáng quý là, tuy nguồn huy động xã hội hóa từ các trường không nhiều nhưng bù lại phụ huynh lại rất nhiệt tình trong việc sửa sang trường lớp, tổ chức những bếp ăn bán trú dân nuôi hay hỗ trợ cùng với nhà trường trong việc đóng góp lương thực. Như ở Trường Mầm non Xiêng My, dù trường đã được đầu tư xây dựng khá khang trang nhưng để duy trì bữa ăn trưa cho các cháu là hết sức khó khăn. Để chia sẻ với nhà trường, trước ngày khai giảng phụ huynh đã huy động bà con đến làm cỏ, trồng rau đảm bảo bước vào năm học các cháu có nguồn thực phẩm rau xanh thường xuyên và an toàn.

Dịp này, đoàn công tác của Báo Nghệ An cũng đã có chuyến khảo sát về cơ sở vật chất ở tại điểm Trường Tiểu học bản Đình Tài. Đây là nơi khó khăn nhất của xã với 2 lớp học sơ sài, cũ kỹ được ngăn đôi và 21 học sinh, trong đó khối lớp 3 và lớp 5 đang phải học ghép. Qua khảo sát, Báo Nghệ An đã có kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ nhằm tiếp sức cho trẻ em Đình Tài trong năm học mới. Sau đợt khảo sát, Công đoàn Báo Nghệ An phát động trong toàn thể đơn vị và chỉ trong thời gian chưa đầy 1 tuần, hơn 60 triệu đồng đã được cán bộ, phóng viên trong cơ quan đóng góp để ủng hộ các em. Đầu tuần tới, gần 50 bộ quần áo đồng phục mùa đông và mùa hè, bàn ghế, bảng chống lóa, giá sách sẽ được chuyển đến Đình Tài để kịp thay “áo mới” cho trường trước ngày khai giảng - anh Đậu Văn Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn Báo Nghệ An vui mừng chia sẻ.

Giáo viên Trường Tiểu học Xiêng My ôn tập hè cho học sinh trước khi  bước vào năm học mới.
Giáo viên Trường Tiểu học Xiêng My ôn tập hè cho học sinh trước khi bước vào năm học mới.

Bà Vi Thị Bích Thủy - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tương Dương cho biết: Ở một huyện còn quá nhiều khó khăn như Tương Dương, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, của các chương trình, dự án là hết sức thiết thực có ý nghĩa. Trong những năm qua, từ các nguồn hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp đã có hơn 47 tỷ đồng được giúp đỡ để xây dựng trường học; nhân dân các địa phương cũng đã đóng góp được hơn 12 tỷ đồng để mua bàn ghế, xây bờ rào và các công trình vệ sinh, sân trường. Huyện cũng đã vận động được gần 3 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của cán bộ, công nhân viên trong các đơn vị để hỗ trợ xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đặc biệt, hơn 2 năm trở lại đây mô hình câu lạc bộ phụ huynh đã được thành lập ở nhiều trường học của huyện Tương Dương. Dù quy mô của các câu lạc bộ không lớn nhưng với nhiều việc làm thiết thực, nhiều hoạt động ý nghĩa các phụ huynh, các thành viên của câu lạc bộ đã trở thành bạn đồng hành tin cậy của các nhà trường, giúp đỡ nhà trường trong mọi công việc, mọi hoàn cảnh. Riêng thời điểm đầu năm học mới, vai trò của phụ huynh lại càng được phát huy khi mà rất nhiều trường lớp tạm sau một thời gian không sử dụng đã bị hư hỏng cần phải sửa chữa và phụ huynh là những người đi tiên phong trong công tác này.

Đến thăm Trường THCS Yên Khê (xã Yên Khê - Con Cuông) đúng vào ngày nhà trường tập trung học sinh làm vệ sinh, dọn dẹp sân trường, triển khai kế hoạch năm học 2014 - 2015. Bước sang năm học mới này dãy phòng học xuống cấp trước kia đã được huyện đầu tư hơn 600 triệu đồng cải tạo thành phòng học bộ môn. Ngoài ra, nhà trường còn xây mới công trình vệ sinh thay thế công trình cũ xuống cấp trước đó. Trực tiếp chỉ đạo công nhân đẩy nhanh tiến độ để công trình kịp hoàn thành trước ngày khai giảng, cô Đinh Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Yên Khê cho biết: “Ngoài công trình đầu tư hơn 600 triệu đồng trên, nhằm tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các em, nhà trường còn phối hợp với Hội Phụ huynh tổ chức tu sửa lại phòng học (gia cố lại nền, tường, chỉnh trang trong phòng). Trường đang có kế hoạch sửa chữa lại nhà để xe, nâng cấp khu sân chơi bãi tập phía sau, làm đường bao quanh sân, mua ghế đá, làm cây cảnh... trang trí cho khu sân chơi để tạo cảnh quan cho nhà trường, đảm bảo theo tiêu chí “trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Ngoài ra, thời điểm này nhà trường đã đầu tư kinh phí bổ sung các đầu sách và đồ dùng dạy học cho thư viện nhà trường để phục vụ nhu cầu học tập, tham khảo của các em”.

Toàn huyện Con Cuông có 50 trường học, trong năm học 2014 - 2015 tới sẽ đón gần 14.873 học sinh ở các cấp học (mầm non, tiểu học, THCS và THPT) vào năm học mới. Để đảm bảo điều kiện phục vụ tốt cho công tác dạy và học, ngay từ trong hè, ngành Giáo dục huyện đã yêu cầu các trường rà soát lại cơ sở vật chất từng trường, đồng thời ưu tiên giải quyết kinh phí sửa chữa ở một số điểm trường khó khăn như: Trường THPT Con Cuông; Trường Tiểu học Lục Dạ (sửa chữa ở một điểm trường chính, một điểm ở bản Xòng với nguồn kinh phí 700 triệu đồng); Trường Tiểu học Môn Sơn được đầu tư sửa chữa lại 4 phòng học ở 2 điểm Trường Nam Sơn và Thái Hoà với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng; Trường THCS Yên Khê được đầu từ hơn 600 triệu đồng để sửa chữa lại 2 phòng, xây mới 1 phòng chuyên môn và 2 phòng vệ sinh. Ngoài ra, ở nhiều trường học có sửa chữa một vài hạng mục nhỏ như: Trường THPT Mường Quạ, THCS Thạch Ngàn, Tiểu học Đôn Phục... Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị gần như đã hoàn tất.

Không chỉ riêng ở huyện Con Cuông, đi dọc các huyện miền núi trong dịp này, tất cả đang dồn sức chuẩn bị cho ngày khai giảng. Bởi lẽ, như chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Kỳ Sơn: Khoảng 60% trường học của Kỳ Sơn tập trung ở vùng núi cao, khó khăn. Trong đó có khoảng hơn 1.000 phòng học tạm, hàng trăm phòng học mượn. Vì cơ sở vật chất còn thiếu thốn, cũ kỹ nên chỉ sau vài ba tháng nghỉ hè là mất mát, hư hỏng. Nếu không chỉnh trang, sửa chữa lại thì học sinh không thể đến lớp được.

Còn tại huyện Quế Phong, trao đổi với ông Sầm Hồng Lệ, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện, được biết: Hiện ở cấp học tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo đến trường chỉ mới đạt 14,5%. Nguyên nhân chính là thiếu phòng học. Riêng ở bậc THCS, thời gian qua huyện đã cố gắng đầu tư để xây dựng nhà bán trú cho học sinh nên hiện 11/14 xã đã có nhà bán trú. Còn tại các điểm lẻ, vùng sâu, vùng xa vẫn đang còn khoảng 100 phòng học tạm, chủ yếu tập trung tại các trường cấp 1 và trường mầm non. Riêng ở trường cấp III của huyện, tuy đa phần học sinh đều ở vùng xa nhưng số phòng học để đáp ứng nhu cầu nội trú cho học sinh chỉ đạt khoảng 70%. Để giải quyết tình trạng thiếu phòng học, nhiều điểm trường của huyện Quế Phong đã phải tổ chức học ghép cho học sinh nhưng với nhóm lớp nhà trẻ thì không thể thực hiện được, bởi phải đảm bảo các yếu tố như phòng học độc lập, đủ diện tích, có công trình vệ sinh, có nơi để đồ dùng, đồ chơi của trẻ và tổ chức bán trú cho trẻ.

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh, riêng ngành học mầm non vẫn còn 641 phòng học tạm và mượn. Số phòng học thực hành đạt chuẩn ở nhiều trường học còn thấp, nhiều trường chưa có phòng vệ sinh đạt chuẩn. Nhiều trường cấp I, cấp II vẫn phải học trong những dãy phòng học cấp 4 xuống cấp. Năm học mới ở nhiều địa phương đang bộn bề khó khăn. Bước vào năm học mới 2014 - 2015, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch tài chính cho năm học, trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là hệ thống trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ sở giáo dục và đào tạo, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông để đạt yêu cầu tối thiểu thực hiện chương trình giáo dục mới. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất gắn với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Theo quy định của Nhà nước việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất từ bậc mầm non đến THCS là do địa phương chịu trách nhiệm. Vì vậy, các địa phương cần quan tâm bố trí các nguồn kinh phí, huy động nguồn lực, tăng cường xã hội hóa để đầu tư xây dựng trường lớp, gắn với nhiệm vụ xây dựng trường lớp vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời việc xây dựng phải đảm bảo đúng quy hoạch, đúng chủ trương, đúng với cơ cấu dân số của vùng, miền.

Nhóm P.V

Mới nhất
x
Nâng bước đến trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO